Chắc hẳn hầu hết những người thích đi chu du đó đây đều đã cảm thấy quá quen thuộc khi nhắc đến những thuật ngữ như hiking, camping, trekking, v.v. Vậy còn thru-hiking thì sao, bạn đã từng nghe ai nhắc đến từ này chưa?
Nội dung
Nếu bạn đã biết thru-hiking có nghĩa là gì rồi thì bạn có thể tự hào về kiến thức đi phượt của mình rồi đấy! Còn nếu bạn chưa hề nghe đến hoặc chưa biết ý nghĩa của nó thì cũng không sao cả vì mặc dù thru-hiking được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước nhưng ở Việt Nam thì còn rất ít được nhắc đến.
Do đó, để giải đáp thắc mắc của bạn về thuật ngữ này, bài viết hôm nay sẽ cung cấp những thông tin về các chủ đề chính liên quan đến thru-hiking như :
- Định nghĩa và hình thức của thru-hiking
- Thử thách khi đi thru-hiking: về mặt thể chất, tinh thần, và tài chính
- Quá trình lên kế hoạch để đi thru-hiking: lộ trình và lương thực
- Cộng đồng thru-hiking: những người bạn đồng hành trên chuyến đi của bạn
- Trang thiết bị khi đi thru-hiking: trọng lượng và độ bền
Thru-hiking là gì?
Về cơ bản, một chuyến đi thru-hiking là một chuyến đi hiking nhưng quãng đường đi thường dài hơn rất nhiều. Một chuyến đi thru-hiking thường mất rất nhiều tháng vì phải đi bộ một quãng đường có thể lên đến hơn 3000 km. Tuy nhiên, những người mới bắt đầu đi thru-hiking thì chỉ nên đi những con đường mòn ngắn hơn để làm quen dần rồi mới nâng dần quãng đường đi lên.
Các hình thức phổ biến của Thru-hiking
Giống như thuật ngữ hiking, khi việc đi thru-hiking bắt đầu phổ biến thì cũng là lúc những hình thức của thru-hiking bắt đầu ra đời. Nguyên nhân là vì không phải ai cũng có khả năng dành ra nhiều tháng chỉ để đi bộ trên một quãng đường hơn 1000 km. Có thể những hình thức này không thực sự được coi là thru-hiking, tuy nhiên ý nghĩa ẩn sâu của một chuyến đi thru-hiking đó là việc bạn tự đặt ra một thử thách cho bản thân mình và hoàn thành nó chứ hoàn toàn không liên quan đến việc bạn đi được một quãng đường dài 500 km, 1000 km, hay 4000 km.
Chọn những con đường mòn ngắn hơn (từ 1000 km trở xuống): những con đường mòn dài từ 400 đến 1000 km thường mất ít thời gian hơn (từ 1.5 tháng hoặc ít hơn). Cho dù bạn chọn con đường mòn nào đi chăng nữa thì quyết định của bạn phải dựa theo lượng thời gian mà bạn có thể dành ra cho chuyến đi.
Đi “section hiking” thay vì thru-hiking: nhừng người thực hiện một chuyến đi thru-hiking bằng các chuyến đi “section hiking” để chỉ phải dành một ít thời gian để hoàn thành từng đoạn đường của một quãng đường dài khi đi thru-hiking (ví dụ đối với một quãng đường 1000 km thì bạn có thể đi 2 năm, mỗi năm đi một nửa quãng đường 500 km). Hoặc đơn giản hơn, bạn chỉ cần chọn ra những đoạn đường thuộc quãng đường đó nhưng có phong cảnh đẹp để đi.
Đi thru-hiking theo phong cách “flip flop”: có nghĩa là bạn vẫn sẽ hoàn thành cả một quãng đường của một con đường mòn dài theo từng đoạn nhưng không theo thứ tự nhất định và thường bắt đầu từ giữa con đường mòn. Mặc dù phong cách này khiến lộ trình và việc lên kế hoạch của bạn trở nên phức tạp hơn, nhưng nó sẽ giúp bạn tránh được sư đông đúc khi có quá nhiều cùng đi trên một con đường đến cùng một điểm cũng như việc bạn có thể tránh được những điều kiên thời tiết quá khắc nghiệt.
Những thử thách nào đang chờ bạn khi đi Thru-hiking?
Khi bạn đã bắt đầu đi thru-hiking, sẽ có rất nhiều những trở ngại phát sinh trong lúc bạn đang cố gắng hoàn thành mục tiêu mà bạn đặt ra trong nhiều trường hợp và bằng nhiều cách. Nếu nhìn một cách khác thì có thể nói những thách thức này giống như đang kiểm tra thử mức độ quyết tâm của bạn vậy.
Thách thức về mặt tinh thần
Hầu hết những người đi thru-hiking thường đi một mình (hay thường được gọi là đi “solo”). Cho dù ở một vài nơi bạn có thể đi hoặc cắm trại cùng nhiều người khác, nhưng phần lớn thời gian của chuyến đi vẫn sẽ là việc bạn độc bước mà thôi.
Việc này chính là nguyên nhân chính dẫn đến một trong những nỗi sợ khả phổ biến ở chúng ta – nỗi sợ cô đơn. Tùy theo mỗi người mà thử thách này sẽ đến sớm hay muộn, có những người chỉ mới đi được vài chục hoặc vài trăm km đã bắt đầu đặt câu hỏi về lý do tại sao lại muốn làm điều này và muốn từ bỏ những mục tiêu ban đầu đặt ra.
Cách để vượt qua:
- Bất kỳ một thử thách nào cũng sẽ có những chướng ngại vật dù lớn hay nhỏ: việc bạn nghĩ đến việc dừng một chuyến đi là một việc tự nhiên và không thể tránh khỏi. Hãy nhớ rằng những cột mốc lớn lao đều đòi hỏi những sự hy sinh đặc biệt.
- Hãy đi du lịch một mình hoặc tập sống một mình trước: bạn cần thời gian để chuyển hóa hoàn toàn nỗi sợ hãi cô đơn trở thành niềm vui khi cô đơn – đó chính là sự tự do.
- Tận dụng mọi cơ hội để tránh nghĩ đến sự cô đơn: bạn có thể bắt gặp những cuộc phiêu lưu, những cuộc vui đầy bất ngờ và thú vị trên chuyến đi của bạn. Nếu có thể thì bạn hãy dành thời gian cho chúng như một cách thả lỏng cơ thể và nghỉ ngơi.
- Tận hưởng mọi thứ trên chuyến đi cho dù là những thứ nhỏ nhất: có thể là việc đi đến một nơi nào đó để ngắm cảnh, leo lên một đỉnh đồi cao, tận mắt thấy một loài động vật nào đó, v.v. Hãy tập tận hưởng những điều nhỏ nhất trên chuyến đi của bạn, không cần phải là một điều gì quá to lớn để có thể giúp bạn cảm thấy phấn khích hơn.
Thử thách về mặt thể chất
Bạn có thể hình dung ra những thử thách này khi chỉ cần nhìn vào các con số của những quãng đường phải đi khi thru-hiking. Những thách thức về mặt thể chất bao gồm phồng rộp ở bàn chân, chấn thương, bệnh Lyme, và những bệnh liên quan đến độ cao. Vì vậy, bạn cần chuẩn bị đầy đủ để đối phó với tất cả những thách thức này:
Cách để vượt qua:
- Luyện tập cơ thể trước mỗi chuyến đi: đơn giản là bạn chỉ cần đi bộ thật nhiều dưới mọi hình thức (khi đi bộ tập thể dụng, đi bộ vượt địa hình, hay đơn giản hơn là khi đi du lịch, v.v.) trước khi bắt đầu một chuyến đi thru-hiking. Mặc dụ việc này không có nghĩa là bạn sẽ không gặp phải những thử thách trên, nhưng nó sẽ giúp cơ thể của bạn dễ dàng vượt qua hơn (hay thường gọi là chai lì).
- Biết cách sơ cứu cho bản thân: tham gia một khóa học sơ cứu y tế và luôn kiểm tra kỹ càng những vật dụng có trong bộ sơ cứu.
Thử thách về mặt tài chính
Đối với những người còn đi làm thì bạn sẽ phải nghỉ làm một vài ngày hoặc vài tháng khi đi thru-hiking nên không có tiền lương của tháng mà bạn nghỉ. Cho nên ngay cả khi bạn đã cắt giảm được những chi phí như chi phí đi lại, xăng dầu, hoặc chỗ ở thì ngân sách cho một chuyến đi thru-hiking cũng là một thách thức không nhỏ.
Các chi phí chính cho chuyến đi bao gồm chi phí mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, và lương thực. Chi phí cho một chuyến đi thru-hiking có thể rất ít hoặc rất nhiều, có thể trung bình từ 30000 VND cho mỗi km hoặc có thể lên đến hàng trăm triệu nếu bạn thuộc nhóm những người “spare-no-expense” – những người thích trả tiền để có hoặc làm được một cái gì đó tốt nhất có thể.
Cách để vượt qua: hãy tìm hiểu, nghiên cứu, và lên kế hoạch cho chuyến đi thật kỹ lưỡng để có thể tối giản chi phí nhất có thể.
Hướng dẫn cách lên kế hoạch để đi Thru-hiking
Những chuyến đi thru-hiking luôn là những cuộc phiêu lưu lớn đòi hỏi bạn phải dành rất nhiều thời gian để lên kế hoạch và có khi quãng thời gian này còn lâu hơn thời gian mà bạn sẽ dành cho chuyến đi. Vì vậy, hãy coi quá trình lên kế hoạch cho chuyến đi như một trải nghiệm thú vị và hãy bắt đầu lập kế hoạch trước 8 tháng hoặc xa hơn nữa càng tốt.
Tất cả những điều dưới đây là những điều chính cần có trong kế hoạch mà bạn vạch ra, tất cả đều đỏi hỏi sự tìm tòi, nghiên cứu, và suy nghĩ cẩn trọng:
Lộ trình
- Thời gian và địa điểm bắt đầu và kết thúc: thời tiết là một vấn đề cần cân nhắc.
- Giấy phép: bao gồm mọi loại giấy tờ quan trọng như chứng minh nhân dân, giấy phép đi lại trong vùng, giấy phép đốt lửa trại, v.v. Những loại giấy tờ này phụ thuộc vào quy định của những địa phương mà bạn sẽ băng qua. Bạn không cần phải mang theo quá nhiều loại giấy tờ nhưng bạn nhất định phải mang theo những loại giấy tờ quan trọng nhất và hãy làm một bản sao cho những loại giấy tờ đó.
- Phương tiện đi lại: ngoài việc sắp xếp và chuẩn bị cho việc di chuyển bằng máy bay, tàu hỏa, xe buýt, hay ô tô đến địa phương gần con đường mòn thì bạn cũng cần tìm hiểu về những phương tiện xung quanh có thể đưa đón bạn đến con đường mòn.
- Số quãng đường đi được: mặc dù thông số này không cố định và phụ thuộc vào sức khỏe của bạn, nhưng bạn cần biết trung bình một ngày bạn cần đi bao nhiêu để hoàn thành chuyến đi.
- Điểm dừng nghỉ chân: có rất ít những nơi bạn có thể nghỉ ngơi và trang bị lại lương thực và đồ dùng một khi bạn đã đi thru-hiking, chưa kể là chúng thường cách khá xa nhau.
- Những tình huống bất ngờ: thời tiết khắc nghiệt, đường mòn bị cấm hoặc đóng cửa, bị chấn thương nặng, và nhiều tình huống khác có thể làm hỏng kế hoạch ban đầu của bạn.
Lương thực
Thực phẩm là một trong những điều phức tập nhất khi lập kế hoạch: bạn cần phải cân bằng nhu cầu về lượng calo, sự tiện lợi, và hương vị để có thể giữ cho trọng lượng của hành lý được thấp. Một số người quyết định mua và mang theo toàn bộ thực phẩm cho chuyến đi, còn những người khác thì chỉ mua một lượng nhỏ ở các thị trấn hoặc cửa hàng gần đó và chỉ ăn khi thật sự đói khi đang di chuyển.
Không xem nhẹ nhu cầu về nước uống: ở những vùng khan hiếm nước hoặc những vùng không có địa phương và nhà ở lân cận thì việc có đủ lượng nước cần thiết là chính là ranh giới giữa sự sống và cái chết khi đi thru-hiking. Bạn cũng có thể lấy nước từ các nguồn nước ở nơi bạn đi nhưng bạn cần đảm bảo nguồn nước sạch sẽ, không bị nhiễm bẩn. Để an toàn nhất thì bạn nên tìm mua những loại thiết bị chứa nước và một bộ lọc nước (hoặc thiết bị 2 trong 1).
Cộng đồng Thru-hiking
Những người đi hiking, đi phượt, hoặc đi bộ du lịch sẽ là “gia đình” tạm thời của bạn: trừ khi bạn thực sự muốn đi một mình trên chuyến đi, bạn sẽ cảm thấy bất ngờ với lượng người mà bạn có thể gặp và kết nối trong một ngày. Việc kết bạn trên chuyến đi sẽ góp phần làm chuyến đi của bạn được sống động, thoải mái, và dễ chịu hơn rất nhiều.
Người dân địa phương: là những người có thể giúp những người đi bộ du lịch nói chung và những người đi thru-hiking nói riêng cảm thấy thoải mái và dễ dàng hơn trong việc hoàn thành chuyến đi bằng nhiều cách như cho đi nhờ xe, cung cấp lương thực, nơi trú chân, giặt là, v.v. Để đổi lại, bạn có thể tặng quà, giúp đỡ một việc gì đó, hoặc đơn giản là biếu ít tiền cho họ. Điều này cho thấy bạn đánh giá cao sự giúp đỡ của họ cũng như là một yếu tố để họ tiếp tục giúp đỡ những người thru-hiking khác.
Trang thiết bị khi đi Thru-hiking
Nếu bạn đã từng hoặc đang là một phượt thủ ba lô thì có lẽ trong đầu bạn đã có một danh sách gồm rất nhiều thứ phải mang theo. Nếu bạn chưa hình dung ra những vật nên mang theo thì bạn có thể tìm kiếm và tham khảo những danh sách của những phượt thủ khác chia sẻ.
Ngoài việc chắc chắn phải mang theo đồ dùng và đồ vệ sinh cá nhân, bạn hãy xem xét thêm một số thiết bị khác giúp chuyến đi của bạn thoải mái và dễ dàng hơn. Bạn không nên mang những thứ bạn có thể mua ở các cửa hàng địa phương gần đó để tối giản trọng lượng hành lý. Một số lưu ý khác bao gồm:
- Lựa chọn những thiết bị nhẹ: sử dụng những đồ dùng và thiết bị nhẹ sẽ giúp bạn rất nhiều khi đi bộ. Bạn sẽ mang hành lý ít nặng hơn, ít bị mỏi vai hơn, di chuyển nhanh hơn, v.v.
- Lựa chọn những thiết bị cứng cáp và chắc chắc: sử dụng được lâu bền hơn, ít bị hư hại do những va chạm vô ý.
- Lựa chọn thiết bị, đồ dùng, quần áo theo mùa: ví dụ như mặc quần áo nhẹ và mát mẻ cho mùa hè, đế đinh gắn giày để đi tuyết, hay bạn có thể mua túi ngủ giúp giữ ấm cho những dịp lạnh, v.v.
- Giày dép: hầu hết những người đi thru-hiking thường mang giày chạy bộ đường mòn, một số khác thì mang những đôi bốt bằng da. Cho dù là bạn mang loại giày nào đi chăng nữa, hãy mang theo nhiều hơn một đôi để đề phòng trường hợp giày bị ướt hoặc hư hỏng. Ngoài ra, bạn cần đảm bảo tất cả những đôi giày ban mang theo đã được “break in” đúng cách.
Nguồn: REI