Khi bạn đang leo núi cùng với sợi dây thừng của mình, một giá đỡ tốt cũng quan trọng như người bạn hỗ trợ đáng tin cậy. Tuy nhiên nếu bạn chỉ tham gia leo núi truyền thống, bạn sẽ cần phải biết hướng dẫn chọn dây nối, dây đai, và dây dù leo núi. Cùng với dây thừng leo núi, các loại dây này đều có thể được sử dụng vào rất nhiều mục đích khác nhau.

1. Dây nối (sling/runner)

Mặc dù có thể được sản xuất bằng nhiều cách khác nhau, một chiếc dây nối thường được làm bằng cách khâu một chiếc dây đai thành một hoặc nhiều vòng dây. Bạn có thể sử dụng dây nối như một chiếc móc dây hai đầu cỡ lớn để giữ chiếc dây thừng leo núi chính của bạn được thẳng hơn khi leo và giảm ma sát tại các điểm mấp mô cũng như có thể dùng để bố trí một điểm neo.

Chiều dài của dây nối

Mỗi loại dây nối khác nhau sẽ có chiều dài, chiều rộng, và trọng lượng khác nhau. Những chiếc dây nối dài hơn sẽ giúp bạn giảm ma sát của dây thừng hiệu quả hơn so với móc dây hai đầu nhưng cũng nặng và cồng kềnh hơn.

  • Dây đơn thường dài khoảng 60 cm (gần gấp 2 hay 3 lần so với hầu hết các loại móc dây hai đầu). Đây là một độ dài vừa vặn để đeo lên vai.
  • Dây đôi có chiều dài gấp đôi dây đơn (120 cm) giúp bạn giảm ma sát của dây thừng khi kéo tốt hơn nhiều cũng giúp bạn bố trí điểm neo tốt hơn. Loại dây này có thể gập đôi lai và đeo lên vai.
  • Dây ba có chiều dài gấp ba lần so với dây dơn (180 cm) và thường được dùng khi cần buộc dây quanh các tảng đá lớn hoặc khi cần nối ba điểm chốt lại với nhau để tạo ra một điểm neo.
  • Dây ngắn (từ 30 cm trở xuống) thường không được sử dụng thường xuyên. Một vài người leo núi sử dụng loại dây này để buộc chốt hoặc dùng cho các mục đích khác.
  • Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp hai dây nối với hai móc leo núi để tạo ra một chiếc móc dây hai đầu.

Chất liệu của dây nối

Trong nhiều năm, chất liệu chính được dùng để sản xuất dây nối là nylon (mặc dù polyester cũng được sử dụng nhưng không phổ biến bằng nylon). Gần đây, những loại dây nối làm bằng nhựa siêu cao phân tử PE (UHMW-PE) của các thương hiệu như Dyneema, Dynex, hay Spectra đang dần được sử dụng phổ biến hơn. Một số loại dây đai khác còn được sản xuất bằng cách kết hộp nylon với nhựa UHMW-PE.

Chất liệu gia công ảnh hưởng đến trọng lượng, độ bền, tuổi thọ, khả năng sử dụng, cũng như giá thành của dây nối.

Ưu điểm của dây nối làm bằng nylon:

  • Giá cả phải chăng
  • Nút thắt chắc chắn hơn nhờ vào khả năng co giãn và kết cấu của nylon
  • Khả năng co giãn tốt hơn và nhiệt độ nóng chảy cao hơn giúp dây chịu lực tốt hơn

Ưu điểm của dây nối làm bằng nhựa UHMW-PE:

  • Siêu nhẹ
  • Khả năng chống tia cực tím tốt hơn
  • Không bị đóng băng khi bị ướt

Miễn là bạn thắt nút cẩn thận và tránh mọi tình huống dẫn đến các cú ngã nguy hiểm thì bạn vẫn có thể sử dụng các loại dây nối làm bằng nhựa UHMW-PE để leo núi.

2. Dây đai (webbing)

Phần lớn những người leo núi truyền thống thường dùng dây đai để làm dây nối có chiều dài tuỳ ý nhằm kéo dài hoặc bố trí neo. Dây đai thường được bán theo mét, theo cuộn, hoặc theo từng khúc.

Các loại dây đai

  • Dây đai ống: thường chắc chắn hơn và bền hơn so với dây đai dẹt có đường kính tương đương, dẻo hơn giúp dây dễ thắt nút hơn và nút thắt cũng chặt hơn. Vì lý do này mà dây đai ống được chuyên dùng trong giới leo núi.
  • Dây đai dẹt: thường được dùng để thay thế cho quai ba lô bị hỏng, để tạo ra thang dây leo núi, hoặc để buộc trang bị.

Chiều rộng của dây đai

Dây đai ống thường có chiều rộng khoảng 1.5 cm (thường dùng để làm dây nối) và 2.5 cm (là chiều rộng chuẩn để làm điểm neo). Dây đai dẹt có nhiều chiều rộng khác nhau nhưng phổ biến nhất là loại dây có chiều rộng khoảng 2.5 cm và 5 cm.

Các chi tiết kỹ thuật khác của dây đai

Dây đai ống cỡ lớn thường được sử dụng trong leo núi hoặc trong quân sự. Loại dây dùng trong leo núi dày hơn, nặng hơn, và trơn hơn; còn loại dây dùng trong quân sự thì mỏng hơn, nhẹ hơn, và có bề mặt thô ráp hơn. Ngoài ra, cả hai loại này đều rất bền tuy nhiên dây đai leo núi có khả năng chịu lực tốt hơn một chút, dễ buộc hơn, và các nút thắt trên dây đai leo núi cũng chắc chắn hơn.

Chất liệu của dây đai

Dây đai chỉ được làm bằng nylon. Nếu bạn muốn tự làm một chiếc dây nối, hãy buộc dây đai nylon bằng gút thuỷ kết (water knot) và để thừa ra ít nhất khoảng 5 cm đề phòng dây bị giãn.

3. Dây dù (cord)

Dây dù thường được sử dụng để làm dây nối có chiều dài tuỳ ý (như dây cuộn dự phòng) để bố trí điểm neo, dùng khi tuột xuống núi, hoặc dùng khi leo núi có sử dụng thiết bị hỗ trợ. Dây dù có đường kính từ 1 mm đến 9 mm (có thể lớn hơn) và thường được bán theo mét hoặc theo các đoạn khoảng 6 hoặc 9 m.

Chất liệu của dây dù

Giống như đối với dây nối, dây dù được làm từ hai loại chất liệu khác nhau là perlon (một loại nylon) và nhựa UHMW-PE.

Chất liệu gia công ảnh hưởng đến trọng lượng, độ bền, tuổi thọ, khả năng sử dụng, cũng như giá thành của dây nối

Ưu điểm của dây dù làm bằng perlon:

  • Giá cả phải chăng
  • Nút thắt chắc chắn hơn nhờ vào khả năng co giãn và kết cấu của nylon
  • Khả năng co giãn tốt hơn và nhiệt độ nóng chảy cao hơn giúp dây chịu lực tốt hơn.

Ưu điểm của dây dù làm bằng nhựa UHMW-PE:

  • Siêu nhẹ
  • Khả năng chống tia cực tím tốt hơn

Các cách sử dụng phổ biến của dây dù

Dây cuộn dự phòng (cordelette): dùng dây dù làm bằng perlon (dài từ 5.5 m đến 6 m với đường kính từ 7 đến 8 mm) hay dây dù làm bằng UHMW-PE (đường kính 5 mm) để làm một vòng dây. Hãy dùng gút nối câu đôi nếu sử dụng dây dù perlon hoặc gút nối câu ba nếu sử dụng dây dù UHMW-PE. Bộ dây cuộn dự phòng này sẽ có thể được sử dụng trong rất nhiều việc từ bố trí điểm neo hoặc một hệ thống neo cá nhân tuỳ ý.

Vòng đỡ cá nhân (self-belay loop): dùng dây dù làm bằng perlon (dài từ 0.6 m đến 0.9 m với đường kính từ 5 đến 8 mm) để làm một vòng dây bằng gút nối câu đôi. Với chiều dài này, vòng dây vừa tạo rất thích hợp để làm một gút hãm (autoblock hitch) hoặc gút đầu chim (prusik hitch) có tác dụng như một chiếc phanh dự phòng khi bạn đang tuột dây xuống. Ngoài ra, vòng đỡ cá nhân cũng được sử dụng trong việc giải cứu ở các khe hở hay khi leo núi có sử dụng thiết bị hỗ trợ.

4. Số lượng trang bị

Tuỳ theo tình hình thực tế mà số lượng trang bị mang theo và cách bố trí chúng sẽ rất đa dạng. Một bộ trang bị cơ bản có thể cần tới 12 dây nối đơn, từ 4 dến 6 dây nối đôi, và 2 dây nối ba (hay 2 bộ dây cuộn) để làm neo.

Những yếu tố khác như kiểu leo núi, khoảng cách, đặc điểm của địa hình và đá, cũng như phong cách leo núi của bạn đều có ảnh hưởng đến cách sắp xếp và bố trí các trang bị của bạn.

5. Tuổi thọ của dây nối, dây đai, và dây dù

Dĩ nhiên là các loại dây nối, dây đai, và dây dù không thể nào có thể được dùng mãi mãi. Kể cả khi không dùng đến chúng thì bạn vẫn nên thay thế chúng sau 10 năm.

Nếu mức độ sử dụng không quá thường xuyên và không có bất kỳ vấn đề nào nghiêm trọng xảy ra khi sử dụng thì tuổi thọ của dây nối là từ 2 đến 5 năm. Tuổi thọ thực tế của dây phụ thuộc vào tần suất sử dụng cũng như điều kiện thời tiết và các hư hỏng phát sinh trong quá trình sử dụng. Kiểm tra và thay dây ngay nếu dây có các dấu hiệu sau đây:

  • Dây bị rách hoặc lủng lỗ
  • Dây có vùng bị cháy hoặc bị tan chảy
  • Dây hoặc đường khâu bị bung chỉ
  • Dây bị phai màu do tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời
  • Dâu bị đổi màu do tiếp xúc với các chất lỏng độc hại

Ngoài ra, bạn cũng nên thay chiếc dây nối của mình nếu dây đã phải chịu tải nặng nhiều lần (như khi bạn sử dụng dây để tuột xuống núi) hoặc bất kỳ khi nào bạn cảm thấy chiếc dây không còn chắc chắn nữa.

6. Các loại dây nối khác

Dây nối treo trang bị (gear sling): là một vòng dây làm bằng nylon với phần dây đai có đệm và thường được đeo chéo qua vai. Giống như tên gọi của nó, chiếc dây nối này giúp người sử dụng để treo tất cả các thiết bị bảo hộ, các loại dây, hay móc treo trong khi bạn leo trèo.

Thang dây leo núi (etrier): là món đồ không thể thiếu khi bạn leo núi có sử dụng các thiết bị hỗ trợ. Về cơ bản, nó có hình dạng như một chiếc thang (từ 4 đến 8 bậc để leo lên trên sau khi đã đóng xong neo bám) và thường được làm từ dây đai bản rộng 2.5 cm.

Giá trang bị (daisy chain): là một đoạn dây với rất nhiều vòng dây được nối liên tiếp với nhau. Loại dây này cũng là một trong các món đồ không thế thiếu khi leo núi có sử dụng thiết bị hỗ trợ và có thể hoạt động chung với thang dây leo núi. Ngoài ra, giá trang bị còn giúp giữ thang dây leo núi trên đai bảo hộ leo núi của bạn để thang không bị rơi.

Nguồn: REI

Xem thêm >> Hệ thống xếp hạng mức độ khó của leo núi và leo khối đá