Có thể bạn đã từng nghe bạn bè hoặc đồng nghiệp đề cập đến cụm từ “trail running” (chạy bộ địa hình) và tò mò không biết nó khác gì với chạy bộ thông thường (running). Trail trong cụm từ này có nghĩa là cung đường chạy bộ trong môi trường tự nhiên (núi, sa mạc, rừng, đồng bằng) với đường trải nhựa chỉ có thể chiếm 20% toàn bộ đường chạy. Địa hình có thể thay đổi (đường đất, đường mòn trong rừng, v.v.) và tuyến đường này cần được theo dõi thường xuyên.

Nếu bạn muốn trải nghiệm trên những con đường mòn theo một cách mới hoặc bạn là một vận động viên thành thị muốn thay đổi thói quen, chạy bộ địa hình là một thử thách bạn không thể chối từ. Tuy nhiên, trước khi bạn đi đến những ngọn đồi, bạn cần những đôi giày được chế tạo đặc biệt cho những con đường mòn. Giày chạy bộ địa hình khác với giày chạy bộ thông thường ở nhiều khía cạnh như:

Độ bám cao trên địa hình gồ ghề. Đế giày được cải thiện lực bám để giúp bạn di chuyển chắc chắn hơn trên đất, bùn, sỏi, rễ và phiến đá.

Bảo vệ chân. Một loạt các tính năng bên trong và bên ngoài giúp che chắn bàn chân khỏi tác động của đá và rễ. Vật liệu bền bỉ ở phần thân trên giúp chịu được mài mòn và chống rách.

Thiết kế cứng cáp. Những đôi giày này được thiết kế để ngăn chặn bàn chân xoay quá mức. Ngoài ra, khi chạy trên những con đường mòn, bạn sẽ bước với sải chân ngắn và thay đổi hơn. Vì vậy độ lật vào trong của bàn chân (pronation) không phải là yếu tố quan trọng.

Bài viết này bao gồm 4 điểm chính để giúp bạn lựa chọn được đôi giày chạy bộ địa hình tốt nhất:

  • Loại giày: có 3 lựa chọn là light trail, rugged trail hoặc off trail
  • Độ đệm: từ không có đệm cho đến đệm tối đa
  • Chỉ số heel-to-toe drop: chỉ số này ảnh hưởng đến khả năng chạy của bạn.
  • Sự vừa vặn: là yếu tố quan trọng nhất khi chọn mua bất kì loại giày nào.

1. Phân loại giày chạy bộ địa hình

Việc lựa chọn giày bắt đầu bằng cách phân loại và đánh giá các kiểu giày bạn dự định mua. Nếu bạn chạy thường xuyên, một đôi giày mới sẽ có tuổi thọ từ bốn đến sáu tháng. Vì vậy việc thay giày đối với những người chạy bộ địa hình là điều bình thường và thường xuyên.

Giày chạy bộ địa hình có 3 loại chính:

Light trail (địa hình dễ)

Giày light trail có thiết kế với bề thân trên tương đối đồng đều. Phù hợp cho những con đường đất đỏ, rải sỏi và những ngọn đồi thoai thoải. Những đôi giày này sẽ có trọng lượng gần bằng và khá giống những đôi giày chạy bộ thông thường. Giày light trail có đặc điểm chính như sau:

  • Khả năng bảo vệ mức trung bình.
  • Trọng lượng nhẹ giúp dễ dàng duy trì tốc độ nhanh
  • Cấu trúc cứng vừa phải giúp chân ổn định
  • Đế có các vấu nông cung cấp lực bám trên đất cứng
  • Một số loại có phần đế giữa được đệm rộng rãi cho phép bạn đi lại thoải mái hàng dặm
  • Ở những đôi giày khác phần đệm này được giảm tối thiểu cho phép bạn cảm thấy tiếp xúc nhiều hơn với đường mòn

Rugged trail (địa hình gồ ghề)

Giày rugged trail được thiết kế cơ bản để chạy trên những con đường mòn dành cho những người thích hiểm trở hơn, bao gồm từ những con đường mòn nơi các kỹ sư nghiên cứu đến một đường hầm khai thác mỏ bỏ hoang. Do đó, loại giày này phù hợp cho nhiều loại địa hình khác nhau.

  • Phần ngón chân được gia cố thêm và có các tấm đệm dưới chân để bảo vệ khỏi rễ và đá
  • Vật liệu chắc chắn và lớp phủ để bảo vệ giày không bị mài mòn, rách do va phải bụi cây hoặc gai.
  • Phần đế giữa đàn hồi để hấp thụ lực khi bước xuống dốc và khi “hạ cánh” trên các phiến đá
  • Phần thân trên được thiết kế cứng cáp để hỗ trợ và ổn định chân khi di chuyển trên bề mặt không ổn định. Một số loại cũng bao gồm các xương sống (shank) bên trong, làm tăng độ cứng cho đế giữa
  • Vấu đa dạng cung cấp độ bám ở mọi góc độ
  • Đế có các vấu dày, đa hướng cho lực bám trên đất mềm và bùn. Khoảng cách rộng giữa các vấu cho phép bùn và đất mềm không bị dính trên giày.
  • Một số đôi giày có cao su mềm, bám, chống trượt trên bề mặt đá hoặc gỗ ướt
  • Ở những đôi giày khác thì cao su cứng cáp hơn, ít bám hơn nhưng bù lại độ bền cao hơn

Off trail (ngoài đường mòn)

Nếu bạn có kế hoạch chạy ở nơi không có đường mòn, thì bạn nên lựa chọn giày off trail. Loại giày này có tất cả các đặc điểm của giày rugged trail được liệt kê ở trên. Bên cạnh đó, còn được bổ sung một vài khía cạnh:

  • Được tăng độ đàn hồi tốt. Ví dụ, bạn có thể thấy đế giữa thường làm bằng polyurethane, chứ không phải cao su EVA được sử dụng trong các loại giày rugged trail
  • Thân giày sẽ được nâng cấp để cung cấp độ cứng cáp cao hơn, nghĩa là giày ít bị xoắn khi bjan dùng lực. Điều này rất quan trọng vì những bước chân của bạn sẽ tiếp cận với mặt đất không bằng phẳng nhiều.
  • Khi chạy ngoài đường mòn, bạn có thể phải băng qua các dòng suối và đầm lầy hoặc thời tiết khắc nghiệt, vì vậy những đôi giày này thường được bổ sung lớp lót chống thấm nước.

2. Độ đệm

Mức độ đệm hầu như không thay đổi trong nhiều năm cho đến khi đôi giày không có lớp đệm nào tạo nên một cuộc cách mạng lớn trong ngành giày dép. Một vài năm sau đó, một xu hướng mới đã xuất hiện khi những đôi giày có đế giữa ồ ạt được tung ra thị trường.

Đến hiện nay, bạn bỗng có rất nhiều lựa chọn về mức độ đệm cho giày:

Chân trần (barefoot): đây là những đôi giày không có đệm. Điểm mạnh của những đôi giày này là cho phép bạn có được cảm giác tiếp cận trên con đường mòn và cơ chế sinh học của cơ thể.

Tối thiểu (minimal): là lựa chọn phù hợp cho những người chạy bộ muốn có cảm giác êm ái hơn nhưng không thoải mái khi có quá nhiều/ không có độ đệm ở phần đế giữa.

Trung bình (moderate): loại đệm này được sử dụng cho những đôi chạy địa hình truyền thống. Cho phép bạn thoải mái chạy trên những con đường mòn quanh co và nhiều đá.

Tối đa (maximum): những đôi giày có đệm tối đa này sẽ làm giảm sưng các khớp và giảm mệt mỏi khi chạy đường xa. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng độ đệm quá nhiều sẽ khiến bạn chạy kém hiệu quả hơn.

3. Chỉ số heel-to-toe drop

Chỉ số heel-to-toe drop là độ dày chênh lệch giữa phần gót và phần mũi giày – một thông số liên quan mật thiết đến chiều cao của đệm. Có thể khác nhau từ 0mm đến hơn 12 mm, độ chênh lệch này khác biệt từ chiều cao ở gót chân đến chiều cao ở bàn chân trước.

  • Giày chân trần có chỉ số heel-to-toe drop là 0mm.
  • Giày có đệm tối thiểu thường có heel-to-toe drop từ 0 đến 4mm.
  • Giày có đệm vừa phải và tối đa cung cấp một loạt các mức heel-to-toe drop khác nhau.

Để quyết định loại giày nào sẽ phù hợp nhất với bạn, hãy xem xét những lời khuyên sau:

Bằng với phần sau gót giày của đôi giày hiện tại. Lưu ý, ngay cả khi bạn mua cùng một mẫu giày, bạn cần kiểm tra kỹ việc phần sau gót chân. Thỉnh thoảng, một thương hiệu giày sẽ thay đổi kiểu gót chân khi nó cập nhật một thiết kế giày mới.

Nếu bạn không có giày chạy, hãy kiểm tra đôi giày khác của bạn. Đầu tiên kiểm tra đôi giày thể thao khác của bạn. Nếu bạn không có đôi giày thể thao nào, thì hãy nhìn vào đôi giày bình thường của bạn. Hầu hết các đôi giày sẽ có chỉ số heel-to-toe drop vừa phải. Bạn cũng nên tránh những đôi có độ đệm ở hoặc gần 0mm và trên 12 mm. Nếu bạn thường mang giày đế bằng hoặc dép xỏ ngón, thì giày đế thấp có thể vẫn phù hợp với bạn.

Phần gót chân thấp sẽ hỗ trợ ngón chân và lòng bàn chân hơn. Như vậy bạn sẽ “hạ cánh” ổn định hơn, cùng với sự cân bằng tốt hơn và ít bị chấn thương hơn. Lợi thế này thường có trong những đôi chân trần hoặc đệm tối thiểu. Mặc dù vậy, không phải ai cũng được thích mang một đôi giày đế thấp.

Nếu bạn đang cân nhắc việc thay đổi sang giày chân trần hoặc giày đệm tối thiểu, hãy làm quen từ từ. Lập kế hoạch cho một vài tháng thời gian làm quen và điều chỉnh một số khó chịu khi đi giày mới.

Lưu ý rằng bạn cũng có thể tìm thấy những đôi giày có độ đệm vừa phải và tối đa nhưng có phần gót thấp. Việc chuyển đổi từ một đôi giày gót cao có đệm tốt thành một đôi giày đế thấp có đệm tốt không phù hợp cho tất cả mọi người. Điều này sẽ mang lại một số khó chịu và mất một ít thời gian để chân bạn thích nghi.

4. Sự vừa vặn

Yếu tố vừa vặn là quan trọng nhất so vơi bất kỳ các yếu tố nào khác. Một đôi giày được mọi người nhận xét tích cực chưa chắc đã là một đôi giày tuyệt vời trừ khi nó vừa vặn với chân bạn. Sự vừa vặn không chỉ liên quan đến chiều dài và chiều rộng của bàn chân. Mà còn liên quan đến hình dạng vòm chân, chiều dài vòm, thể tích bàn chân, v.v.

Xem xét khuôn của giày. Mỗi thương hiệu đều sản xuất đôi giày của mình dựa trên một khuôn chân tinh xảo. Mục tiêu của bạn là tìm ra loại giày nào có khuôn giống với bàn chân của bạn. Sau đó, bạn có thể mua giày dễ dàng, thậm chí mua online. Và khả năng cao là đôi giày sẽ vừa với bạn.

Đừng nghĩ rằng bạn biết chính xác cỡ giày của mình. Bàn chân sẽ thay đổi khi bạn già đi, vì vậy, bạn nên đo chân mỗi lần mua giày. Sau đó, bạn cần tính đến trường hợp bàn chân có thể bị sưng lên khi bạn chạy.

 

Bên cạnh đó, một chuyên gia giày dép có thể đánh giá kích thước và hình dạng của bàn chân của bạn chính xác nhất. Điều này giúp bạn có trải nghiệm tốt hơn khi lựa chọn giày. Nên lựa chọn giày vào lúc chiều muộn,  vì lúc đó chân bạn sẽ mệt mỏi sau một ngày dài và có xu hướng sưng lên. Khi đó, bạn có thể chắc chắn đôi giày vừa đủ vừa vặn với chân bạn trong mọi tình huống.

Nguồn: REI