Khi đi du lịch, đặc biệt là ở nước ngoài, cơ thể bạn có khả năng nhiễm bệnh rất nhanh chóng. Vì môi trường, nước uống và thực phẩm có thể không phù hợp hoặc cơ thể bạn chưa thích nghi được. Do đó, việc lưu ý và phòng bệnh là cách giúp bạn giữ gìn sức khỏe trong khi đi du lịch. Dưới đây là một số mẹo vặt cũng như những điều bạn cần lưu ý trước khi tiếp xúc với môi trường mới.

Nội dung

1. Trước khi bạn khởi hành

Nếu bạn có kế hoạch đi đến các nước Tây Âu hoặc các nước đã phát triển khác, bạn không phải lo lắng nhiều về vấn đề sức khỏe. Nhưng nếu bạn đang đi du lịch đến một quốc gia đang phát triển, bạn nên bắt đầu lên kế hoạch trước vài tháng.

  • Nghiên cứu về các vấn đề sức khỏe ở nơi bạn sẽ đến. Các trang web như Centers for Disease Control and PreventionWorld Health Organization đều có các thông tin y tế hiện tại của tất cả các quốc gia, bao gồm cả các loại dịch và tiêm chủng gần đây nhất.
  • Tiêm ngừa trước khi đi. Một số loại vắc-xin cần được tiêm vài tháng trước khi bạn khởi hành. Các loại bệnh khác, chẳng hạn như sốt rét, cần được uốnng thuốc trước, trong và sau chuyến đi. Hãy chắc chắn rằng bạn nhận được một giấy chứng nhận sức khỏe quốc tế/ các tài liệu liên quan đến tình trạng tiêm chủng của bạn từ bác sĩ.
  • Kiểm tra lại các kỹ năng sở cứu cơ bản. Nếu bạn sẽ đi du lịch ở những vùng xa, hãy kiểm tra kỹ năng sơ cứu của bạn bằng cách đọc sách hoặc tham gia một lớp học.
  • Gặp bác sĩ của bạn. Kiểm tra tổng quát sức khỏe, đến nha sĩ và nhãn khoa trước khi bạn đi du lịch. Nếu có dấu hiệu bệnh tật, bạn sẽ dễ dàng điều trị hơn khi ở nhà.
  • Chọn mua bảo hiểm du lịch. Loại bảo hiểm du lịch bạn cần phụ thuộc vào chính sách bảo hiểm y tế cá nhân, điểm đến và các hoạt động trong chuyến đi
  • Mang theo dụng cụ sơ cứu trong hành lý. Đảm bảo bộ dụng cụ sơ cứu của bạn có tất cả các vật dụng cơ bản. Bao gồm thuốc theo toa của bạn, giấy kê đơn thuốc và hồ sơ tiêm chủng của bạn cộng với một cặp kính hoặc kính áp tròng bổ sung, nếu cần. Nếu bạn sẽ đi du lịch ở những khu vực có cơ sở y tế kém và tỷ lệ mắc bệnh cao, hãy mang theo kim tiêm và ống tiêm tiệt trùng với ghi chú của bác sĩ giải thích rằng chúng chỉ dành cho mục đích y tế. Nếu có thể, hãy ghi chú bằng tiếng Anh và bằng ngôn ngữ chính của quốc gia bạn đến để tránh các vấn đề an ninh của hải quan.

2. Khi bạn đang đi du lịch

Tiêu chảy là một trong những căn bệnh phổ biến mà nhiều du khách hay gặp phải. Các bệnh khác như dịch tả hoặc kiết lỵ cũng do ăn phải thức ăn và nước bị ô nhiễm. Làm theo các biện pháp phòng ngừa sau để giảm thiểu rủi ro bệnh tật:

Thực phẩm

  • Chỉ ăn thực phẩm đã đun sôi và bóc vỏ. Tránh dùng salad. Đối với trái cây, chỉ ăn loại đã rửa và bóc vỏ. Nếu trái cây không thể gọt vỏ, bạn nên ngâm chúng trong dung dịch iốt khoảng 15 phút.
  • Tránh ăn thức ăn nguội hoặc hâm lại. Nên ăn thức ăn nóng, mới nấu để tránh các vấn đề về tiêu hóa.
  • Tránh dùng các loại sản phẩm làm từ sữa. Ở vùng khí hậu nhiệt đới, việc thanh trùng các loại sản phẩm này có thể không đảm bảo. Vì vậy bạn nên tránh các món ăn được làm bằng các sản phẩm sữa.
  • Uống men vi sinh acidophilus. Men vi sinh acidophilus là loại men sữa chua tự nhiên có thể giúp cơ thể bạn ngăn chặn và chống chọi lại vi khuẩn. Hoặc bạn chỉ cần ăn sữa chua mỗi ngày khi đi du lịch.

Nước uống

 

  • Dùng nước đun sôi, đã thanh lọc/ khử trùng. Ở các nước đang phát triển, tốt nhất là bạn nên mua nước uống đóng chai. Nếu không, hãy khử trùng hoặc đun sôi nước trước khi uống. Không nên dùng đá khi uống các loại thức uống. Luôn đánh răng và rửa rau, trái cây bằng nước đã xử lý.
  • Kiểm tra nước uống đóng chai. Khi mua nước đóng chai, hãy kiểm tra phần nắp để chắc chắn rằng nó chưa được mở và nạp lại bằng nước máy. Các loại nước khoáng có ga là ít bị làm giả nhất.
  • Uống nước đủ. Đừng để những lo lắng về việc nước có sạch hay không khiến bạn không uống đủ nước. Việc uống đủ nước là một trong những yếu tố giúp bạn khỏe mạnh.

Sốt rét

Đây là căn bệnh phổ biến ở Trung và Nam Mỹ, Châu Phi, Châu Á và Trung Đông. Loại bệnh này lây truyền qua muỗi. Các bệnh khác do muỗi và ruồi truyền nhiễm bao gồm sốt vàng da, bệnh ngủ châu Phi, bệnh nhiễm leishmania và viêm não Nhật Bản.

  • Uống thuốc trước. Thuốc phòng ngừa cần được uống trước, trong và sau chuyến đi. Bạn nên hỏi bác sĩ để biết thêm thông tin.
  • Mặc quần áo dài. Muỗi thường xuất hiện nhiều nhất giữa hoàng hôn và bình minh. Mặc áo sơ mi dài tay và quần được xử lý bằng permethrin. Đồng thời sử dụng thuốc chống côn trùng trên da.
  • Sử dụng lưới chống muỗi. Vào ban đêm sử dụng lưới chống muỗi được xử lý với permethrin.

Ký sinh trùng

Ký sinh trùng như giun và sán có thể lây truyền bằng cách ăn thức ăn hoặc uống nước bị ô nhiễm hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với da.

  • Luôn mang giày. Để tránh nhiễm trùng, hãy mang giày hoặc dép mọi lúc, ngay cả ở chỗ ở của bạn.
  • Tránh bơi trong nước ngọt. Ở những khu vực có nguy cơ cao (bao gồm nhiều khu vực ở Trung Đông, Châu Phi, Châu Á và Nam Mỹ) chỉ bơi trong hồ nước mặn hoặc có clo.

3. Trường hợp bạn bị ốm

 

Mặc dù bạn đã chuẩn bị và phòng bệnh kĩ càng, vẫn có khả năng bạn có thể bị ốm trong chuyến đi hoặc sau khi bạn trở về nhà.

Trong chuyến đi

  • Gặp bác sĩ. Đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Bạn có thể bị tiêu chảy khi đi du lịch, hoặc bạn có thể mắc một căn bệnh có khả năng đe dọa đến tính mạng. Bạn không thể biết chính xác cho đến khi bạn gặp bác sĩ – đây cũng là lý do tại sao bạn nên mua bảo hiểm du lịch.
  • Đối với bệnh tiêu chảy thông thường: uống nhiều nước để tránh mất nước. Sử dụng muối bù nước nếu có. Đối với những trường hợp nặng, tránh dùng thuốc để ngăn tiêu chảy. Điều này sẽ giữ cho vi khuẩn trong hệ thống của bạn lâu hơn và kéo dài bệnh tật của bạn

Khi về đến nhà

  • Gặp bác sĩ. Nếu bạn bị sốt hoặc bị bệnh cúm khi trở về từ chuyến đi của bạn, đừng ngần ngại gặp bác sĩ của bạn. Các bệnh như sốt rét có thể mất đến một năm mới có triệu chứng/ dấu hiệu. Hãy chắc chắn nói với bác sĩ của bạn tất cả các quốc gia bạn đã đến trong năm qua.

Nguồn: REI