Đa số những loại giày chạy bộ có thể đem lại cho bạn cảm giác thoải mái khi đi thử tại các cửa hàng, tuy nhiên để “đi thử” đúng cách nhất là bạn phải mang đôi giày đố và chạy thử vài cây số. Lúc này, bạn sẽ sớm nhận ra rằng một đôi giày phù hợp, lý tưởng cần phải phù hợp với hình dạng và kích thước bàn chân, cũng như phong cách chạy của bạn.

Các bước để chọn ra đôi giày chạy bộ phù hợp với bạn nhất:

  1. Xác định hình thức chạy bộ và phong cách chạy của bạn
  2. Chọn loại giày với các đặc tính mà bạn cần
  3. Thử giày để tìm ra đôi phù hợp nhất

Nhìn chung thì một đôi giày chạy bộ nên có thể sử dụng để chạy được trong vòng từ 650 đến 800 km (hoặc từ 3 đến 4 tháng đối với vận động viên điền kinh thông thường). Để nhận biết xem đã đến lúc bạn nên thay đôi giày hay không, hãy kiểm tra kỹ những đôi giày chạy bộ của bạn xem liệu phần đế giữa và đế ngoài của giày có bị xẹp hay bị mòn hay chưa. Nếu câu trả là có thì bạn không nên sử dụng đôi giày đó nữa mà hãy mua cho mình một đôi mới.

1. Phân loại giày chạy bộ

Giày chạy bộ đường bằng

Được thiết kế chuyên dụng dành cho những mặt đường nhựa hoặc đôi khi có để sử dụng để chạy trên mặt đường hơi gồ ghề. Với đặc điểm nhẹ và linh hoạt, những loại giày này giúp đem lại sự ổn định cho chân, làm êm bàn chân khi chạy liên tục trên những loại địa hình có bề mặt cứng và bằng phẳng.

Giày chạy bộ địa hình

Đôi giày này được thiết kế chuyên dụng dành cho những địa hình có nhiều sỏi đá, bùn lầy, rễ cây, và những chướng ngại vật khác. Chúng được tối ưu với phần đế làm bằng cao su có nhiều gai để tăng khả năng ma sát, độ ổn đinh, và khả năng bảo vệ bàn chân.

Giày luyện tập đa năng

Phù hợp và chuyên dụng dành cho việc tập gym, tập thể dục, và tập luyện tổng hợp theo phương pháp CrossFit hoặc các bài tập thăng bằng.

2. Phong cách chạy bộ

Nếu bạn đang sở hữu một đôi giày chạy bộ mà bạn đang sử dụng và cảm thấy phù hợp với chân của mình thì bạn có thể kiểm tra hình dạng của phần đế giày để xác định phong cách chạy của bạn.

Độ lật vào trong của bàn chân (pronation)

Khi chạy và tiếp đất thì chân sẽ tạo ra những vết mòn trên đế giày, tập trung ở phần ức bàn chân và một phần nhỏ ở vùng gót chân. Đây là độ nghiêng tự nhiên của bàn chân sau khi gót chân tiếp đất trong lúc chạy.

Độ lật vào trong tự nhiên của bàn chân (basic/neutral pronation)

Độ lật này khoảng 15 độ, có tác dụng giúp hấp thu lực tác động và giảm áp lực cho đầu gối và khớp chân khi chân tiếp đất. Đây là đặc điểm tự nhiên, bình thường, và có cơ chế sinh học tốt của cơ thể.

Bàn chân bị lật vào trong (overpronation)

Là một dạng lật vào trong quá mức của bàn chân, được xác định bằng những vệt mòn chạy dọc theo cạnh trong của giày. Đây là một đặc điểm thường gặp ở những người chạy bộ, làm tăng nguy cơ đau đầu gối hoặc chấn thương. Những người có bàn chân bị lật vào trong cần mang những loại giày có độ ộn định cao hoặc giày kiểm soát chuyển động.

Bàn chân bị lật ra ngoài (supination hoặc underpronation)

Được xác định bằng những vệt mòn chạy dọc theo cạnh ngoài của giày. Là một dạng lật ra ngoài quá mức của bàn chân làm cơ chế giảm tác động khi chân tiếp đất trở nên kém hiệu quả hơn. Không như khi bị lật vào trong, khá ít người có bàn chân bị lật ra ngoài. Những người có bàn chân lật ra ngoài cần mang những loại giày mềm mại, linh hoạt, và có nhiều lớp đệm.

Chạy chân trần (barefoot running) hoặc chạy tối giản (minimalist running)

Với những loại giày chạy bộ truyền thống thì bàn chân có xu hướng tiếp đất bằng bót chân vì phần gót giày thường có một lớp đệm dày. Đối với những người chạy chân trằng hoặc chạy tối giản thì phần lòng bàn chân hoặc mũi chân sẽ tiếp đất trước.

3. Phân loại giày chạy bộ

Giày chạy bộ thông thường (neutral shoes)

Loại giày này có thể dùng cho những người có bàn chân hơi bị lật vào trong ở mức nhẹ, nhưng phù hợp nhất cho những người chỉ bị lật khoảng 15 độ (độ lật tự nhiên) hoặc những người có bàn chân bị lật ra ngoài. Những loại giày này thường có cơ chế chống sốc và một chút hỗ trợ cho hai bên lòng bàn chân.

Một số loại giày super-cushioned shoes (tạm dịch: giày có lớp đệm vượt trội) giúp tăng 50% độ êm so với giày thông thường cũng như khả năng chống sốc và độ ổn định cũng tăng hơn đáng kể.

Giày tăng độ ổn định (stability shoes)

Phù hợp nhất cho những người có bàn chân bị lật vào trong ở mức vừa phải cho đến trung bình. Chúng thường có một miếng đệm lòng bàn chân cứng và chắc chắn để tăng độ ổn định cho lớp đệm đế giày ở phần lõm của bàn chân (vùng thường bị tác động bởi bản chân bị lật vào trong).

Giày kiểm soát chuyển động (motion control shoes)

Loại giày này phù hợp nhất cho những người có bàn chân bị lật vào trong vì có phần đế gót giày cứng cáp hoặc phần đế được thiết kế theo khuôn đế giày thẳng hơn thay vì hơi cong như những loại giày chạy bộ thông thường.

Giày chân trần (barefoot shoes)

Đôi giày này có phần đế giày chỉ cung cấp khả năng bảo vệ bàn chân ở mức tối thiểu để tránh một số rủi ro tiềm tang trên bề mặt địa hình. Nhiều mẫu còn không được trang bị lớp đệm ở gót chân và khoảng cách giữa bàn chân và mặt đất chỉ khoảng từ 3 đến 4 mm. Mọi loại giày chân trần đều không có chỉ số heel-to-toe drop để hỗ trợ cho việc tiếp đất bằng lòng bàn chân hoặc ức bàn chân khi chạy.

Giày tối giản (minimalist shoes)

Giày tối giản có cấu trúc cực kỳ nhẹ, không có đệm ở vùng lòng bàn chân (hoặc có nhưng không đáng kể), và phần gót giày cao hơn mũi giày từ 4 đến 8 mm để hỗ trợ cho các chuyển động tự nhiên cũng như hỗ trợ cho việc tiếp đât bằng lòng bàn chân được êm ái, linh hoạt, và mềm mại hơn. Một số mẫu được thiết kế để giúp những người có bàn chân bị lật vào trong để có thể di chuyển như khi chạy chân trần. Ngoài ra, các đôi giày tối giản thường có tuổi thọ từ 480 đến 640 km.

4. Đặc tính của giày chạy bộ

Thân trên của giày chạy bộ

  • Da tổng hợp: là chất liệu mềm, bền, chống trầy xước, được tổng hợp chủ yếu từ sợi nylon và polyester. Da tổng hợp nhẹ hơn, nhanh khô hơn, và thoáng khí hơn so với da thật cũng như không cần phải tốn một khoảng thời gian để break-in giày (nếu có thì cũng rất nhanh).
  • Sợi nylon và lớp lưới sợi nylon: là chất liệu bền và thường được sử dụng để giảm trọng lượng và tăng độ ổn định cho giày.
  • Lớp phủ bằng nhựa dẻo TPU (thermoplastic polyurethane): được phủ bên ngoài lớp thoáng khí của giày (như ở vùng lòng bàn chân hoặc gót chân). Lớp phủ này giống chống trầy xước, tăng cường sự ổn định, và độ bền của giày.
  • Lớp phủ chống nước và thoáng khí: sử dụng một lớp màng thoáng khí và không thấm nước liên kết với lớp vải lót mặt trong giày. Lớp này ngăn cho hơi ẩm thấm vào trong nhưng vẫn để bàn chân được thoáng khí (để giày không bị ẩm bởi mồ hôi toát ra).

Đế giữa của giày chạy bộ

Đế giữa của giày là một lớp đệm có chất liệu bền, nằm giữa phần đế ngoài và thân trên của giày.

  • Cao su EVA (ethylene vinyl acetate): là một loại cao su thường dùng cho đế giữa của giày chạy bộ. Những loại giày có lớp đệm thường chỉ sử dụng một lớp cao su EVA, một vài mẫu thì sử dụng nhiều lớp hơn.
  • Tấm đệm post: là lớp đệm làm bằng xốp EVA cứng cáp hơn (mật độ kép, mật độ bốn, đa mật độ, đúc nén) được thêm vào đế giữa để làm nó cứng cáp hơn. Lớp đệm này thường thấy ở giày tăng độ ổn định để giảm thiểu độ lật của bàn chân và tăng độ bền của giày.
  • Tấm plate: được làm bằng chất liệu mỏng và linh hoạt (sợi nylon hoặc nhựa dẻo TPU) giúp làm cứng phần đế giày ở ức bàn chân. Tấm plate thường được trang bị cho những loại giày chạy bộ địa hình, có tác dụng bảo vệ giày khi chịu tác động của sỏi đá hay gốc và rễ cây.
  • Xương sống (shanks): giúp làm cứng phần đế giữa của giày, bảo vệ phần gót chân và lòng bàn chân. Bộ phận này tăng độ cứng của giày khi đi trên những địa hình có bề mặt nhiều sỏi đá. Những người đi phượt với hành lý nhẹ thường chọn giày chạy bộ địa hình có tấm plate và xương sống giày để tăng khả năng hỗ trợ và bảo vệ chân.
  • Nhựa dẻo TPU (thermoplastic polyurethane): là một loại nhựa đa dụng được sử dụng trong nhiều loại đế giữa của giày để tăng độ ổn định cho giày.

Đế ngoài của giày chạy bộ

Hầu hết những loại giày chạy đường bằng thường có phần đế gót giày làm bằng cao su carbon (carbon rubber) có bề mặt gồ ghề. Cao su blown rubber (một loại cao su xốp nhẹ và mềm) thường được đặt ở phần trước của giày hay mũi giày vì có độ êm tốt hơn. Những đôi giày chạy bộ địa hình thường có phần đế làm hoàn toàn bằng cao su carbon để chống lại các vết trầy xước tôt hơn. Những đôi giày chạy bộ đường bằng thì có phần đế làm từ cao su blown rubber để giảm trọng lượng.

Chỉ số heel-to-toe drop

Chỉ số heel-to-toe drop của giày (tạm dịch: độ dày chênh lệch giữa phần gót và phần mũi giày) thể hiện sự khác biệt về độ cao của phần gót giày và phần mũi giày. Sự khác biệt này ảnh hưởng đến việc chân của bạn sẽ tiếp đất như thế nào khi chạy. Chẳng hạn như những mẫu giày có chỉ số heel-to-toe drop thấp hoặc trung bình (từ 0 cho đến 8 mm) thì chúng thường thúc đẩy việc tiếp đất bằng lòng bàn chân hoặc ức bàn chân, còn trong khi những mẫu có chỉ số cao (từ 10 đến 12 mm) thì thúc đẩy việc tiếp đất bằng phần gót chân.

Lưu ý: độ cao của gót giày và độ êm là hai vấn để độc lập với nhau. Bạn có thể tìm thấy một đôi giày cực kỳ êm nhưng vẫn có chỉ số heel-to-toe drop thấp hoặc bằng 0.

Phần sau gót giày

Là phần cứng bao quanh gót giày có tác dụng giúp cố định phần gót chân để không bị tụt khỏi giày khi vận động, mang lại khả năng kiểm soát chuyển động, và đôi khi được lót thêm một miếng đệm chân để gót chân được êm. Điều này rất có ích cho những người đang mắc chứng viêm gân gót để họ cảm thấy dễ chịu hơn khi mang giầy.

Đệm lòng bàn chân

Bộ phận này của giày thường được đặt ở phần lõm của lòng bàn chân để giúp kiếm soát mức độ lật vào trong hay ra ngoài quá mức của bàn chân. Bộ phận này được thiết kế để hỗ trợ cho những người có thiên hướng chân khi tiếp đất bị lật vào trong hoặc lật ra ngoài.

5. Mẹo hữu ích giúp chọn giày chạy bộ vừa vặn

Mang giày đúng kích thước chân: giày thường có nhiều kích thước khác nhau tùy theo nhà sản xuất và mẫu mã giày. Nếu bạn không chắc chắn về kích thước chân của mình khi chọn giày thì hãy tiến hành đo kích thước của chân gồm chiều dài và chiều ngang.

Hãy thử giày vào lúc cuối ngày: bàn chân của bạn thường phình ra một chút khi làm những hoạt động thường ngày vào ban ngày, cho nên việc mang thử tại shop bán giày vào buổi tối sẽ giúp bạn tránh mua những đôi giày quá nhỏ.

Hãy chọn giày có chiều dài sao thừa một chút khoảng trống ở phần mũi chân khi mang giày. Chiều ngang của giày cần phải vừa khít nhưng vẫn phải có một ít khoảng trống để chân của bạn không bị cọ xát và bị phồng rộp khi di chuyển. Nên buộc giày vừa phải và không quá chặt.

Nếu bạn có sử dụng lót giày chỉnh hình: hãy mang chúng theo vì chúng có ảnh hưởng đến mức độ vừa vặn của giày.

Hãy xem xét đến việc sử dụng những phụ kiện lót đế giày: chúng có nhiều mẫu mã giúp tăng cường độ ổn định, mức độ vừa vặn, khả năng nâng đỡ, hoặc cả ba.

Nguồn: REI