Bị ốm ở nhà đã đủ tệ. Nhưng khi bị ốm ở nơi hoang dã và cách xa chiếc giường ấm cúng của bạn, đó có thể là một điều tệ hại nhất bạn từng trải nghiệm. Tuy nhiên, bằng cách nhận ra các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sớm, bạn có thể đưa ra một kế hoạch điều trị thích hợp có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn và thậm chí có thể giúp bạn tiếp tục hành trình.
Nội dung
Phải làm gì nếu bạn bị ốm khi đang đi cắm trại, leo núi, v.v.?
- Kiểm tra các dấu hiệu và triệu chứng. Những căn bệnh như sốt, nhức đầu, đau cơ, ho và đau họng thường là dấu hiệu của cảm cúm. Khó chịu ở bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn và tiêu chảy là những dấu hiệu nhận biết về các vấn đề về đường tiêu hóa. Nhận biết những dấu hiệu và triệu chứng này sẽ giúp bạn lên kế hoạch điều trị bệnh tốt hơn.
- Xem xét các phương pháp điều trị. Điều trị một căn bệnh cảm cúm thường là để cho nó tự khỏi trong khi nghỉ ngơi nhiều. Và cung cấp nước là trọng tâm chính khi điều trị các vấn đề về đường tiêu hóa. Một số loại thuốc có thể cung cấp sự hỗ trợ cho bạn.
- Sơ tán nếu cần thiết. Khi các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như sốt cao, sốt kéo dài hoặc không có khả năng giữ nước, đã đến lúc bạn cần dừng chuyến đi lại và đến gặp bác sĩ.
- Ngăn ngừa bệnh tật trong tương lai. Để giúp bạn tránh bị bệnh trong chuyến phiêu lưu tiếp theo, hãy thực hành vệ sinh tốt và luôn khử trùng nước uống.
Lưu ý: các triệu chứng của bệnh cảm cúm và các vấn đề về đường tiêu hóa là phổ biến đối với nhiều tình trạng bệnh và đôi khi có thể là các dấu hiệu ban đầu của các bệnh nghiêm trọng hơn. Nếu tình trạng của bạn kéo dài hoặc xấu đi, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm tra toàn diện.
Hãy nhớ rằng: an toàn là trách nhiệm của bạn. Không có bài viết hoặc video có thể thay thế lời khuyên của bác sĩ, cũng như hướng dẫn và kinh nghiệm của chuyên gia. Hãy chắc chắn rằng bạn đã thực hành các kỹ thuật và yêu cầu an toàn trước khi bạn thực hiện sơ cứu.
1. Kiểm tra các dấu hiệu và triệu chứng
Những căn bệnh phổ biến nhất thường “tấn công” những người đam mê dã ngoại, hoạt động ngoài trời thuộc hai loại chính: bệnh cảm cúm và các vấn đề về đường tiêu hóa. Bằng cách nhận thức được các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến các tình trạng này, bạn sẽ có thể quyết định cách tiến hành điều trị.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cảm cúm
Bệnh cảm cúm là một thuật ngữ dễ hiểu đối với nhiều loại bệnh thông thường, bao gồm cảm lạnh, viêm họng, nhiễm trùng đường hô hấp trên, sốt và đau đầu (không bao gồm bị cúm do virus, đây là một chẩn đoán y khoa cụ thể). Bệnh cảm cúm thường là một bệnh nhiễm trùng do virus ở mũi và cổ họng, đó là lý do tại sao chúng thường bao gồm sổ mũi, đau họng, ho và hắt hơi.
Trong nhiều trường hợp, một bệnh nhân mắc bệnh cảm cúm sẽ hiển thị các dấu hiệu và triệu chứng sau:
- Sốt
- Nhức đầu (lưu ý rằng đau đầu cũng thường do mất nước và độ cao)
- Đau cơ và khó chịu
- Nghẹt mũi và ho
Nếu các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm ho, hắt hơi và xì mũi nhiều; bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng đường hô hấp trên. Đây là một bệnh nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn ảnh hưởng đến xoang, hầu, thanh quản hoặc phế quản. Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết:
- Tăng lượng đờm ở cổ họng/ bị chảy nước mũi nhiều
- Ho
- Đau họng (lưu ý rằng đau họng cũng có thể được gây ra bởi khô do độ cao và mất nước)
- Sốt
- Khó chịu
Các dấu hiệu và triệu chứng của các vấn đề về đường tiêu hóa
Nếu bạn đã từng bị mắc bệnh liên quan đến dạ dày và khiến bạn phải lao vào toilet nhiều lần, thì khả năng cao bạn đã mắc phải là viêm dạ dày ruột. Viêm dạ dày ruột là tình trạng viêm của hệ thống đường tiêu hóa do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây ra.
Một bệnh nhân bị viêm dạ dày ruột nhẹ có thể sẽ có những dấu hiệu và triệu chứng sau:
- Khó chịu theo từng cơn ở bụng
- Chuột rút không liên tục
- Phân lỏng
- Âm ruột thường xuyên
- Buồn nôn và ói mửa
- Đôi khi sốt nhẹ
Khi bị viêm dạ dày ruột nặng, bệnh nhân thường gặp các dấu hiệu và triệu chứng sau:
- Cơn đau kéo dài và tồi tệ hơn 24 giờ, đặc biệt là nếu cơn đau trở nên trầm trọng và liên tục
- Không có khả năng dung nạp chất lỏng
- Phân có máu hoặc chất nhầy
- Dấu hiệu và triệu chứng sốc
- Sốt trên 39° C
2. Những phương pháp điều trị
Dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng mà bệnh nhân đang mắc phải, bạn có thể tự lên một kế hoạch điều trị, hy vọng sẽ mang lại sự nhẹ nhõm và cho phép chuyến đi được tiếp tục. Tuy nhiên, đôi khi việc trải qua một đêm nữa ở trong lều khi bị ốm có thể không ổn, vì vậy hãy biết rằng bạn luôn có lựa chọn quay về nhà.
Những phương pháp điều trị cho bệnh cảm cúm
Nhiều bệnh cảm cúm có thể mất một tuần hoặc nhiều hơn để khỏi bệnh. Mục đích khi điều trị các bệnh này là giúp bệnh nhân cảm thấy tốt hơn bằng cách điều trị các triệu chứng trong khi bệnh diễn biến. Dưới đây là cách điều trị:
- Uống thuốc: thuốc giảm đau như acetaminophen, aspirin hoặc thuốc chống viêm không steroid có thể giúp giảm đau đầu và đau cơ. Thuốc thông mũi và thuốc chống ho có thể được sử dụng nếu bị nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- Nghỉ ngơi và kiên nhẫn: nếu bạn trong một chuyến đi kéo dài, bạn có thể phải thay đổi hành trình của mình để người bệnh có thể nằm thấp cho đến khi họ cảm thấy tốt hơn. Đối với một chuyến đi ngắn hơn, hầu hết việc phục hồi sẽ diễn ra tại nhà.
- Cung cấp nước: uống nhiều nước. Nước, trà nóng và súp là những lựa chọn tốt.
- Vệ sinh sạch sẽ: để hạn chế sự lây lan của bệnh tật, mọi người trong nhóm cần rửa tay thường xuyên và luôn luôn trước khi xử lý thực phẩm. Che miệng khi ho và hắt hơi.
- Rời khỏi nếu cần thiết: đừng ngần ngại rời đi và tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu các triệu chứng xấu đi.
Những phương pháp điều trị cho các vấn đề về đường tiêu hóa
Hầu hết mọi người sẽ vượt qua một trường hợp viêm dạ dày ruột nhẹ trong khoảng 1- 3 ngày, điều đó có nghĩa là họ có thể tiếp tục với một chuyến đi kéo dài hơn thế. Dưới đây là một số cách để điều trị các vấn đề tiêu hóa nhẹ (viêm dạ dày ruột nặng cần phải sơ tán và đi khám bác sĩ):
- Uống nhiều nước: tiêu chảy và nôn mửa thường xuyên có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng. Nếu thường xuyên bị nôn, hãy cân nhắc sử dụng dung dịch thay thế điện giải.
- Dùng thuốc: đối với tiêu chảy kéo dài, thuốc chống tiêu chảy có thể giúp giảm đau và rất cần thiết. Thuốc chống nôn có thể giúp giảm buồn nôn và nôn. Trong một số trường hợp, thuốc kháng sinh có thể giúp giảm đau, nhưng tốt nhất là nên hỏi ý kiến bác sĩ trước chuyến đi để biết thêm về cách sử dụng kháng sinh.
- Ăn thức ăn nhạt: để tránh căng thẳng thêm cho hệ tiêu hóa, hãy ăn những thực phẩm nhạt, không cay, ít chất béo, ít chất xơ và dễ tiêu hóa. Những thứ như chuối, rau nấu chín, súp, bánh quy giòn và bơ đậu phộng mịn là những lựa chọn tốt. Tránh các thực phẩm như đậu, đậu lăng, trái cây khô và các loại rau như bông cải xanh, rau mầm cải và bắp cải.
- Rời đi nếu cần thiết: đừng ngần ngại rời đi và tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.
3. Sơ tán nếu cần thiết
Một trong những thách thức với việc điều trị bệnh khi ở ngoài trời là xác định khi nào bạn cần phải sơ tán. Dưới đây là một số hướng dẫn khi nào bạn nên về nhà và gặp bác sĩ.
Hướng dẫn sơ tán cho bệnh cảm cúm
Nếu bạn hoặc ai đó trong nhóm của bạn gặp bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào trong số này, việc sơ tán là bắt buộc:
- Sốt kéo dài hơn 48 giờ hoặc cao (hơn 102° F / 39° C).
- Bệnh nhân bị cứng cổ, nhức đầu dữ dội, khó thở hoặc thở khò khè.
- Các dấu hiệu hoặc triệu chứng của viêm phổi phát triển (khó thở, giảm khả năng chịu đựng khi tập thể dục, làm cho tình trạng khó chịu và suy nhược với ho nhiều)
- Bệnh nhân không thể uống nước trong hơn 48 giờ, đặc biệt nếu có tiêu chảy, sốt hoặc nôn mửa.
- Đau họng khiến bệnh nhân khó nuốt nước và duy trì đủ nước.
- Đau họng đi kèm với sốt và cổ họng đỏ với những mảng trắng. (Trong trường hợp này, bạn có thể nghi ngờ viêm họng liên cầu khuẩn, một căn bệnh do vi khuẩn gây ra. Bác sĩ sẽ cần phải làm một xét nghiệm để xác nhận xem nó có phải viêm họng do vi trùng không.)
- Nhức đầu không giảm khi đã uống thuốc điều trị. Cơn nhức đột ngột hoặc nghiêm trọng hoặc có liên quan đến tình trạng tâm lý thay đổi.
Hướng dẫn sơ tán cho các vấn đề về đường tiêu hóa
Với các trường hợp nghiêm trọng của viêm dạ dày ruột, cần phải sơ tán ngay. Sẽ đến lúc cần về nhà nếu bạn hoặc ai đó trong nhóm gặp phải bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Tiêu chảy có đỏ máu hoặc vẫn tiếp tục bị tiêu chảy mặc dù đã uống thuốc điều trị. Hoặc bệnh nhân không thể uống nước.
- Nôn có máu hoặc có chất giống màu bã cà phê, hoặc bệnh nhân không thể uống nước đầy đủ.
- Đau bụng kéo dài hoặc càng ngày càng tệ trong 24 giờ.
- Sốt ngày càng tăng.
- Bệnh nhân không thể dung nạp chất lỏng trong hơn 24 giờ, đặc biệt nếu đi kèm với tiêu chảy hoặc nôn mửa.
Trong trường hợp sơ tán mà bệnh nhân cần hỗ trợ, bạn có thể cần gọi giúp đỡ. Vùng phủ sóng di động có thể khó bắt được khi bạn ở nơi hoang dã. Vì vậy, bạn cần lưu số vào điện thoại di động trước khi đi. Hoặc sử dụng máy phát tín hiệu định vị cá nhân.
4. Ngăn ngừa bệnh tật trong các chuyến đi ngoài trời
Bị ốm không bao giờ mang lại niềm vui, nhưng bạn có thể cảm thấy tồi tệ hơn khi nó làm gián đoạn một cuộc phiêu lưu ngoài trời. Để giúp ngăn ngừa bệnh tật trong tương lai, hãy làm theo các mẹo phổ biến sau:
Luôn vệ sinh sạch sẽ: chỉ vì bạn ở ngoài trời không có nghĩa là bạn nên vệ sinh kém đi. Sự lây lan của các bệnh về đường tiêu hóa và các bệnh giống như cảm cúm có thể do bàn tay bạn bị ô nhiễm. Điều quan trọng là luôn luôn rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng chất khử trùng tay trước khi xử lý thực phẩm và sau khi đi vệ sinh.
Khử trùng nước của bạn: các mối đe dọa từ nước như động vật nguyên sinh, vi khuẩn và vi rút có thể khiến bạn bị bệnh nặng. Đừng sử dụng nước chưa được xử lý với bất kì nguyên do nào. Làm sạch hoặc lọc nước trước khi uống
Che miệng khi ho và hắt hơi: bệnh cảm cúm có thể lây lan dưới dạng khí. Vì vậy nếu có người bị bệnh, điều quan trọng là họ phải che miệng khi ho và hắt hơi. Sử dụng khăn giấy, khăn tay hoặc khẩu trang.
Nguồn: REI