Khi tham gia hoạt động ngoài trời chắc chắn sẽ khiến bạn có một vài vết thương (có thể là vết thương nhỏ hoặc lớn). Chấn thương như vết cắt nhỏ hoặc vết thương sâu hơn, vết xước nhỏ hoặc vết trầy lớn hơn là khá phổ biến đối với các nhà thám hiểm ngoài trời. Vì vậy biết cách chăm sóc chúng là một kỹ năng tốt cần có. Nếu không được điều trị đúng cách, khi đầu gối bạn bị trầy xước hoặc bị dằm đâm trên ngón tay có thể bị nhiễm trùng và đòi hỏi bạn phải về nhà để gặp bác sĩ.

Để xử lý vết cắt, vết trầy xước, hãy làm theo các bước chung sau:

  1. Kiểm soát máu chảy – sử dụng lực đè lên trực tiếp hoặc sử dụng băng ép để cầm máu.
  2. Làm sạch vết thương – dùng nước khử trùng rửa sạch vết thương để loại bỏ các chất gây ô nhiễm có thể gây nhiễm trùng.
  3. Băng vết thương – sử dụng gạc vô trùng và băng lại để băng vết thương.
  4. Theo dõi vết thương có bị nhiễm trùng không – ngay cả một vết cắt nhỏ cũng có thể bị nhiễm trùng, do đó bạn cần chú ý và phản ứng nhanh nếu bạn thấy đỏ, mủ hoặc sưng tại vị trí vết thương.

Hãy nhớ rằng: an toàn là trách nhiệm của bạn. Không có bài viết hoặc video có thể thay thế lời khuyên của bác sĩ, cũng như hướng dẫn và kinh nghiệm của chuyên gia. Hãy chắc chắn rằng bạn đã thực hành các kỹ thuật và yêu cầu an toàn trước khi bạn thực hiện sơ cứu.

1. Cách kiểm soát máu chảy ở vết thương

Cho dù bạn vô tình cắt trúng tay bằng dao bỏ túi hoặc trầy đầu gối do vấp ngã, bước đầu tiên trong điều trị vết thương là kiểm soát máu chảy. Có hai cách chính để kiểm soát chảy máu: dùng lực trực tiếp hoặc bằng băng ép.

Cách dùng lực trực tiếp lên vết thương để cầm máu

Đơn giản chỉ cần áp dụng lực trực tiếp sẽ làm ngừng hầu hết máu chảy. Dưới đây là các bước:

  1. Mang găng tay y tế hoặc trượt tay vào trong một túi nhựa.
  2. Đặt một miếng gạc vô trùng (hoặc một mảnh vải) lên vết thương và áp dụng áp lực trực tiếp bằng ngón tay của bạn. Tập trung lực vào nơi bị chảy máu.
  3. Đối với một vết thương lớn, bạn có thể cần phải băng nó bằng gạc trước khi áp dụng lực.
  4. Nếu gạc hoặc vải bị thấm máu, hãy để nó tại chỗ và đặt thêm gạc hoặc vải. (Loại bỏ gạc/ vải đã thấm máu có thể phá vỡ sự đông máu).
  5. Nâng cao vết thương trong khi dùng lực có thể tăng khả năng giúp cầm máu. Ví dụ, nếu bạn bị một vết cắt ở chân, hãy nằm xuống và đặt chân lên một cái gì đó.

Cách sử dụng băng ép lên vết thương

Băng ép là băng lớn được bảo đảm tại chỗ trên đỉnh vết thương để tạo áp lực và cầm máu. Một trong những lợi ích là giúp đôi tay của bạn rảnh rang để làm việc khác. Đây là cách sử dụng băng ép:

  1. Mang găng tay y tế hoặc sử dụng một túi nhựa bọc tay lại.
  2. Đặt miếng gạc vô trùng hoặc một mảnh vải vào vết thương.
  3. Quấn vết thương chắc chắn bằng gạc hoặc băng vải co dãn để tạo lực lên vết thương.
  4. Kiểm tra sự lưu thông, cảm giác và chuyển động của bệnh nhân để chắc chắn rằng bạn đã không quấn băng quá chặt. Liệu khu vực xung quanh vết thương vẫn có được lưu thông máu tốt ? Bệnh nhân có thể cho bạn biết nơi bạn chạm vào không ? Bệnh nhân vẫn có thể di chuyển bàn tay, bàn chân, ngón tay, v.v. ?

2. Làm sạch vết thương đúng cách

Khi bạn đã kiểm soát được nơi bị chảy máu, bước tiếp theo là làm sạch hoàn toàn vết thương. Làm sạch từ từ và cẩn thận để đảm bảo bạn loại bỏ bất kỳ chất gây ô nhiễm nào có thể gây nhiễm trùng.

Để làm sạch vết thương, hãy làm theo các bước sau:

  1. Rửa tay và đeo găng tay. Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước để tránh làm nhiễm trùng vết thương. Nếu bạn không có xà phòng và nước, bạn có thể sử dụng chất khử trùng có cồn. Sau đó, đeo một đôi găng tay y tế.
  2. Làm sạch vết thương. Sử dụng miếng gạc vô trùng, xà phòng và nước, trước tiên hãy chà xát vùng da xung quanh vết thương, cẩn thận không đẩy bất kỳ mảnh vụn nào vào vết thương. Bạn có thể loại bỏ những mảnh vụn lớn bằng nhíp đã được làm sạch bằng Povidone-iodine hoặc đun sôi. Sau đó, tưới rửa vết thương thật kỹ bằng nước khử trùng. Bạn có thể khử trùng nước bằng nhiều cách, bao gồm lọc, sử dụng viên iốt, sử dụng giọt clo hoặc đun sôi và để nguội. Nước khử trùng là đủ để rửa sạch vết thương. Nhưng nếu vết thương bị bẩn hoặc bị nhiễm bẩn nặng thì hãy sử dụng dung dịch 1% Povidone-iodine. Bạn có thể tạo ra 1 phần trăm Povidone-iodine bằng cách trộn 10% Povidone-iodine (chất này có trong nhiều bộ dụng cụ sơ cứu) với nước theo tỉ lệ 1:10. Một ống tiêm 35cc (bao gồm trong nhiều bộ dụng cụ sơ cứu) là một cách tốt để làm sạch vết thương. Bạn nên sử dụng tối thiểu 500ml (17 fl. Oz.) nước đã khử trùng để tưới lên vết thương
  3. Rửa sạch bằng nước đã khử trùng. Nếu bạn rửa vết thương bằng Povidone-iodine, bạn cần rửa vết thương lần nữa bằng nước đã khử trùng để loại bỏ bất kỳ dung dịch còn sót lại nào. (Nếu bạn chỉ rửa bằng nước đã khử trùng lúc đầu, bạn có thể bỏ qua bước này). Kiểm tra xem có nơi nào bị chảy máu lại không trong khi làm sạch. Nếu có, bạn nên dùng lực trực tiếp lên vị trí đó một lần nữa.

3. Băng bó vết thương

Với vết thương đã được rửa sạch sẽ, bạn sẽ cần băng bó nó lại để tránh bụi bẩn bám vào. Đối với các vết cắt nhỏ, điều này có thể dễ dàng hơn, chỉ với một miếng băng dính đơn giản. Đối với các vết thương lớn hơn, bạn có thể cần một số dụng cụ y tế để hỗ trợ.

Để băng bó vết thương:

  1. Lấy một miếng băng vô trùng. Có rất nhiều loại băng khác nhau có sẵn trên thị trường để phù hợp với các loại vết thương và kích cỡ khác nhau. Đối với vết thương lớn hơn, gạc vô trùng thường phù hợp nhất.
  2. Đổ thuốc mỡ kháng sinh vào băng thay vì trực tiếp trên vết thương. Điều này có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và giữ ẩm cho vết thương để thúc đẩy quá trình lành thương.
  3. Đặt băng lên vết thương. Đối với các vết cắt sâu và lớn hơn, nơi các cạnh của vết thương thường kéo dài ra, bạn có thể cần phải sử dụng băng cá nhân giúp đóng vết thương (butterfly bandage) để giúp khâu vết thương lại mà không cần chỉ.
  4. Cố định băng dán tại chỗ. Khi sử dụng băng không chất dính, chẳng hạn như gạc vô trùng, bạn cần cố định nó tại chỗ. Một miếng băng dính, băng thun, gạc hoặc băng y tế không thấm nước đều là những lựa chọn tốt.
  5. Thay băng hàng ngày hoặc thường xuyên hơn nếu nó bị ướt bởi máu hoặc chất lỏng. Bạn muốn giữ vết thương sạch và ẩm, không bẩn và ướt. Trong khi thay băng, xem xét có các dấu hiệu nhiễm trùng không.
  6. Nếu vết thương nằm trên khớp, hãy cân nhắc sử dụng nẹp. Ví dụ: nếu vết thương ở đốt ngón tay, bạn có thể cần nẹp ngón tay để giữ cho các cạnh của vết thương không bị hở ra.
  7. Kiểm tra vết thương sau khi băng bó. Sau khi vết thương được băng lại, hãy kiểm tra tuần hoàn bệnh nhân, cảm giác và chuyển động xung quanh vết thương. Bạn có thể xem các dấu hiệu lưu thông máu tốt, hỏi bệnh nhân xem họ có thể cho bạn biết bạn chạm vào đâu và bệnh nhân cố gắng di chuyển tứ chi gần vết thương, chẳng hạn như bàn tay, bàn chân hoặc ngón tay của họ.

4. Cách theo dõi vết thương nhiễm trùng

Khi ở nhà, bạn dễ dàng sử dụng nước sạch và xà phòng. Do đó, việc giữ cho vết cắt không bị nhiễm bẩn và không nhiễm trùng là tương đối dễ dàng. Nhưng, khi bạn đang ở ngoài trời, việc này có thể khó khăn hơn. Vì lý do này, bạn cần theo dõi những vết cắt thường xuyên.

Để theo dõi vết thương nhiễm trùng:

  • Kiểm tra các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng từ nhẹ đến trung bình. Để mặt đến bất kì dấu hiệu như bị đỏ, sưng, mủ, nóng và / hoặc đau khi bị thương.
  • Kiểm tra các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng nghiêm trọng. Chúng bao gồm các vệt đỏ xuất hiện ở gần vị trí vết thương, sốt, ớn lạnh và sưng hạch bạch huyết.

Nếu bạn đã nhận ra các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng từ nhẹ đến trung bình và nó chỉ xảy ra ở vị trí của vết thương, thì bạn có thể điều trị tại chỗ. Nhiễm trùng nghiêm trọng đòi hỏi phải đến trung tâm y tế và được điều trị bởi một chuyên gia y tế.

Các phương pháp điều trị nếu bạn nghi ngờ nhiễm trùng:

  • Ngâm vết thương. Ngâm vùng đó trong nước nóng trong 20 – 30 phút. Làm điều này ba đến bốn lần một ngày.
  • Mở băng để vết thương thông thoáng. Nếu các cạnh của vết thương được đóng lại, kéo chúng ra xa để thông thoáng vết thương. (Nếu vết thương không thể mở được thì bạn cần xem xét di chuyển đến trung tâm y tế và điều trị).
  • Làm sạch, rửa và băng vết thương lại. Nếu bạn không thể làm sạch vết thương, bạn có thể băng bó vết thương bằng gạc ẩm trong khi bạn di chuyển đến trung tâm y tế.
  • Theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng. Lấy bút và vẽ một vòng tròn ở chu vi của vết đỏ và / hoặc sưng. Nếu suốt cả ngày bạn nhận thấy vết đỏ và / hoặc sưng lan ra khỏi đường đó, nhiễm trùng có thể đã trở nên tồi tệ hơn. Mặt khác, nếu đỏ và / hoặc sưng giảm bớt, thì nhiễm trùng có thể đã được giải quyết.
  • Rời khỏi nếu cần thiết. Đừng ngần ngại rời đi và tìm kiếm sự trợ giúp y tế nếu bạn không chắc chắn làm thế nào để điều trị vấn đề hoặc khi các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.

5. Khi nào nên di chuyển đến trung tâm y tế?

Trong khi nhiều vết cắt, vết trầy xước có thể dễ dàng được chăm sóc, có một số trường hợp khi bạn nên di chuyển đến nơi chăm sóc y tế chuyên nghiệp. Một số lý do để sơ tán bao gồm:

  • Vết thương dài và / hoặc sâu và bạn nghĩ rằng nó cần chỉ khâu.
  • Vết thương chứa bụi bẩn hoặc nhiễm bẩn rõ ràng.
  • Vết thương do vết cắn của động vật (vết cắn của động vật tạo ra mối lo ngại cao về nhiễm trùng).
  • Vết thương lộ khớp bên trong (chẳng hạn như đốt ngón tay).
  • Có dấu hiệu nhiễm trùng nghiêm trọng (sốt, ớn lạnh, sưng hạch bạch huyết hoặc các vệt đỏ mờ).
  • Vết thương nằm trên khu vực có thể để lại sẹo lâu dài, đặc biệt là khuôn mặt.
  • Vết thương có rất nhiều mô chết ở rìa hoặc trong chính vết thương.
  • Vết thương cần được chăm sóc phẫu thuật, như vết thương hở hoặc vết cắt rất sâu.

Trong trường hợp chấn thương làm hạn chế hoặc ngăn cản khả năng di chuyển, bạn có thể cần gọi trợ giúp.

Nguồn: REI