Phượt ba lô (backpacking) là một cuộc phiêu lưu và thám hiểm kết hợp giữa việc đi hiking và cắm trại. Tạo cho bạn có nhiều cơ hội ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, đắm mình vào thiên nhiên, cũng như trải nghiệm cảm giác tuyệt diệu ở ngoài trời. Vì vậy, bài viết này sẽ cung cấp kinh nghiệm phượt ba lô và mẹo hữu ích để bạn có thể trải nghiệm chuyến đi dễ dàng hơn.

Nếu bạn có quen một người bạn hoặc bất kỳ ai thích phượt ba lô và dày dặn kinh nghiệm mà bạn tin tưởng, hãy mời họ đi cùng để hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm cho bạn. Nếu không thì không sao cả, bạn vẫn có thể tự mình thực hiện chuyến phượt ba lô này bằng khả năng và thực lực của bạn.

Bài viết này sẽ gồm có những phần sau để giúp bạn chuẩn bị cho chuyến phượt ba lô của bạn:

  1. Chọn nơi dừng chân cho chuyến phượt ba lô của bạn
  2. Chuẩn bị trang phục và thiết bị cho chuyến phượt ba lô của bạn
  3. Chuẩn bị lượng thực cho chuyến phượt ba lô của bạn
  4. Các mục khác cần chuẩn bị trước cho chuyến phượt ba lô của bạn

Tuy nhiên, bạn vẫn nên rủ một người bạn đi chung bất kể việc họ có kinh nghiệm và kiến thức về phượt hay không vì việc này sẽ giúp cho chuyến đi được an toàn và vui vẻ hơn.

1. Chọn nơi dừng chân cho chuyến Phượt ba lô của bạn

Hãy chọn những điểm phượt có mức độ không quá khó và không quá dễ để bạn vừa có một chút thử thách trên chuyến đi mà vừa có nhiều thời gian để khám phá các khu vực xung quanh khu lều. Nếu nơi đó quá khó để phượt (như di chuyển và dựng lều khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, v.v.) thì trải nghiệm đầu tiên của bạn sẽ rất khổ sở. Ngược lại, nếu nó quá dễ thì chuyến đi lại trở nên tẻ nhạt và không giúp bạn có thêm kinh nghiệm trong việc phượt ba lô.

Mẹo hữu ích để chọn nơi dừng chân cho chuyến Phượt 

  • Tham khảo ý kiến của những phượt thủ dày dặn kinh nghiệm: những phượt thủ trong các câu lạc bộ và hội những người thích đi phượt trên mạng rất thích đưa ra những lời khuyên cho những người mới bắt đầu phượt.
  • Chọn những nơi gần nhà: vừa cho bạn nhiều thời gian để đi bộ hơn là lái xe cũng như cho bạn nhiều thời gian hơn để đi đến nơi và dựng lều trước khi trời tối.
  • Không nên quá gần nhưng cũng không cần phải quá xa: việc lần đầu phải đi bộ cùng với hành lý nặng có thể khiến bạn di chuyển chậm và khó khăn hơn so với bình thường.
  • Không nên đi những nơi quá dốc: giống như lý do ở trên, cho dù bạn có thường đi hiking hay không thì việc phải mang vác nặng và leo dốc sẽ khiến bạn gặp rất nhiều khó khăn và chóng mệt.
  • Chọn những con đường mòn và những nơi dựng lều thường có người lui tới: vì đây là chuyến phượt ba lô đầu tiên của bạn, việc có người khác ở xung quanh là một điều tốt vì họ có thể trợ giúp bạn những lúc bạn gặp khó khăn.
  • Đảm bảo có nguồn nước gần nơi dựng lều: bạn không cần phải bận tậm nhiều nếu nguồn nước gần bạn là sông hoặc hồ lớn. Tuy nhiên, nếu đó là suối hoặc thác nước thì bạn nên cẩn thận vì chúng được coi là một nguồn nước nhỏ và có thể bị cạn.
  • Không mang theo con cái hoặc thú nuôi: mặc dù cả hai đều có thể tăng không khí vui vẻ, nhưng vì đây là chuyến phượt ba lô đầu tiên của bạn nên mọi thứ có thể xảy ra theo hướng ngược lại.
  • Hãy phượt vào giữa mùa hè: việc này giúp cho bạn tối đa hóa thời gian ban ngày cũng như giảm thiểu khả năng xuất hiện thời tiết xấu (trừ khi nơi dừng chân dự tính của bạn là một nơi có nhiệt độ cực cao hoặc có nguy cơ hỏa hoạn cao). Luôn luôn kiểm tra dự báo thời tiết của nơi bạn đến và ngay lập tức hủy hoặc hoãn chuyến đi nếu có tin sẽ chắc chuấn xuất hiện bão ở nơi đó.

2. Chuẩn bị trang phục và thiết bị cho chuyến Phượt ba lô của bạn

Để tiết kiệm ngân sách, bạn có thể mượn của người khác hoặc thuê lại những món đồ thường có chi phí cao như lều du lịch, túi ngủ, và đệm ngủ.

Những loại thiết bị cần mang theo khi Phượt ba lô

Bởi vì bạn phải mang theo và đóng gói mọi thứ vào trong hành lý của mình, các trang thiết bị ngoài trời của bạn cần phải nhẹ và nhỏ gọn. Nếu đi chung với người khác thì bạn có thể chia nhỏ các thiết bị như lều, nồi, và bếp lò để giảm tải trọng lượng hành lý. Sau đây là những thiết bị thiết yếu bạn sẽ cần cho bất kỳ chuyến phượt ba lô nào:

  • Lều: nếu được thì hãy sử dụng những loại lều chưa được nhiều người (từ hai người trở lên) vì chúng ít nặng và kinh tế hơn so với việc sử dụng những chiếc lều dành cho một người. Ngoài ra, nếu bạn không biết hoặc không bao giờ có dự định đi leo núi thì hãy chọn những chiếc lều có thể sử dụng được trong cả ba mùa (mùa xuân, mùa hè, và mùa thu).
  • Ba lô: cho dù bạn mua hay mượn của người khác thì hãy thử đóng gói hành lý (khoảng 13 kg) và mang lên thử trước (đi thử bằng một chuyến đi hiking dài ngày) để chắc chắn rằng nó vừa vặn và thoải mái. Nếu nó thoải mái ở bên hông và trên vai thì nó có thể đã đủ cho chuyến phượt ba lô đầu tiên này của bạn. Nếu bạn quyết định mua một chiếc ba lô thì hãy nhờ thợ hoặc tự mình đo kích thước cơ thể để chọn ra những loại ba lô phù hợp. Bạn không nên chọn những loại ba lô siêu nhẹ cho chuyến phượt ba lô đầu tiên của bạn vì nó sẽ ít đệm hơn cũng như có cấu trúc ít hỗ trợ cơ thể hơn so với những loại ba lô hiện đại khác. Thay vì đó, bạn có thể chọn những loại lều, túi ngủ, và đệm ngủ siêu nhẹ để giảm tải trọng hành lý của mình.
  • Túi ngủ: nếu bạn đang có ý định mua một chiếc túi ngủ thì hãy cân nhắc kỹ lưỡng giữa ưu điểm và nhược điểm của các chất liệu giữ ấm để phù hợp với điều kiện thời tiết mà bạn có thể gặp ở nơi bạn đến. Nếu đây là chiếc túi ngủ đầu tiên của bạn, vải tổng hợp là lựa chọn tốt hơn vì nó cung cấp độ linh hoạt và giá cả tốt hơn.
  • Đệm ngủ: khả năng giữ ấm và độ êm của một chiếc đệm ngủ rất quan trọng để bạn có một giấc ngủ ngon giúp cơ thể thư giãn sau một chuyến đi dài. Khi lựa chọn đệm ngủ, hãy xem xét đến các ưu điểm của từng loại đệm ngủ để chọn ra một chiếc phù hợp với tư thế ngủ cũng như điều kiện ngủ ngon giấc của bạn (ví dụ như đệm phải cứng hay mềm). Tuy nhiên, những loại đệm tự bơm hơi thường được coi là có sự cân bằng tốt nhất giữa sự thoải mái và giá thành.
  • Bếp lò: nếu bạn đang sở hữu một chiếc bếp đơn có trọng lượng chưa đến 0.5 kg, nó có thể phù hợp cho chuyến phượt ba lô đầu tiên của bạn. Nếu bạn phải mua một chiếc bếp lò, điều đầu tiên bạn cần cân nhắc là loại nhiên liệu mà bạn có hoặc bạn muốn sử dụng rồi mới bắt đầu chọn ra những loại bếp phù hợp với mình.  Hầu hết những người mới bắt đầu phượt ba lô thường dùng bếp gas với giá cả phải chăng và dễ sử dụng. Ngoài ra, bạn cũng cần mang theo một bình nhiên liệu dự phòng cho chiếc bếp của bạn.
  • Thiết bị xử lý và lọc nước: ngay cả những nguồn nước nguyên sơ nhất cũng có thể chứa những vi khuẩn và chất mà bạn không nên uống. Vì vậy, việc xử lý và lọc nước tự nhiên không bao giờ là một việc thừa thải. Bạn có thể mượn của người khác một bộ lọc nước hoặc bạn cũng có thể mua các viên nén hoặc hóa chất lọc nước như các lựa chọn siêu nhẹ và đơn giản để làm sạch nước.
  • Đồ dùng nhà bếp: bạn có thể tiết kiệm tiền bằng cách mua từ các cửa hàng tiết kiệm hoặc cửa hàng gia đình có bán đồ dùng nhà bếp. Chỉ mang theo vừa đủ nồi, chảo, đĩa, chén, ly, và dụng cụ ăn uống để bạn có thể nấu ăn. Về việc rửa đồ bếp thì bạn có thể mang theo một miếng bọt biển nhỏ và một ít xà phòng phân huy sinh học (phải rửa ở nơi cách xa khu lều và nguồn nước).

Nên mặc quần áo như thế nào khi Phượt ba lô?

Bạn không cần phải mua những bộ quần áo chuyên dụng để đi hiking cho chuyến phượt ba lô đầu tiên của bạn. Bạn chỉ cần lựa những bộ quần áo thể thao làm bằng vải thấm hút ẩm và nhanh khô (như vải nylon và polyester) vì chúng hút mồ hôi ra bên ngoài quần áo giúp giữ cho da của bạn được khô. Bạn không nên lựa những loại quần áo làm từ vải cotton vì nó hút nước và lâu khô hơn khi bị ướt, khiến bạn bị lạnh và hạ thân nhiệt.

Quần áo để phượt ba lô của bạn nên được chia thành các lớp sau:

  • Lớp lót (hay còn gọi là đồ lót dài): rất quan trọng vì ngay cả những ngày ấm áp cũng có thể lạnh về đêm.
  • Lớp chính: quần dài nylon, áo thun, áo sơ mi chống nắng, và mũ chống nắng.
  • Lớp giữ ấm: áo phao hoặc áo khoác, áo tròng cổ vải nỉ và nhẹ, mũ giữ ấm, và găng tay.
  • Lớp chống mưa: chắc chắn mang theo một chiếc áo khoác chống nước và thoáng khí, việc bạn có nên mang theo một chiếc quần đi mưa hay không phụ thuộc vào dự báo thời tiết của nơi bạn đến (trang phục đi mưa cũng có tác dụng chống côn trùng).

Lợi ích của việc chia quần áo thành từng lớp là nó cho phép bạn nhanh chóng thích nghi với việc thay đổi của điều kiện thời tiết. Điều này cũng cho phép bạn kết hợp nhiều lớp quần áo lại để chống lại những cơn bão xuất hiện đột ngột cùng không khí lạnh và mưa.

Bạn có thể mặc một chiếc quần bó thể thao (vải không cotton) hoặc quần bó tập yoga như một lớp lóp hoặc lớp chính. Tuy nhiên, khi mặc như một chiếc quần dài thì chúng không có những chiếc túi nhỏ để đựng đồ và cũng dễ bị trầy xước hơn khi va chạm với đá và cành cây so với những loại quần dài thông thường.

Nên mang theo giày dép như thế nào khi Phượt ba lô?

Đối với mọi phượt thủ, đôi giày mà họ chọn để làm người đồng hành là một vật cực kỳ quan trọng cho bất kỳ chuyến đi nào vì đôi chân chính là “phương tiện” cốt lõi trong việc di chuyển của bạn. Một số người ưa dùng những đôi bốt cao qua mắt cá chân, một số người khác thì lại thích chọn những đôi giày chạy bộ đường mòn nhẹ.

Hãy “break in” đôi giày của bạn đúng cách để chân của bạn có thể mang vừa vặn đôi giày bạn chọn một cách thoải mái. Ngoài ra, hãy mang những đôi vớ bằng len hoặc sợi tổng hợp và nghĩ đến việc mang theo một đôi giày hoặc dép siêu nhẹ và chống nước để đi lại quanh khu lều và băng qua những vùng nước.

Danh sách đồ dùng cơ bản khi phượt ba lô

Mặc dù ở trên chúng ta đã đề cập đến những loại đồ dùng chính nên mang theo, tuy nhiên đó chưa phải là tất cả những gì bạn cần magn theo khi phượt ba lô. Trước khi phượt, bạn cần đảm bảo là bạn đã có tất cả mọi loại đồ dùng và thiết bị cần thiết bên trong hành lý của mình vì có một khả năng rất cao là sẽ không có bất kỳ cửa hàng tiện lợi hay tạp hóa nào gần nơi bạn phượt (hoặc có nhưng rất ít và cách rất xa). Bạn có thể tham khảo danh sách đồ dùng bên dưới để chuẩn bị và kiểm tra hành lý của bạn:

Thiết bị chính

  • Ba lô và bọc ba lô chống nước
  • Lều
  • Túi ngủ và gối (bạn có thể nhồi một chiếc túi đựng đồ để nó trở thành gối)
  • Đệm ngủ

Đồ ăn và nước uống

  • Bữa chính và thức đồ nhẹ
  • Đồ ăn dự trù (tùy theo lượng ngày dự trù)
  • Túi đựng đồ hoặc túi nhựa lớn (để đựng đồ ăn vào ban đêm)
  • Bếp lò và nhiên liệu (đựng trong chai hoặc hộp)
  • Bật lửa hoặc diêm
  • Bộ nồi và dụng cụ nhấc nồi
  • Chén, bát, đĩa, ly, và dụng cụ ăn uống
  • Xà phòng phân hủy sinh học
  • Khăn nhỏ
  • Bình nước
  • Dụng cụ xử lý và lọc nước

Quần áo và giày dép

Nên chọn vải nhanh khô, không sử dụng vải cotton.

  • Giày hoặc bốt hiking
  • Vớ và một đôi dự phòng
  • Dép hoặc xăng đan (không bắt buộc, để di chuyển quanh khu lều hoặc băng qua vùng nước)
  • Đồ lót dài
  • Đồ lót
  • Quần hiking dài và short
  • Áo thun
  • Áo sơ mi dài tay hoặc áo tròng cổ
  • Áo khoác nỉ hoặc áo phao
  • Găng tay
  • Áo khoác và quần đi mưa

Chống nắng và công trùng

  • Kem chống nắng
  • Son dưỡng môi
  • Kính râm

Thiết bị giúp định vị và dùng trong trường hợp khẩn cấp

  • Bản đồ địa hình
  • La bàn
  • Sách mô tả đường sá
  • Điện thoại di động, pin sạc dự phòng, và vỏ hoặc bao chống nước
  • Còi (nếu bạn bị lạc thì thổi một loạt ba tiếng và lặp lại)
  • Đồng hồ đeo tay
  • Dụng cụ đánh lửa
  • Đèn đeo đầu hoặc cầm tay và pin dự phòng
  • Bộ sơ cứu

Vệ sinh cá nhân

  • Giấy vệ sinh
  • Xẻng xúc đất (để chôn chất thải)
  • Nước rửa tay diệt khuẩn
  • Sản phẩm kinh nguyệt
  • Túi nhựa (để chứa rác và chất thải)
  • Bàn chải và kem đánh răng (kem phân hủy sinh học)

Thiết bị sửa chữa

  • Dao hoặc dụng cụ đa năng
  • Băng keo (để sửa chữa khẩn cấp)

Thiết bị khác

  • Giấy tờ tùy thân
  • Giấy phép đi lại (nếu cần)
  • Chìa khóa
  • Tiền mặt hoặc thẻ tín dụng
  • Lộ trình chuyến đi (gửi một bản cho bạn bè hoặc người thân)
  • Dây nylon khoảng 127 cm (để treo thức ăn lên cây)
  • Hộp đựng chống rò rỉ và cứng cáp (để đựng thức ăn tránh động vật hoang dã)

Bạn cũng có thể tham khảo những danh sách đồ dùng khác được chia sẻ rộng rải trên mạng bởi các phượt thủ khác để có thêm trong đầu những vật dụng khác có thể có ích cho bạn trong chuyến đi này hoặc những chuyến đi khác trong tương lai.

Mẹo hữu ích: sau mỗi chuyến đi, hãy đối chiếu với danh sách những đồ dùng bạn mang theo và đánh dấu những món có ích và những món không có ích. Điều này giúp cho bạn có được một danh sách đồ dùng tối ưu nhất được thiết lập cho bản thân bạn để bạn sử dụng cho những chuyến đi sau này.

3. Chuẩn bị lượng thực cho chuyến Phượt ba lô của bạn

Đối với một chuyến phượt ba lô qua đêm, bạn cần chuẩn bị đồ ăn đủ cho bữa tối, bữa sáng, và một vài bữa trưa để cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể. Thực phẩm sấy khô luôn là lựa chọn nhẹ và tiện dụng nhất cho món khai vị nhưng lại khá đắt tiền. Trừ khi bạn có thiết bị hoặc thùng đựng giữ lạnh, những thực phẩm tươi và dễ hỏng như trứng tươi không nên có trong thực đơn của bạn.

Không nên mang theo thực phẩm đóng hộp vì chúng khá nặng và hãy cố gắng ước lượng chính xác lượng đồ ăn mà bạn sẽ cần vì việc mang theo quá nhiều đồ ăn cũng làm gia tăng trọng lượng và làm cồng kềnh ba lô của bạn. Tuy nhiên, bạn cũng nên mang theo một ít lượng đồ ăn bổ sung để đề phòng một vài trường hợp nhất định như bị chậm tiến độ lộ trình từ một đến hai ngày.

Dưới đây là một số mẹo chuẩn bị lượng thực cho chuyến phượt ba lô đầu tiên của bạn:

  • Bữa tối: chọn những loại thực phẩm đa dụng có thể ăn nhiều bữa như mì gói hoặc cơm. Những loại thực phẩm có hộp đi kèm thì nên bỏ phần hộp đi và đặt vào trong một chiếc túi nhựa để đóng gói và mang theo dễ dàng hơn.
  • Bữa trưa và bữa ăn nhẹ: mang theo các thanh năng lượng giàu calo và protein cũng như các sản phẩm hạt hỗn hợp để ăn trong ngày vì việc đeo ba lô khi di chuyển sẽ đốt cháy rất nhiều năng lượng của bạn. Bạn không nên ăn trưa quá cầu kỳ mà hãy ăn bằng nhiều loại đồ ăn nhẹ và cho cơ thể nghỉ ngơi lâu hơn. Những lựa chọn khác bao gồm bánh mì, thịt khô, trái cây khô, v.v.
  • Bữa sáng: có thể bao gồm từ một món chính nấu chín (như bánh pancake) cho đến bột yến mạch (từ hai hoặc ba thanh năng lượng). Nếu bạn là người nghiện cafein thì lựa chọn đơn giản nhất của bạn là những gói cà phê hoàn tan hoặc túi trà.
  • Những vấn đề cần lưu ý về động vật hoang dã: hãy giữ khoảng cách với động vật hoang dã và không đến gần những loài động vật có vú lớn và con của chúng (như gấu, voi, v.v.). Vào ban đêm, hãy đảm bảo tất cả lượng thực và các đồ dùng cá nhân có mùi thơm đã được giữ an toàn cách xa khu lều của bạn. Bạn có thể làm điều này bằng cách đặt mọi thứ vào bên trong một chiếc túi và sử dụng một số dây nylon để treo lên một nhánh cây cao. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng những loại hộp đựng chống rò rỉ và cứng cáp để cất giữ chúng.

4. Các mục khác cần chuẩn bị trước cho chuyến Phượt ba lô của bạn

Trước mọi chuyến đi phượt ba lô, hãy đảm bảo cơ thể của bạn về mặt thể chất lẫn tinh thần và công tác hậu cần đã được lên giây cót đầy đủ bằng những bước sau đây:

Chuẩn bị về mặt thể chất

Vấn đề thể chất và sức khỏe luôn rất quan trọng trong mọi hoạt động của mọi người cho dù hoạt động đó là chạy bộ, chạy đua marathon, hay đơn giản chỉ là một chuyến đi bộ để phượt ngắn ngày. Tối thiểu thì bạn nên đi nhiều chuyến đi hiking trong ngày trên những con đường mòn có khoảng cách và độ cao tương tự với quãng đường mà bạn dự tính sẽ đi phượt ba lô để cơ thể có thể thích nghi tốt hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên thực hiện ít nhất một vài lần đi hiking có độ khó tương tự với một chiếc ba lô có tải trọng hơn 13 kg.

Chuẩn bị về mặt tinh thần

Hãy đảm bảo là bạn đã sử dụng thành thạo các thiết bị ngoài trời của bạn trước khi lên đường. Bạn chắc chắn sẽ không muốn bị bối rối và lúng túng khi phải dựng và buộc lều, đốt bếp, hay lọc nước trong những điều kiện khó khăn đâu (ví dụ như khi trời bắt đầu tối và mưa). Học một khóa hướng dẫn những bước sơ cứu cơ bản và hướng dẫn sử dụng bàn đồ và la bàn cũng là một bước đi khôn ngoan. Cho dù bạn có đi phượt hay không, cả hai kỹ năng này đều rất hữu ích cho bạn

Chuẩn bị về mặt hậu cần

Ngoài việc vạch ra lô trình của chuyến đi (nơi bắt đầu và nơi kết thúc), bạn cũng cần đảm bảo là bạn đã có mọi loại giấy tờ cần thiết như giấy phép lái xe, chứng minh nhân dân, giấy phép đi lại, v.v. Ngoại trừ những loại giấy tờ tùy thân, những loại giấy tờ đòi hỏi khác hoàn toàn phụ thuộc vào phía địa phương nơi bạn sẽ đến. Vì vậy, hãy kiểm tra với các cơ quan quản lý đất đai địa phương hoặc những phượt thủ đã từng đến nơi bạn sẽ đến để xem nơi đó có yêu cầu đặc biệt nào về giấy tờ hay không cũng như cập nhật tình hình về những thông tin có giá trị khác như điều kiện thời tiết, điều kiện của con đường, v.v.

Đưa cho người thân hoặc bạn bè giữ một bản sao của lộ trình chuyến đi: bao gồm thông tin chi tiết về những nơi bạn sẽ đến và khi nào bạn sẽ quay về. Điều này giúp họ có thể sẵn sàng giúp đỡ hoặc cảnh báo những nguy hiểm cho bạn nếu bạn cần.

Chuẩn bị và đóng gói hành lý trước chuyến đi

“Đừng để nước đến chân mới nhảy”, đừng đợi đến tối của hôm trước mới bắt đầu chuẩn bị và đóng gói hành lý mà hãy làm điều này trước chuyến đi của bạn một vài ngày. Việc này giúp bạn làm chủ được vấn đề trọng lượng hành lý lẫn đồ đạc mang theo có quá nhiều hay quá ít cho chuyến đi của mình và dễ dàng điều chỉnh lại để phù hợp hơn. Ngoài ra, nguyên tắc đóng gói hành lý để phượt ba lô là bạn không nên mang hành lý nặng quá 20% so với trọng lượng cơ thể của bạn.

Nguồn: REI