Bạn muốn luôn khô ráo khi gặp trời mưa? Vậy thì bạn sẽ cần một chiếc áo khoác với lớp phủ DWR chống thấm nước hiệu suất cao.

Hầu như tất cả các loại áo khoác đi mưa đều có lớp ngoài được xử lý bằng lớp phủ chống thấm nước (DWR). Đây chính là tuyến phòng thủ đầu tiên của áo khoác chống mưa.

Bên cạnh đó, một màng chống thấm / thoáng khí (ví dụ: Gore-Tex®, eVent®, REI Elements®) sẽ ngăn nước thấm vào bên trong áo. Còn lớp DWR sẽ ngăn chặn lượng mưa chỉ được nằm bên ngoài áo khoác. Không có DWR, lớp bên ngoài sẽ trở nên úng nước và nặng nề. Dẫn đến vải ẩm và có xu hướng chảy xệ, bám vào da của bạn.

Về cơ bản, DWR bị giảm hiệu suất do một số yếu tố như bụi bẩn, dầu cơ thể, bị mòn và do giặt ủi nhiều.

  • Thường thì chúng có thể được làm mới bằng cách giặt sạch và sấy khô vài phút trong máy sấy quần áo ở nhiệt độ thấp hoặc trung bình.
  • Với sản phẩm đã được sử dụng nhiều, lớp DWR cần được áp dụng lại bằng sản phẩm xịt hoặc bôi.

1. Khi nào thì lớp DWR cần được bảo dưỡng?

Kiểm tra áo khoác đi mưa của bạn bằng cách rắc hoặc phun một ít nước lên trên bề mặt vải. Nước có đọng lại và lăn xuống không? Nếu có, lớp DWR của bạn đang ở trong tình trạng tốt. Sau đó bạn thử giũ áo mạnh, xem phần lớn độ ẩm của áo có bay đi hay không? Nếu có thì áo bạn vẫn còn rất tốt.

Tuy nhiên, nếu nước bị thấm vào bên trong vải và vị trí đó bắt đầu hơi sẫm màu, điều này có nghĩa nước sẽ chảy vào các sợi và làm ướt vải. Đã đến lúc bạn cần làm mới lớp DWR của bạn.

Lưu ý: lớp phủ DWR không làm giảm độ thoáng khí của áo khoác của bạn. Thay vì phủ toàn bộ bề mặt, DWR bao bọc các sợi vải riêng lẻ, để khoảng trống giữa các sợi mở ra cho dễ thoáng khí

2. Làm thế nào để làm mới lớp DWR trên áo?

Bước đầu tiên: làm sạch. Thực hiện theo các hướng dẫn làm sạch cho loại áo khoác đi mưa bạn sở hữu. Rửa sạch bụi bẩn và dầu để phục hồi khả năng chống nước của DWR.

Bước tiếp theo: sử dụng nhiệt. Sau khi giặt, để áo tiếp xúc với nhiệt độ để làm mới lại lớp DWR. Nói chung, bạn nên đặt áo trong một máy sấy ở nhiệt độ thấp hoặc trung bình trong tối đa 15 phút.

  • Gore-Tex: Nhà sản xuất W.L.Gore khuyên bạn nên ủi/là các vật phẩm Gore-Tex bằng bàn ủi hơi nước (ở chế độ ấm). Người dùng lần đầu nên đặt khăn giữa bàn ủi và quần áo trong quá trình ủi/là.
  • eVent: Nhà sản xuất eVent không khuyến khích sử dụng máy sấy. Tuy nhiên bạn cũng có thể sử dụng bàn ủi hơi nước (ở chế độ ấm). Như với Gore-Tex, an toàn nhất là đặt một chiếc khăn giữa bàn ủi và vải.

Lưu ý: Nếu không bị bẩn nặng, áo chống mưa có thể chỉ cần một vòng quay ngắn trong máy sấy quần áo ở nhiệt độ trung bình.

Cách áp dụng lớp DWR mới

Nếu các bước trên không đủ để làm mới DWR của bạn (tức là, mưa vẫn ngấm vào lớp vải bên ngoài áo khoác của bạn), đã đến lúc bạn cần áp dụng lại lớp phủ DWR mới.

Bước này rất cần thiết do sự mài mòn quá mức từ bụi đá, tiếp xúc nhiều lần với dây đeo vai hoặc đơn giản là nhiều năm giặt giũ.

Cách khắc phục: lớp DWR có thể được áp dụng lại thông qua một sản phẩm hồi phục DWR dạng xịt hoặc bôi từ các công ty như Granger’s, Nikwax, McNett hoặc Penguin.

Luôn luôn làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất khi sử dụng các sản phẩm này.

Hướng dẫn sử dụng chung

Đây là một mẹo thường được các hướng dẫn viên leo núi sử dụng để làm mới lại các khu vực có độ mài mòn cao của áo khoác:

  1. Xịt các khu vực bị mòn với sản phẩm bảo dưỡng DWR.
  2. Sử dụng chế độ vải tổng hợp trên bàn ủi (nên lựa chọn một thiết bị có bộ điều chỉnh nhiệt đáng tin cậy) để ủi từ nhiệt độ thấp đến trung bình. Hãy ủi nhẹ nhàng như bạn đang ủi cổ áo sơ mi. Điều quan trọng cần lưu ý là áo khoác đi mưa của bạn có thể dùng bàn ủi để ủi được. Kiểm tra hướng dẫn chăm sóc của áo trước khi thử điều này.


3. Cách thức hoạt động của lớp chống thấm DWR

DWR hoạt động bằng cách tăng “góc tiếp xúc” hoặc “sức căng bề mặt” được tạo ra khi nước tiếp xúc với sợi vải. Về cơ bản, một góc tiếp xúc cao tạo ra một bề mặt “nhọn” (chỉ nhìn thấy được bằng kính hiển vi). Điều này khiến các giọt nước bị chặn lại ở rìa ngoài của vải.

Một lớp DWR được tối ưu hóa giữ cho các giọt nước có hình dạng tròn giống như một hạt cườm hình vòm. Các giọt nước càng tròn, thì nó dễ dàng lăn ra khỏi lớp vải. Một góc tiếp xúc thấp cho phép các giọt nước có hình dạng phẳng hơn. Điều này có thể khiến giọt nước lan ra, bám vào bề mặt vải và cuối cùng thấm vào nó.

Chỉ số DWR

Các nhà sản xuất thường đo hiệu quả DWR bằng một thử nghiệm phun nước. Nước được phun lên vải và lượng nước trên vải sẽ được đánh giá trực quan. Với mức chỉ số 90 điểm cho biết rằng khoảng 90% vải không có nước dính/ thấm vào. Con số càng cao, hiệu suất càng tốt. Thử nghiệm này sẽ được lặp lại sau một số lần giặt để xác định độ bền.

Chỉ số kiểm tra và số lần giặt được kết hợp để tạo ra một đánh giá khách quan nhất. Ví dụ: chỉ số 90/10 có nghĩa là thử nghiệm phun đạt được tổng cộng 90 điểm sau 10 lần rửa.

Không phải tất cả các nhà sản xuất đều công bố chỉ số hiệu suất DWR trên sản phẩm của họ, nhưng đây là hướng dẫn cơ bản để diễn giải bất kỳ thông số nào bạn tìm thấy:

  • Tốt: 80 điểm sau 10 lần giặt. Đây là mức chống thấm tiêu chuẩn của áo khoác đi mưa thông thường.
  • Xuất sắc: 80 điểm sau 20 lần giặt. Thương hiệu Marmot sử dụng chỉ số này như là mức đánh giá tối thiểu cho áo chống mưa của họ.
  • Chất lượng cao: 80 điểm sau 50 đến 100 lần giặt.

 

Nguồn: REI