Ngoài việc mang lại sự ấm áp và ánh sáng tuyệt vời, ánh nắng mặt trời còn chứa tia cực tím (UV) – nguồn gốc của sự cháy nắng, lão hóa da sớm và ung thư da. Do đó, việc lựa chọn và thoa kem chống nắng đúng cách là một điều cực kì cần thiết khi hoạt động ngoài trời và khi đi cắm trại. Bài viết này sẽ gợi ý những điều cần cân nhắc trước khi chọn mua và mẹo thoa kem để đạt được hiệu quả tối đa.

Lưu ý: quần áo được làm bằng vải có chỉ số UPF bảo vệ da hiệu quả hơn bất kỳ loại kem chống nắng nào. Vì vậy, chiến lược tốt nhất của bạn là che càng nhiều càng tốt với quần áo có UPF và tiết kiệm kem chống nắng cho những vùng da còn lại bị tiếp xúc với ánh nắng.

1. Các chỉ số trong kem chống nắng

Hầu hết các nhãn kem chống nắng đều liệt kê những thông tin chính giúp bạn đánh giá hiệu quả của chúng. Tất cả các nhãn phải liệt kê “chỉ số bảo vệ chống nắng” (SPF), một con số phản ánh khả năng chống nắng của kem để bảo vệ da khỏi các tia mặt trời gây ra cháy nắng. Ngoài ra, các loại kem chống nắng ngày nay còn có thêm các tính năng như: độ quang phổ rộng chống lại các tia gây lão hóa da sớm và khả năng chống nước trong một khoảng thời gian xác định.

SPF là gì?

SPF là một con số cho biết độ hiểu quả của kem chống nắng trước tác hại của một loại bức xạ UV cụ thể như tia UVB gây ung cháy da và ung thư da:

  • SPF 15 chặn 93% tia UVB
  • SPF 30 chặn 97% tia UVB
  • SPF 50 chặn 98% tia UVB
  • SPF 100 chặn 99% tia UVB

Chìa khóa để hiểu rõ chỉ số SPF – hãy ghi nhớ các nguyên tắc sau khi bạn có nhu cầu mua một loại kem chống nắng có SPF phù hợp cho bản thân:

  • SPF 15 là chỉ số chống năng tối thiểu mà các bác sĩ da liễu khuyên dùng khi bạn tiếp xúc với bất kỳ ánh nắng mặt trời nào.
  • Chỉ số chống nắng SPF trên 50 là vô nghĩa. Không có gì ngăn chặn 100% tia UVB và mặc dù kem chống nắng có chỉ số SPF 100 nghe có vẻ ấn tượng; nhưng thực tế chúng sẽ chỉ chặn được tia UVB nhiều hơn 1% so với kem chống nắng SPF 50.
  • Chỉ số SPF không cho bạn biết bạn cần đợi bao lâu trước khi thoa lại kem. Mặc dù thời gian bảo vệ là một yếu tố cần kiểm tra khi thử nghiệm SPF; nhưng Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Liên bang (FDA) khuyên bạn nên thoa lại bất kỳ loại kem chống nắng nào sau mỗi hai giờ, bất kể chỉ số SPF của nó là cao hay thấp.

Quang phổ rộng (broad spectrum) là gì?

Bức xạ tia cực tím (UV) bao gồm các tia có bước sóng khác nhau. Ngoài các tia UVB được lưu ý ở trên, bạn cần bảo vệ làn da mình khỏi tia UVA – một nguyên nhân gây lão hóa da sớm và cũng góp phần gây ung thư da. Thay vì đánh giá bằng chỉ số, bảo vệ khỏi tia UVA được biểu thị bằng một thuật ngữ riêng: quang phổ rộng.

Kem chống nắng với quang phổ rộng che chắn da khỏi cả hai tia UVB và UVA khi bạn đi cắm trại, picnic. FDA cho biết rằng mức độ bảo vệ UVA phổ rộng sẽ tỷ lệ thuận với mức độ bảo vệ UVB (chỉ số SPF).

Kháng nước và mồ hôi (water resistant)

Khi một loại kem chống nắng có “khả năng kháng nước”, có nghĩa là loại kem này được điều chế để hoạt động tốt cho dù da bạn bị tiếp xúc với nước hay mồ hôi. Vì không có loại kem chống nắng nào có thể tồn tại vô thời hạn khi bạn bơi lội hay đổ mồ hôi, nên FDA đã cấm sử dụng các các cụm từ như “chống thấm nước” hoặc “chống mồ hôi” trên nhãn sản phẩm. Tuy nhiên, FDA cũng có một số bài kiểm tra cụ thể và bạn nên tìm một trong hai mức độ kháng nước sau:

  • Kháng nước trong 40 phút
  • Kháng nước trong 80 phút

Mặc dù vậy, hãy ghi nhờ rằng việc sử dụng khăn lau sẽ dễ dàng loại bỏ lớp kem chống nắng trên da. Vì vậy, bạn cần bôi lại kem chống nắng ngay sau khi bạn sử dụng khăn.

2. Thành phần trong kem chống nắng cần cân nhắc trước khi mua

FDA đã quy định những thành phần nào được cho phép trong kem chống nắng. Danh sách dưới đây sẽ liệt kê một số thành phần mà các nhà phê bình của FDA khuyên không nên dùng:

Oxybenzone: vì hóa chất này có liên quan đến việc gây hại cho hệ sinh thái rạn san hô trên toàn thế giới, một số quốc gia và tiểu bang Hawaii đã cấm các loại kem chống nắng có chứa thành phần này. Tuy hiệu quả cao chống lại tia UVB và được sử dụng rộng rãi trong kem chống nắng; nhưng oxybenzone đang dần bị hạn chế sử dụng vì các nhà nghiên cứu về sức khỏe đã tìm thấy hàm lượng chất này trong mẫu máu của người dân trên khắp thế giới.

Octinoxate: thành phần chống nắng hóa học này cũng bị cấm ở Hawaii vì lo ngại rằng nó có ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái của san hô.

(Lưu ý: một số loại kem chống nắng được dán nhãn là thân thiện với rạn san hô, hoặc thân thiện với hệ sinh thái biển. Các thuật ngữ này không được quy định bởi FDA hoặc quản lý bởi một tổ chức tiêu chuẩn. Những thuật ngữ này được sử dụng để xác định các loại kem chống nắng không chứa oxybenzoneoctinoxate. Tuy nhiên, có các thành phần chống nắng khác và các yếu tố môi trường khác nhau cũng bị nghi ngờ ảnh hưởng đến rạn san hô và môi trường biển; do đó rất khó để phân tích xem yếu tố nào là mối nguy hiểm lớn nhất.)

Para Amino Benzoic Acid (PABA): gây ra phản ứng dị ứng và nhạy cảm ánh sáng ở một số người. Các sản phẩm không sử dụng chất này thường ghi “Không có PABA” trên nhãn.

Paraben: đây là những chất bảo quản (ví dụ, methylparaben) được tìm thấy trong một số sản phẩm chăm sóc da bao gồm một số loại kem chống nắng. Butylparaben có liên quan đến việc tẩy trắng rạn san hô và một số câu hỏi về sức khỏe bao quanh paraben nói chung, vì vậy ngày càng nhiều thương hiệu đã bỏ chất này và quảng bá kem chống nắng của họ dưới dạng “không có paraben”.

Mùi hương (Fragrances): ngoài việc chúng không thực sự cần thiết, mối quan tâm đáng lưu ý là chúng có thể làm cay mắt bạn hoặc kích hoạt phản ứng dị ứng. Vì vậy, bạn nên tránh cho trẻ em dùng sản phẩm có chứa mùi hương, cũng như những người lớn muốn bơi hoặc hay đổ mồ hôi.

Zinc oxide titanium dioxide: là thành phần chống nắng khoáng chất ngăn chặn tia UVA và UVB. Không giống như kem chống nắng dựa vào hóa chất tổng hợp để ngăn chặn tia, các sản phẩm có chứa các thành phần khoáng chất này đôi khi tự quảng cáo là “tự nhiên” “hữu cơ” hoặc “an toàn cho rạn san hô” (điều này chưa được FDA công nhận). Nhiều loại kem chống nắng có chứa các khoáng chất này sử dụng các hạt nano để cung cấp một lớp nền mượt mà hơn, rõ ràng hơn.

Để có cái nhìn toàn diện hơn về các thành phần cần quan tâm, bạn có thể kiểm tra thông tin từ các trang web của tổ chức như nhóm công tác môi trường (EWG). Tuy nhiên, tất cả những chất hóa học được khám phá để giải quyết và giảm thiểu những rủi ro ung thư da và khả năng cháy nắng mang lại lợi ích không thể phủ nhận.

3. Hướng dẫn thoa kem chống nắng đúng cách

Hầu như tất cả mọi người đều sử dụng quá ít và hầu như không ai thoa kem chống nắng đúng cách. Nắm bắt các mẹo thoa kem dưới đây và bạn sẽ là một trong số ít người sử dụng kem chống nắng chính xác:

  • Điều quan trọng hơn cả việc lựa chọn kem chống nắng chính là cách bạn thoa kem. Kem chống nắng SPF 50 được thoa một cách qua loa giúp bảo vệ da ít hơn nhiều so với kem chống nắng SPF 30 (hoặc SPF 15) được thoa một cách cẩn thận.
  • Thoa kem 15 phút trước khi ra nắng. Điều này đúng với tất cả các loại kem chống nắng.
  • Sử dụng kem chống nắng nhiều hơn bạn nghĩ. Một nguyên tắc nhỏ đối với một người mặc quần short và áo phông khi đi cắm trại là sử dụng ít nhất 30 ml kem và đảm bảo bạn che từng cm vuông bị lộ ra trước nắng.
  • Thoa lại ít nhất hai giờ một lần. Đúng cho tất cả các loại kem chống nắng, đây là một hướng dẫn mà rất ít người làm theo.
  • Mang vừa đủ cho chuyến đi. Mặc dù nghe có vẻ giống như một dạng quảng cảo của kem chống nắng, các bác sĩ da liễu sẽ nói với bạn rằng 2 người trong một chuyến đi bộ bốn giờ vào một ngày nắng nên sử dụng hết 1 tuýp chống nắng 120ml. 
  • Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 15 hoặc cao hơn hàng ngày. Đây là một khuyến nghị từ Tổ chức Ung thư Da. Bạn cần sử dụng kem với SPF 30 hoặc cao hơn cho hoạt động ngoài trời kéo dài như cắm trại, dã ngoại, v.v.

Kem chống nắng và trẻ sơ sinh: chỉ nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi ở những vùng có bóng râm để bảo vệ da, vì da của trẻ có khả năng hấp thụ kem chống nắng cao và gây kích ứng.

Xịt chống nắng: FDA khuyến cáo không nên sử dụng loại xịt chống nắng cho trẻ em vì bé có thể hít phải và gặp các vấn đề về hô hấp như hen suyễn. Ngoài ra, loại xịt chống nắng bảo vệ da rất thấp.

Hạn sử dụng của kem chống nắng: thông thường kem chống nắng có hạn sử dụng lên đến ba năm, mặc dù tốt nhất là bạn nên sử dụng trong số ngày được in trên bao bì sản phẩm. Và bất cứ khi nào có thể, hãy bảo quản kem chống nắng ở nơi khô mát vì nhiệt độ và độ ẩm có thể khiến kem chống nắng mau hết hạn.

4. Mẹo chống tia UV toàn diện

Để bảo vệ làn da của bạn khỏi UV một cách toàn diện khi đi cắm trại, dưới đây là một số mẹo hữu ích:

  • Mặc quần áo với các loại vải có chỉ số UPF.
  • Thoa kem chống nắng cho tất cả các khu vực còn lại của da bị tiếp xúc với nắng.
  • Đeo kính râm có khả năng bảo vệ 100% tia UV.
  • Tìm kiếm những nơi có bóng râm bất cứ khi nào có thể.
  • Theo dõi và giới hạn số lượng thời gian bạn tiếp xúc với bức xạ UV, đặc biệt là trong giờ cao điểm ban ngày, khoảng 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều.
  • Hãy nhớ rằng ánh nắng mặt trời qua cửa kính, hoặc mây che vẫn có thể làm tổn thương làn da của bạn, vì vậy, hãy tự bảo vệ mình trong những ngày nhiều mây.

Các yếu tố đòi hỏi sự cảnh giác cao hơn trong việc giảm phơi nhiễm tia cực tím của bạn, bao gồm sử dụng kem chống nắng đúng cách. Sự tiếp xúc với tia UV tăng lên rất nhiều khi bất kỳ yếu tố nào sau đây xuất hiện:

  • Bạn có một làn da nhợt nhạt. Tuy nhiên, nếu bạn có làn da sẫm màu, đừng cho rằng bạn có thể bỏ qua lớp kem chống nắng, bởi vì làn da của bạn vẫn có thể bị tổn thương do tia cực tím, mặc dù nó sẽ khó phát hiện hơn.
  • Bạn khiến trẻ tiếp xúc kem chống nắng/ ánh nắng quá nhiều. Trẻ em có làn da mỏng hơn, nhạy cảm hơn. Những thiệt hại về da khi còn nhỏ cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng hơn khi lớn lên.
  • Bạn có thể đang dùng một số loại thuốc. Độ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời tăng lên “nhờ” các loại thuốc như điều trị mụn trứng cá, thuốc kháng histamine, kháng sinh, thuốc chống viêm và thuốc bổ. Hãy kiểm tra lại tất cả các loại thuốc về sự cảnh báo khi tiếp xúc ánh nắng.
  • Mùa hè. Ánh nắng mạnh và khắc nghiệt hơn vào mùa hè, so với mùa đông.
  • Bạn ở bên ngoài vào giữa trưa. Ánh nắng mạnh hơn vào giữa trưa so với buổi sáng hoặc buổi chiều.
  • Bạn ở nơi có độ cao. Bạn càng leo cao, ánh sáng mặt trời càng dữ dội.
  • Bạn ở vùng nhiệt đới hoặc vùng cận cực. Ánh sáng mặt trời sẽ ít mạnh hơn ở các vĩ độ khác.
  • Bạn ở nơi có nước hay tuyết. Bạn cũng có thể bị bỏng hoàn toàn bởi ánh nắng phản chiếu bởi nước/ tuyết, vì vậy bạn nên thoa kem chống nắng ngay cả khi bạn ở trong bóng râm và trên (hoặc gần) nước/ tuyết.
  • Bạn có thể ở một khu vực có chỉ số cực tím cao (UVI). UVI là thang điểm đánh giá từ 0-2 (thấp) đến 11+ (cực cao) biểu thị lượng tia UV chiếu vào bề mặt Trái đất ở một vị trí nhất định. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) cung cấp dự báo UVI bằng mã ZIP.
  • Bạn thoa kem chống nắng cho các khu vực da dễ bị tổn thương. Mũi, tai, mu bàn tay và cổ có xu hướng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều hơn các khu vực khác trên cơ thể bạn.

Nguồn: REI

Xem thêm >> Quần áo chống nắng là gì? Tại sao nên mặc quần áo có chỉ số chống nắng (UPF)?