Những người thường hay đi du lịch chắc chắn sẽ biết nên mang theo và mặc những gì cho chuyến đi của mình. Tuy nhiên, đối với những người mới bắt đầu đi hoăc thỉnh thoảng mới có thời gian để du lịch thì đó lại là một chuyện khác. Vậy khi đi du lịch một nơi nào đó, “Chúng ta nên mặc gì?” và “Chúng ta nên mang theo bao nhiêu bộ quần áo?”
Nội dung
Việc chuẩn bị và đóng gói quần áo cho một chuyến đi dài ngày ban đầu trông có vẻ khó và quá sức, tuy nhiên chỉ cần nắm được nguyên tắc đóng gói hành lý gọn nhẹ là bạn không cần phải lo gì về việc đó nữa. Khi đi du lịch (đặc biệt là du lịch nước ngoài), tốt nhất là bạn chỉ nên đem theo một vài bộ quần áo nhẹ phù hợp với nhiều hình thức du lịch.
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản về cách chọn mua và đóng gói hành lý khi đi du lịch.
1. Những điểm nên cân nhắc khi chọn trang phục du lịch
Có thể nói chìa khóa cho việc đóng gói hành lý gọn nhẹ đó chính là việc chỉ mang theo những vật dụng và quần áo có thể sử dụng linh hoạt trong nhiều điều kiện thời tiết cho nhiều hoạt động khác nhau.
Vải
Hãy chọn những loại vải thoáng khí, hút ẩm tốt, nhanh khô, dễ bảo quản, giữ gìn.
Màu sắc trung tính
Vì không gian hành lý có hạn nên để tối giản trọng lượng của hành lý, bạn hãy chọn những tông màu trung tính để mặc như màu nâu, đen, kaki (đặc biệt là đối với quần dài, quần short, và váy). Lý do là vì những màu này có thể phối với nhau dễ dàng nên sẽ giúp bạn hạn chế được số lượng quần áo cần phải mang theo.
Chống nhăn
Hãy lựa chọn những trang phục làm bằng vải chống nhăn để quần áo ít bị nhăn hơn so với quần áo làm từ những chất liệu vải khác.
Kiểu dáng
Một điều khó tránh khỏi khi đến những nước hay địa phương khác đó là phong cách và kiểu dáng quần áo của bạn có thể nổi bật hơn so với ở nơi bạn đi du lịch. Tuy nhiên, bạn nên chọn những loại trang phục để bạn ít bị người bản địa chú ý hơn. Hãy tránh những loại quần áo bó sát, quần short, và váy quá ngắn bởi vì chúng có thể không được chấp nhận ở một số nơi.
Chống nắng
Tất cả mọi loại vải đều có thể ngăn chặn tia UV ở một mức độ nào đó, tuy nhiên chỉ có những loại quần áo có chỉ số UPF mới có khả năng chống lại được cả tia UVA và UVB. Hãy chọn những loại quần áo có chỉ số UPF từ 15 cho đến 50+ (UPF 50+ là tốt nhất, ngăn được 98% lượng tia UV). Bạn có thể yên tâm là lớp bảo vệ này không bao giờ bị rửa trôi.
Chống côn trùng
Côn trùng luôn là những nỗi phiền toái mà chúng ta cần phải quan tâm khi chọn quần áo để đi du lịch, chưa kể đến những bệnh do chúng gây ra như virus West Nile, bệnh Lyme, sốt xuất huyết, sốt rét, viên não, v.v. Một số dòng quần áo như dòng quần áo Insect Shield của hãng ExOfficlo® được phủ một lớp permethrin (một loại thuốc trừ sâu dành riêng cho vải) để chống lại côn trùng. Loại thuốc này đã được sử dụng từ nhiều thập kỷ qua và được công nhận bởi Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) là không độc hại cho con người. Nếu quần áo không có sẵn lớp phủ này, bạn có thể mua thuốc dạng xịt để xịt lên quần áo của bạn để chống ve, muỗi, và các loại côn trùng khác.
Túi trên quần áo
Đặc biệt hữu ích khi bạn chỉ mang theo một vài chiếc áo sơ mi và quần dài.
- Túi trên áo sơ mi: lý tưởng để làm nơi giữ các loại vé, thẻ, kính râm, và các vật nhỏ.
- Túi trên quần dài và váy: một số loại quần dài và váy có các túi ẩn để đựng hộ chiếu và tiền mặt. Điều này chắc chắn thoải mái hơn việc phải đeo một chiếc thắt lưng cất tiền (money belt) hay một chiếc túi đeo hông.
- Túi trên quần áo có thể đóng lại: an toàn hơn so với những loại túi có miệng hở.
2. So sánh các chất liệu vải
Với bầt kỳ loại quần áo nào, chất liệu vải phải có tính thoáng khí, hút ẩm tốt, và nhanh khô. Vải cotton thường được sử dụng cho quần áo thường ngày hơn là các loại trang phục du lịch. Thay vào đó, những loại vải dưới đây mới là những lựa chọn phổ biến hơn:
Vải nylon và polyester
Hầu hết những loại vải tốt nhất đều sử dụng một trong hai loại vải này (ví dụ như vải CoolMax® polyester và vải Cordura® nylon).
- Ưu điểm: nhẹ, thoáng khí, hút ẩm tốt, nhanh khô, ít bị nhăn hay bị nếp gấp.
- Nhược điểm: không thoải mái bằng vải cotton.
Vải nhân tạo Tencel® và polynosic rayons
Hãng vải Tencel® là một thương hiệu gắn liền với vải lyocell (một loại vải thuộc dòng vải nhân tạo rayon được làm từ bột gỗ). Vải nhân tạo của hãng Tencel® cũng như vải nhân tạo polynosic rayon đều có độ rủ và mức độ thoải mái tương tự nhau, đều có thể được giặt và làm khô bằng máy. Lưu ý là vải viscose rayon chỉ được giặt khô, do đó với bất kỳ loại vải nào bạn cũng nên kiểm tra các ký hiệu giặt giũ để bảo quản và giữ gìn cẩn thận.
- Ưu điểm: mềm mịn như vải lụa, nhanh khô, không bị nhăn; vải nhân tạo của hãng Tencel® còn được sản xuất bằng công nghệ và quy trình thân thiện với môi trường.
- Nhược điểm: mức độ hút ẩm kém hơn vải nylon và polyester.
Vải lụa
Loại vải mềm mại và sang trọng này được mệnh danh là “nữ hoàng” của ngành dệt may và thường được sử dụng để làm đồ lót.
- Ưu điểm: nhẹ, thoáng khí, bền, thích hợp cho thời tiết ấm áp.
- Nhược điểm: kém bền hơn những chất liệu vải khác.
Vải cotton
Cực kỳ thông dụng trong các loại quần áo thường ngày.
- Ưu điểm: mềm mại, bền, thoáng khí, đa dụng, dễ bảo quản.
- Nhược điểm: mức độ nhanh khô và hút ẩm kém hơn vải nylon và polyester.
Vải cotton poly (vải pha giữa cotton với polyester)
Thường được sử dụng để làm quần áo thường ngày giúp kết hợp đặc điểm của vải cotton (thấm mồ hôi, thoáng mát, bền) và polyester (chống nhăn, chống nấm mốc, bụi bẩn).
- Ưu điểm: thông thoáng và mềm mại.
- Nhược điểm: mức độ nhanh khô và hút ẩm kém hơn vải 100% nylon hoặc polyester.
Vải ghép (plated fabric)
Được gọi là vải “ghép” vì quần áo làm từ loại vải này có lớp vải bên ngoài và bên trong được làm từ hai loại vải khác nhau (ví du như lớp bên ngoài được làm bằng vải cotton còn lớp bên trong lại được làm bằng vải polyester). Cách thiết kế này giúp cho quần áo có được các thuộc tính tối ưu nhất của cả hai loại vải.
3. Những trang phục du lịch nên lựa chọn
Dưới đây là những trang phục mà bạn nên mang theo khi đi du lịch (bất kể là hình thức du lịch nào).
Áo khoác du lịch (travel-friendly jacket)
Trong thời tiết ẩm ướt, một chiếc áo khoác đi mưa chống nước và thoáng khí sẽ là lựa chọn tốt nhất, thoải mái nhất, và chống mưa tốt nhất dành cho bạn. Lựa chọn thứ hai của bạn sẽ là những chiếc áo khoác đi mưa chỉ có khả năng kháng nước đơn thuần và thoáng khí với giá thành rẻ hơn.
- Áo khoác đi mưa chống nước và thoáng khí: áo khoác thuộc hãng Gore-Tex®, eVent®, hay REI Element® là những lựa chọn hàng đầu trong thị trường này. Mặc dù loại áo khoác này có thể sử dụng linh hoạt trong nhiều loại hình thời tiết và hoạt động khác nhau, tuy nhiên giá thành của chúng cao hơn nhiều so với những loại áo khoác đi mưa khác. Một số loại áo khoác sử dụng lớp phủ ngoài áo để chống nước và thống khí thì có giá thành phải chăng hơn một chút (ví dụ như dòng áo khoác PreCip của hãng Marmot®).
- Áo khoác đi mưa kháng nước và thoáng khí: có khả năng cản mưa (ở mức nhẹ) và gió đồng thời cung cấp khả năng thoáng khí ở mức độ cao giúp bạn thoải mái khi vận động, khô mồ hôi nhanh chóng. Loại áo khoác này ít cồng kềnh và có giá thành rẻ hơn so với những loại khác. Tuy nhiên, nếu khu vực bạn di chuyển được dự báo là sẽ có mưa lớn hoặc kéo dài thì bạn nên xem xét lại việc mua những loại áo khoác kháng nước này.
Quần dài/Quần short/Váy/Đầm
Quần short, váy, và đầm là những lựa chọn không thể thiếu khi bạn du lịch những nơi có khí hậu ấm áp hoặc những vùng nhiệt đới. Tuy nhiên, đừng quên đem theo ít nhất một chiếc quần dài cho bản thân để chống nắng, côn trùng, mưa cũng như để mặc ở những nơi không cho phép mặc quần short, váy, hoặc đầm vì lý do văn hóa (như chùa, đền, hoặc các nước đạo Hồi, v.v.).
Để tiện dụng cũng như tối giản trọng lượng hành lý hơn, bạn cũng có thể tìm mua những chiếc quần tháo ông (convertible pant). Đó là một loại quần đặc biệt được thiết kế để phần chân ông có thể tháo ra và biến một chiếc quần dài trở thành một chiếc quần short.
Áo sơ mi
Luôn mang theo một chiếc áo sơ mi dài tay cho dù bạn sắp đến một nơi có khí hậu ấm áp. Khi kết hợp nó với một chiếc quần dài thì bạn sẽ được bảo vệ gần như hoàn toàn khỏi ánh nắng mặt trời, côn trùng, và mưa.
- Áo sơ mi thun (knit shirt) co giãn tốt, thoải mái, có nhiều kiểu dáng và mẫu mã, phù hợp với nhiều phong cách, thường có cúc áo ở trước và các lỗ nhỏ để thông thoáng giúp bạn cảm thấy mát và dễ chịu khi mặc.
- Hãy tìm những loại áo sơ mi làm bằng vải tổng hợp hoặc vải len merino. Áo sơ mi cotton chỉ nên được dùng cho các hoạt động thường ngày hoặc sử dụng trong thởi tiết ấm và khô.
- Bạn cũng nên mang theo vài chiếc áo tập thể dục khi đi du lịch (nhất là khi bạn sẽ đến một nơi có khí hậu ấm áp vì chúng có khả năng hút ẩm và nhanh khô.
Áo thun nỉ và áo len
- Áo thun nỉ và áo khoác ba lỗ (fleece vest) giúp giữ nhiệt tốt và khô nhanh. Tuy nhiên, nhược điểm của chúng đó là kích thước lớn và khó đóng gói nhỏ gọn vào hành lý hơn.
- Áo len giữ ấm cho cơ thể của bạn ngay cả khi nó bị ướt và nó không giữ lại mùi cơ thể như vải tổng hợp. Tuy nhiên, cũng giống như vải thun nỉ, áo len khá cồng kềnh vì có kích thước lớn.
Mũ/Nón
Luôn luôn mang theo ít nhất từ một đến hai chiếc mũ hoặc nón để giữ ấm cho đầu cũng như che nắng và mưa (hãy chọn những loại có thể sử dụng linh hoạt cho nhiều mục đích và trong nhiều điện kiện thời tiết).
- Mũ/Nón đi mưa: vành rộng, chống nước, thoáng khí, và thường đi kèm với dây đeo ở cằm. Vì có vành rộng nên nó cũng có thể sử dụng thay cho một chiếc nón chống nắng.
- Mũ/Nón chống nắng: thường làm bằng vải cotton hoặc nylon và có các lỗ nhỏ hoặc phần lưới trên nón để giúp cho nón được thông thoáng và đầu không bị bí. Nhiều loại còn có thêm lớp vải ở phía sau của nón giúp che cổ và tai.
- Mũ/Nón thường ngày: gồm có mũ lưỡi trai và nón phớt. Loại này thường có vành rộng để bảo vệ mặt bạn khỏi nắng và mưa.
Đồ lót và vớ
Khi chọn đồ lót và vớ, hãy nhớ là vải tổng hợp dễ bảo quản và giữ gìn hơn vải cotton, vải len merino tạo cảm giác thoải mái và thông thoáng hơn. Ngoài ra, đối với vớ thì vải len và vải tổng hợp có thể giúp ngăn ngừa các vết phồng rộp vì chúng giữ cho chân khô hơn so với vải cotton.
4. Mẹo đóng gói quần áo
- Sắp xếp hợp lý: sử dụng những set túi du lịch nhẹ và mềm với nhiều kích thước khác nhau để giữ cho vớ, đồ lót, quần áo, và đồ dùng vệ sinh cá nhân tách biệt với nhau để tránh nhầm lẫn và giúp hành lý được gọn gang hơn.
- Gọn gàng: để đóng gói gọn gàng hơn thì hãy xếp và đặt quần áo chồng lên nhau rồi chọn một trong những chiếc túi của set túi du lịch có kích thước phù hợp và vừa vặn với chồng quần áo. Như vậy quần áo vừa không bị xộc xệch khi di chuyển (khiến quần áo bị nhăn) mà hành trang của bạn sẽ gọn gàng hơn rất nhiều.
- Tránh bị nhăn: một cách khác để bạn có thể tránh việc tạo nếp nhăn trên quần dài và đầm đó chính là gấp chúng lại ở phần đầu gối. Đầu tiên, hãy đặt nửa trên của quần và đầm vào bên trong hành lý của bạn và để nửa dưới còn lại ở bên ngoài. Sau đó, bắt đầu xếp các quần áo khác vào và đặt chồng chúng lên nhau cho đến khi hết hoặc đầy hành lý. Cuối cùng, bạn chỉ việc gập phần dưới của quần và đầm ở phần đầu gối vào lại bên trong hành lý là được (đặt chồng lên các quần áo khác).
- Mùi thơm: đặt một chiếc túi thơm có chứa hoa oải hương hoặc cánh hoa khô vào giữa một vài lớp quần áo khi đóng gói đồ. Việc này giúp giữ cho quần áo có mùi thơm và sạch sẽ trong toàn bộ chuyến đi.
Chúc bạn có một chuyến đi vui vẻ!
Nguồn: REI