Nếu đây là lần đầu bạn đi phượt, việc chọn địa điểm và chuẩn bị hành lý có thể hơi khó khăn. Đừng lo, bài viết này sẽ hướng dẫn cho bạn tất tần tật mọi điều cần biết để lên kế hoạch cho một chuyến đi phượt ba lô.
Nội dung
Trong bài viết này, chúng mình sẽ nói sâu hơn về các chi tiết sau:
- Đặc điểm của chuyến đi phượt ba lô
- Điểm đến trong chuyến đi phượt ba lô
- Đồ dùng cho chuyến đi phượt ba lô
- Những bước chuẩn bị cuối cùng trước chuyến đi phượt ba lô
1. Lựa chọn chuyến đi phượt ba lô
Đầu tiên, hãy xác định những đặc điểm dưới đây của chuyến đi phượt ba lô. Điều này giúp bạn thu hẹp lại các lựa chọn điểm đến cho chuyến đi.
Thời gian và quãng đường: hai yếu tố chính ảnh hưởng đến lựa chọn điểm đến.
- Thời gian bạn có: nếu bạn bị giới hạn về thời gian, bạn phải chọn ra những tuyến đường mà bạn có thể hoàn thành trong khoảng thời gian mà bạn có. Ngoài ra, bạn cũng sẽ cần phải biết quãng đường trung bình một ngày bạn phải đi được để hoàn thành chuyến đi.
- Quãng đường bạn muốn: là quãng đường trung bình mỗi ngày mà bạn sẽ đi để hoàn thành chuyến đi. Quãng đường đi được càng ít thì số ngày mà bạn sẽ rong ruổi trên đường càng dài.
Khu vực: nếu bạn chỉ có một ngày cuối tuần để đi phượt ba lô, hãy chọn một nơi gần nhà để bạn có thể dành ít thời gian lái xe hơn so với thời gian để rong ruổi và khám phá nơi đó. Hoặc bạn cũng có thể chọn một nơi nào đó mà bạn muốn đến hoặc có điều hiện môi trường và khí hậu mà bạn thích.
Quy mô nhóm: nếu bạn đi một minh, bạn có thể làm chủ được về thời gian và tốc độ di chuyển, nơi nghỉ ngơi, và nơi qua đêm. Nếu đi cùng những người khác, bạn có thể sẽ phải điều chỉnh lại tốc độ di chuyển của thành viên chậm nhất trong nhóm. Nếu không còn cách nào khác, bạn có thể giúp đỡ người đó bằng cách giảm tải trọng hành lý của họ bằng việc mang dùm lều, bếp lò, thức ăn, v.v.
Thời gian chuẩn bị: mọi chuyến đi phượt ba lô đều cần phải được chuẩn bị hành lý thật đầy đù và kỹ càng. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị mọi thứ trước chuyến đi. Nếu không, hãy dời hoặc hủy chuyến đi lần này và lên kế hoạch kỹ lưỡng hơn cho những chuyến đi khác trong tương lai.
Khu lều chính: ở một số nơi, bạn có thể muốn dựng một khu lều chính để từ đây bạn có thể đi phượt ba lô trong ngày để khám phá những nơi gần đó hay chinh phục một đỉnh núi nào đó. Nếu bạn đi chung với người khác, hãy cân nhắc việc mua những chiếc lều lớn dành cho nhiều người để thoải mái hơn. Để giảm tải trọng, mỗi người có thể mang một bộ phần của chiếc lều này (một người mang thân lều, một người mang cọc lều, v.v.).
Thời điểm và thời tiết: một số nơi sẽ đóng cửa tùy theo một số thời điểm nhất định cũng như dự báo thời tiết và thiên tai của nơi đó.
Phương tiện đưa đón: nếu bạn đi phượt ba lô và dừng chân từ nơi này sang nơi khác, bạn sẽ có 4 lựa chọn về phương tiện đưa đón: thuê hai phương tiện cá nhân; thuê một phương tiện cá nhân ở nơi xuất phát và đạp xe từ nơi dừng chân cuối cùng trở lại nơi xuất phát; quá giang xe người đi đường; hoặc thuê một dịch vụ đưa đón địa phương.
2. Điểm đến trong chuyến đi phượt ba lô
Một khi bạn đã xác định được những đặc điểm đã nêu ở trên, bạn có thể dựa vào những nguồn sau để lựa chọn điểm đến trong chuyến đi phượt ba lô:
Sách báo du lịch và thông tin trên mạng: là một nguồn du lịch tuyệt vời với những số liệu thông kê chi tiết mà bạn có thể cần: độ khó của chuyến đi, quãng đường, độ cao, hướng đi, nguồn nước, v.v. Ngoài ra, những trang web hoặc blog du lịch trên mạng thường có những bài viết đánh giá và miêu tả lại cả chuyển đi giúp bạn hình dung được chuyến đi sẽ như thế nào tại thời điểm bạn dự định bắt đầu.
Những người xung quanh: nếu đi cùng bạn bè hoặc những phượt thủ khác, họ có thể gợi ý một số nơi tuyệt vời dành cho bạn dựa theo các đặc điểm mà bạn đã xác định trước đó.
Nói chuyện với người dân bản địa: bạn cũng có thể trò chuyện với người dân bản địa, các nhóm phượt gần đó, hoặc những người kiểm lâm ở nơi bạn muốn đến. Họ sẽ cung cấp những thông tin mới nhất về điều kiện đường sá, thời tiết, khí hậu, cũng như các cảnh báo về thiên tai cho bạn.
Bản đồ địa hình: nếu bạn biết cách đọc và sử dụng bản đồ địa hình, bạn có thể dễ dàng chọn ra tuyến đường phù hợp dành cho bạn. Tuy nhiên, bạn vẫn cần trao đổi với những người nắm rõ thông tin của khu vực đó hơn bởi vì những chiếc bản đồ này có thể trở nên lỗi thời một cách nhanh chóng.
3. Đồ dùng cho chuyến đi phượt ba lô
Giấy phép: tùy theo quy định của một số nơi mà bạn phải mang theo giấy phép hay không. Ví dụ một đỉnh núi như Phan Xi Păng, Pu Si Lung, Bạch Mộc Lương Tử, hay Khoan La San thì giấy phép là thứ bắt buộc phải có trong chuyến đi phượt ba lô.
Giấy tờ tùy thân: luôn mang theo bản chính và bản sao (đã chứng thực hoặc công chứng) của CMND và hộ chiếu cùng những loại giấy tờ liên quan đến phương tiện cá nhân (nếu có) như GPLX, giấy đăng ký xe, và giấy chứng nhận bảo hiểm xe trong mọi chuyến đi phượt ba lô.
Động vật hoang dã: ở những nơi có động vật hoang dã, hãy giữ khoảng cách với chúng cho dù bạn nghĩ chúng không nguy hiểm hay chúng chỉ là con nhỏ. Về đêm, hãy giữ tất cả những loại thức ăn và đồ dùng có mùi cách xa khu lều bằng cách giữ chúng trong một chiếc túi và treo lên một nhánh cây cao bằng dây nylon. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng những chiếc hộp đựng chống rò rỉ và cứng cáp để cất giữ chúng.
Côn trùng: nếu nơi bạn đến có nhiều loài côn trùng gây hại, hãy mang theo quần áo và thuốc chống côn trùng cùng những đồ dùng khác giúp chống lại chúng như lưới ngủ, mũ lưới, quần áo đi mưa, v.v.
Thức ăn: mỗi người nên mang theo một lượng thức ăn khô từ 0.5 đến 1 kg (tương đương với một lượng 2500 đến 4500 calo) cho mỗi ngày. Luôn mang thêm thức ăn để dự phòng các tình huống khẩn cấp vì độ cao, tốc độ, và quãng đường di chuyển sẽ ảnh hưởng đến tần suất ăn và lượng thức ăn mà bạn cần. Nếu đây là chuyến đi phượt ba lô đầu tiên của bạn, hãy mang theo thức ăn nhiều hơn so với bình thường.
Nhiên liệu: là thứ phải có nếu bạn mang theo những món đồ chạy bằng nhiên liệu như bếp lò hay đèn lồng. Hãy ước lượng (nhưng mang theo nhiều hơn để đề phòng) lượng nhiên liệu mà bạn cần dựa trên những tiêu chí như lượng thức ăn và nước uống bạn sẽ nấu hay thời gian sử dụng của đèn lồng. Ngoài ra, vì bạn không được mang theo nhiên liệu lên máy bay cho nên bạn phải mua nó sau khi bay.
Kiểm tra tình trạng đồ dùng: hãy đảm bảo tất cả đồ dùng đều hoạt động tốt, thức ăn còn hạn sử dụng, hay quần áo và giày dép phải vừa vặn và thoải mái (kiểm tra lớp chống thấm nước DWR nếu có).
Đồ dùng chung: bếp lò, lều, và các đồ dùng lọc nước là những món đồ điển hình có thể dùng chung giữa nhiều người. Vì vậy, nếu bạn sẽ đi chung với người khác, hãy bàn bạc với nhau và quyết định ai sẽ mang những gì để tránh việc mang thiếu hay dư đồ dùng.
Danh sách đồ dùng: hãy lập và in ra một danh sách đồ dùng sẽ mang theo trong chuyến đi phượt ba lô. Nó sẽ giúp bạn chuẩn bị và đóng gói hành lý nhanh và dễ dàng hơn. Ngoài ra, khi kiểm tra từng món đồ, bạn cũng có thể đánh giá lại một lần nữa món đồ đó có thật sự cần thiết và phù hợp hay không để bạn có thể loại bỏ món đồ đó để giảm tải trọng hoặc thay nó bằng một món đồ khác phù hợp hơn.
4. Chuẩn bị trước chuyến đi phượt ba lô
Chuẩn bị hành lý: đối với mọi chuyến đi phượt ba lô, “đừng để nước đến chân mới nhảy” khi chuẩn bị hành lý. Nếu bạn đã quyết định sẽ mang theo những gì cho chuyến đi, hãy bắt đầu đóng gói hành lý thật sớm. Vì sao ư? Điều này sẽ giúp bạn làm chủ được những vấn đề có thể khiến bạn muốn điều chỉnh lại hành lý như để giảm tải trọng hành lý, để phù hợp với thời tiết hoặc địa hình hơn, và nhiều lý do khác.
Kiểm tra dự báo thời tiết và thiên tai: các hiện tượng thời tiết và thiên tai luôn là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến mọi chuyến đi phượt ba lô vì tính khách quan của chúng. Nhẹ thì mưa phùn, mưa rào, hay tuyết hoặc nặng hơn một chút là mưa đá, gió mạnh, hay dông là đủ để bạn gặp nhiều khó khăn rồi chứ đừng nói đến những thiên tai khiến chuyến đi bị hủy như lũ lụt, động đất, hay sóng thần. Vì vậy, hãy thường xuyên xem các dự báo thời tiết và thiên tai để đối phó kịp thời.
Để lại thông tin liên lạc và bản sao lộ trình: luôn làm một vài bản sao về kế hoạch chi tiết của chuyến đi (đường đi, địa điểm, thời gian, v.v.) đính kèm với các thông tin khác (giấy tờ tùy thân, thông tin liên lạc, khi nào nên liên lạc, v.v.) cho những tình huống khẩn cấp. Mang theo một bản trên người, để lại một bản ở nơi khác như bên trong phương tiện cá nhân (nếu có), và gửi các bản còn lại đến bạn bè và người thân để họ có thể giúp đỡ bạn trong mọi tình huống.
Nguồn: REI
Xem thêm >> Kinh nghiệm Phượt ba lô cho người mới bắt đầu