Là một trong những “người bạn đồng hành” không thể thiếu của đại đa số các phượt thủ. Vậy làm thế nào để lựa chọn và sử dụng gậy trekking và hiking đúng cách? Hãy cùng Travelgear tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Ngày nay, những hoạt động ngoài trời như đi phượt, hiking, trekking, leo núi, trượt tuyết, v.v. ngày càng được nhiều người hưởng ứng và tham gia. Cùng với điều đó, các dụng cụ dã ngoại cũng trở nên được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi hơn trước đây rất nhiều.

Một trong số chúng chính là những chiếc gậy trekking và hiking – một trong những “người bạn đồng hành” không thể thiếu của đại đa số các phượt thủ trong chúng ta. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ tính đến những lúc bạn đang di chuyển trên những con đường cách xa khu đô thị thôi mà đã có xác xuất khá cao là bạn sẽ bắt gặp những phượt thủ cùng những chiếc gây trekking và hiking trên tay hoặc trên hành lý của họ rồi.

Vậy lý do tại sao món đồ này lại được ưa dùng đến vậy? Đó chính là vì chúng cung cấp khả năng bổ trợ và tăng cường sự ổn định cũng như độ bám để bạn có thể di chuyển và giữ thăng bằng tốt hơn trên mọi loại địa hình.

Vậy làm cách nào để chúng ta có thể tận dụng tối đa khả năng của gậy trekking và hiking? Rất đơn giản thôi! Bạn có thể tham khảo các mục sau đây của bài viết để lựa chọn và sử dụng chúng hiệu quả nhé:

Loại gậy (gậy đơn hay gậy đôi): việc trước tiên bạn cần làm đó chính là quyết định xem bản thân sẽ sử dụng một chiếc gậy hiking (gậy đơn) hay một cặp gậy trekking (gậy đôi).

Chiều cao gậy: chiếc gậy bạn chọn cần phải chạm đất ngay khi phần khuỷu tay của tay cầm gậy gập được một góc vuông 90 độ và nằm song song với mặt đất.

Đặc tính gậy: có thể căn chỉnh, có thể gấp gọn, chống xóc, siêu nhẹ, đế gắn máy ảnh, cơ chế khóa (đối với những chiếc gậy có thể căn chỉnh), chất liệu cán và tay cầm, v.v.

Mẹo hữu ích khi sử dụng gậy: gồm một số mẹo hữu ích và những lưu ý nhỏ khi sử dụng gậy trekking và hiking.

1. Các loại gậy 

Gậy trekking

Thường được bán và sử dụng theo cặp, giúp tăng cường sự ổn định cũng như độ bám để bạn giữ thăng bằng tốt hơn, giảm áp lực lên phần đầu gối của bạn khi di chuyển. Phần lớn những chiếc gậy trekking này đều có thể căn chỉnh chiều cao, một số chiếc còn được thiết kế đi kèm với phần lò xo bên trong để hấp thu lực và chống xóc.

Gậy hiking

Ngược lại với gậy trekking, đây là những chiếc gậy đơn và thường được sử dụng hiệu quả nhất khi bạn không phải mang theo hành lý (hoặc có nhưng nhẹ) và di chuyển trên những loại địa hình có bề mặt tương đối bằng phẳng. Những chiếc gậy hiking này thường được thiết kế để bạn có thể dễ dàng căn chỉnh chiều cao của chúng, một số chiếc còn được các nhà sản xuất tích hợp thêm các bộ phận chống xóc hoặc một phần đế được gắn ở phần tay cầm để bạn có thể gắn máy ảnh như một chiếc chân máy ảnh thực thụ.

2. Chiều cao gậy  Trekking và Hiking

Sau khi bạn đã có trong đầu quyết định về loại gậy bạn sẽ sử dụng cho chuyến đi của mình, việc tiếp theo bạn cần làm đó là tìm ra một chiếc gậy có chiều cao phù hợp với bạn. Tin tốt cho bạn đó là việc này thực chất không quá phức tạp hay tốn thời gian như những đồ dùng dã ngoại khác như lều hay giày dép.

Điều bạn phải làm đơn giản chỉ là lựa ra một chiếc gậy bạn cảm thấy ưng ý rồi đặt đầu gậy chạm xuống đất ở vị trí gần bàn chân của bạn. Khi giữ nguyên tư thế này, nếu phần khuỷu tay của tay cầm gậy tạo ra một góc vuông 90 độ và nằm song song với mặt đất thì đó chính là chiếc gậy mà bạn đang tìm hay nói chính xác hơn thì đó chính là mốc chiều cao gậy mà bạn đang cần xác định. Để đơn giản hơn, khi lựa chọn gậy thì bạn chỉ cần nhớ cụm từ “khuỷu tay 90 độ” là đủ.

Mặc dù phần lớn những chiếc gậy trekking và hiking đều có thể căn chỉnh chiều cao để đảm bảo nguyên tắc “khuỷu tay 90 độ” đã nêu ở trên, tuy nhiên vẫn có một số chiếc chỉ được thiết kế với một hoặc nhiều mốc chiều cao cố định tùy theo nhà sản xuất. Do đó, bạn có thể tham khảo hướng dẫn dưới đây để lựa ra được cho mình chiếc gậy phù hợp với khổ người của bản thân bạn:

Đối với những chiếc gậy có thể căn chỉnh chiều cao:

Nếu bạn cao hơn hoặc bằng 1.8 m: hãy chọn những chiếc gậy có chiều cao tối thiểu từ 1.27 m.

Nếu bạn hấp hơn 1.8 m: hãy rút ngắn gậy cho đến khi nó phù hợp với chiều cao của bạn.

Đối với những chiếc gậy không thể căn chỉnh chiều cao:

Sử dụng bảng bên dưới hoặc các bảng chiều cao gậy do những nhà sản xuất cung cấp dành riêng cho những chiếc gậy nhất định.

Chiều cao người sử dụng Chiều cao gậy khuyên dùng
Thấp hơn 1.55 m 100 cm
Từ 1.55 m đến thấp hơn 1.7 m 110 cm
Từ 1.7 m đến thấp hơn 1.8 m 120 cm
Cao hơn 1.8 m 130 cm

Căn chỉnh chiều cao gậy

Nếu bạn đang sở hữu hoặc đang có ý định sắm một chiếc gậy có thể căn chỉnh chiều cao thì bạn cần nên biết phải căn chỉnh chiều cao gậy như thế nào để nó phù hợp với mỗi trường hợp nhất định. Mục đích của việc này chính là giúp cho bạn tránh được những tình huống khiến phần cánh tay, vai, lưng, và cổ của bạn cảm thấy khó chịu, mỏi, đau nhức, và nặng hơn là bị chấn thương.

Đối với những đoạn di chuyển bình thường

Hãy căn chỉnh chiều cao gậy dựa theo nguyên tắc “khuỷu tay 90 độ”. Đây là mốc chiều cao gậy phù hợp cho phần lớn quá trình di chuyển trong chuyến đi của bạn. Nếu chiếc gậy của bạn gồm có 3 khúc thì bạn hãy căn chỉnh chiều cao của khúc trên cùng của gậy (khúc ở gần phần tay cầm) nằm ở mốc giữa rồi căn chỉnh lại chiều cao của khúc dưới cùng của gậy cho đến khi chiếc gậy có chiều cao phù hợp với bạn. Trong quá trình di chuyển, nếu bạn cần căn chỉnh lại chiều cao gậy thì bạn chỉ cần căn chỉnh lại chiều cao của khúc trên cùng của gậy là đủ.

Đối với những đoạn lên dốc dài

Hãy rút ngắn gậy lại khoảng từ 5 đến 10 cm (so với mốc chiều cao gậy cho những đoạn di chuyển bình thường) để gia tăng tác dụng của đòn bẩy cũng như bạn có thể chống gậy trong tư thế an toàn và hiệu quả hơn. Nguyên tắc trong trường hợp này đó là độ dốc càng cao thì bạn càng phải rút ngắn chiếc gậy của bạn lại. Bạn phải căn chỉnh chiều cao gậy sao cho chiếc gậy của bạn có thể bổ trợ bạn trong động tác leo dốc mà không khiến phần vai của bạn bị khó chịu, mỏi, đau nhức, hay chấn thương do chịu quá nhiều áp lực từ việc bị đấy lên quá cao, do tư thế không tự nhiên, hoặc do ma sát mạnh với phần dây quai đeo của ba lô.

Đối với những đoạn xuống dốc dài

Hãy kéo dài gậy thêm khoảng từ 5 đến 10 cm (so với mốc chiều cao gậy cho những đoạn di chuyển bình thường) để chiếc gậy có thể giữ cơ thể của bạn đứng thẳng hơn và thăng bằng tốt hơn.

3. Đặc tính gậy Trekking và Hiking

Tùy thuộc vào đặc điểm của chuyến đi cũng như mục đích sử dụng của bạn, bạn có thể cân nhắc một số đặc tính của gậy trekking và hiking sau đây:

Có thể căn chỉnh: phần lớn những chiếc gậy trekking và hiking đều có thể căn chỉnh lại chiều cao (từ 61 đến 140 cm) để tăng cường sự ổn định cũng như độ bám để bạn giữ thăng bằng tốt hơn trên nhiều loại địa hình khác nhau.

Không thể căn chỉnh: ngược lại với những chiếc gậy có thể căn chỉnh chiều cao, những chiếc gậy này vốn được thiết kế và sản xuất với một hoặc nhiều mốc chiều cao cố định tùy theo nhà sản xuất. Mặc dù vậy, có thể nói đặc tính này vừa là nhược điểm cũng vừa là ưu điểm của chúng vì nó giúp cho những chiếc gậy này có trọng lượng nhẹ hơn những chiếc gậy có thể căn chỉnh chiều cao. Đó là vì chúng hoạt động với ít bộ phận hơn (ví dụ như không có bộ phận khóa). Vì vậy, những chiếc gậy này rất thích hợp để sử dụng nếu bạn chú trọng đến việc giảm thiểu tối đa trọng lượng hành lý hoặc nếu bạn biết rõ mình chỉ cần một mốc chiều cao gậy trong suốt hành trình chuyến đi.

Có thể gấp gọn: không có khả năng thu gọn lại vào bên trong giống như những chiếc gậy thông thường, những chiếc gậy đặc biệt và cực kỳ phổ biến này được thiết kế để có thể gập lại thành từng khúc như khi bạn gấp xương lều. Điều này giúp chúng trở nên rất nhẹ, dễ sử dụng, tiện lợi, và đây cũng là lý do vì sao chúng trở thành những chiếc gậy dễ đóng gói và thường được lựa chọn nhất.

Gậy chống xóc: những chiếc gậy này được các nhà sản xuất tích hợp thêm các bộ phận chống xóc bên trong thân gậy như lò xo để hấp thu lực khi bạn đang đi xuống dốc. Đối với phần lớn những chiếc gậy này, bạn có thể khóa đặc tính này lại khi không cần thiết (ví dụ như khi bạn đang đi lên dốc). Những chiếc gậy này thường được khuyên dùng cho những người có phần hông, đầu gối, hoặc mắt cá chân không ổn định, yếu, thăng bằn kém, hoặc đã gặp phải bất kỳ chấn thương nào trước đó.

Gậy tiêu chuẩn: mặc dù những chiếc gậy này không có khả năng chống xóc cũng như kém hấp thu lực khi bạn đang đi xuống dốc, tuy nhiên chúng lại có trọng lượng nhẹ hơn và giá thành rẻ hơn mà vẫn cung cấp khả năng thăng bằng và bổ trợ tương đương với những chiếc gậy chống xóc.

Siêu nhẹ: là những chiếc gậy có trọng lượng ít hơn 0.5 kg. Với những chiếc gậy trekking và hiking siêu nhẹ này, bạn có thể di chuyển nhanh hơn, dễ dàng hơn, và ít mỏi hơn khi mang theo cũng như sử dụng chúng vì phần vai của bạn sẽ chịu sức nặng ít hơn cũng như tay của bạn sẽ tốn ít sức hơn khi vung gậy.

Đế gắn máy ảnh: một số gậy trekking và hiking được các nhà sản xuất tích hợp thêm một phần đế được gắn ở phần tay cầm để bạn có thể gắn máy ảnh như một chiếc chân máy ảnh thực thụ.

4. Cơ chế khóa của gậy Trekking và Hiking

cho dù là loại gậy nào và có hay không có bất kỳ đặc tính nào đi chăng nữa thì mọi chiếc gậy trekking và hiking đều sử dụng một trong 4 cơ chế khóa sau đây để giữ chiều cao gậy nằm cố định ở mốc bạn mong muốn mà không bị trượt hay xê dịch khi sử dụng. Đối với những chiếc gậy không thể căn chỉnh chiều cao, cơ chế khóa của chúng chỉ cho phép bạn có thể kéo dài chiều cao gậy đến mốc tối đa của nó và rút ngắn lại như ban đầu sau khi sử dụng. Trong khi đó, cơ chế khóa của những chiếc gậy có thể căn chỉnh chiều cao có thiết kế đặc biệt hơn với 2 hoặc 3 khúc có thể lồng vào nhau. Từ đó, bạn có thể tùy căn chỉnh chiều cao gậy bằng các khúc này theo chiều cao của bạn và đặc điểm địa hình của nơi bạn đến (thường dao động từ 60 đến 140 cm tùy gậy).

Cơ chế khóa đòn bẩy ngoài (external lever lock): có dạng đòn bẩy kẹp giúp thao tác đóng và nhả khóa nhanh gọn và dễ dàng ngay cả khi bạn đang mang găng tay.

Cơ chế khóa bấm (push-button lock): được thiết kế để giúp gậy khớp vào và khóa lại ngay lập tức sau khi kéo dài ra đến một vị trí nhất định. Trên thân gậy thường có tích hợp một nút bấm có tác dụng nhả khóa để rút ngắn gậy lại.

Cơ chế khóa vặn (twist lock): cơ chế khóa này rất chắc chắn và bền. Những chiếc gậy có cơ chế khóa này thường có tích hợp trên thân gậy các bộ phận để nắm và vặn theo hai hướng khác nhau (một hướng để khóa và một hướng để nhả khóa).

Cơ chế khóa kết hợp (combination lock): một số gậy trekking và hiking sử dụng kết hợp nhiều cơ chế khóa lại với nhau để cân bằng 3 yếu tố gồm độ bền, trọng lượng, và mức độ dễ sử dụng. Ví dụ điển hình là một chiếc gậy vừa sử dụng cơ chế khóa đòn bẩy ngoài ở khúc trên cùng của gậy và vừa sử dụng cơ chế khóa vặn ở khúc giữa hoặc dưới của gậy.

5. Chất liệu cán gậy Trekking và Hiking

Chìa khóa quyết định tổng trọng lượng của một chiếc gậy trekking hoặc hiking.

Nhôm: bền, giá thành vừa phải, và có trọng lượng thường dao động từ 500 đến 625 g mỗi cặp. Trên thực tế, giá thành và trọng lượng có thể thay đổi một chút dựa trên độ dày của cán gậy (dao động từ 12 đến 16 mm). Khi bị áp lực lớn, mặc dù nhôm có thể bị uốn cong nhưng vẫn rất khó bị gãy.

Vật liệu tổng hợp (composite): được làm hoàn toàn hoặc một phần từ các-bon, có trọng lượng nhẹ hơn (dao động trung bình từ 370 đến 500 g một cặp), và có khả năng giảm chấn động tốt. Tuy nhiên, so với nhôm thì đây là một lựa chọn tốn kém hơn và dễ bị nứt gãy hơn khi bị áp lực lớn.

Chất liệu tay cầm gậy: một số gậy trekking và hiking được các nhà sản xuất tích hợp thêm phần tay cầm nghiêng một góc 15 độ so với phần cán gậy để giữ cho phần cổ tay của bạn được giữ ở tư thế tự nhiên và thoải mái hơn khi cầm gậy. Ngoài ra, một số chiếc gậy khác có phần tay cầm được thiết kế giống như phần tay cầm của những chiếc gậy gậy chống thường được sử dụng cho mục đích y tế. Thiết kế này giúp cung cấp khả năng bổ trợ tốt hơn cho việc đi bộ thường ngày hay những chuyến đi hiking nhẹ nhàng.

Gỗ cây sồi bần (cork): phù hợp và thoải mái nhất với hình dạng bàn tay, có khả năng chống ẩm từ mồ hôi tay, và giảm chấn động.

Mút xốp (foam): mềm mại nhất và có khả năng hút ẩm từ mồ hôi tay.

Cao su: lý tưởng nhất cho thời tiết lành, có khả năng giữ ấm cho tay, chống xóc, và giảm chấn động; tuy nhiên, không phù hợp để sử dụng trong thời tiết ấm và nóng do cao su dễ làm trầy da và phồng rộp bàn tay nếu tay ra nhiều mồ hôi.

Thiết kế theo giới tính hoặc độ tuổi người sử dụng: mặc dù có một số gậy trekking và hiking được các nhà sản xuất quảng bá là được thiết kế dành riêng cho một nhóm khách hàng nhất định (như nam, nữ, trẻ em, người già, v.v.), tuy nhiên phần lớn chúng đều được thiết kế để mọi người đều có thể sử dụng chung (unisex). Sự khác biệt cơ bản của những chiếc gậy này đều chủ yếu nằm ở chiều cao, trọng lượng, tay cầm, và màu sắc. Vì vậy, bạn có thể mua bất kỳ chiếc gậy nào với bất kỳ đặc tính nào nếu bạn cảm thấy nó phù hợp với bạn nhất.

6. Một số đặc tính quan trọng khác

Dây đeo cổ tay: có khá nhiều gậy trekking và hiking được các nhà sản xuất tích hợp thêm một phần dây đeo cổ tay ở phần tay cầm gậy. Mặc dù nó rất hữu ích trong việc bổ trợ cho phần cổ tay của bạn, tuy nhiên không phải ai cũng biết cách sử dụng nó đúng cách. Để phát huy hết hiệu quả của nó, hãy luồn tay từ dưới lên trên và xuyên qua phần dây đeo rồi kéo dây xuống nắm lấy phần tay cầm gậy. Bạn có thể căn chỉnh lại chiều dài của dây đeo để nó phù hơn với vị trí tay cầm cũng như tư thế tay khi cầm giúp bạn có thể rút tay ra hoặc đưa tay về lại vị trí cũ một cách dễ dàng khi cần thiết. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý rằng một số dây đeo được thiết kế dành riêng cho tai phải hoặc tay trái và có thể được tích hợp chung với một miếng đệm mút hoặc miếng lót để tránh trầy xước phần cổ tay do ma sát.

Đầu bịt gậy (basket): một số gậy trekking và hiking được các nhà sản xuất bán kèm với những chiếc đầu bịt gậy nhỏ hoặc lớn, có thể tháo rời, và thường được lắp ở đầu gậy để sử dụng khi đi qua những vùng có tuyết hoặc bùn lầy (nếu chúng không đi kèm khi bạn mua gậy thì bạn có thể mua lẻ chúng ở các đại lý bán dụng cụ dã ngoại).

Đầu gậy: thường được làm từ hợp chất cacbua hoặc thép để gậy có khả năng bám đường tốt nhất, ngay cả khi bạn đang di chuyển trên băng. Bạn có thể bọc đầu gậy bằng những loại bao bọc đầu gậy làm từ cao su để kéo dài tuổi thọ của đầu gậy, giảm rủi ro gây trầy xước hoặc hư hỏng của các dụng cụ khác khi để gậy trong túi, và giảm lực tác động của gậy lên bề mặt địa hình của một số nơi nhất định.

7. Mẹo hữu ích khi sử dụng gậy trekking và hiking

Chống gậy đều với nhịp chân: rất nhiều người không quen với việc chống gâỵ theo đúng nhịp của hai chân (ví dụ như chân phải – gậy trái, chân trái – gậy phải, v.v.) và thường dễ mất nhịp. Nếu bạn gặp phải tình huống này, hãy cứ tiếp tục bước đi như bình thường nhưng hãy nâng gậy lên khỏi mặt đất trong một lúc để bạn có thể lấy lại nhịp chân trước rồi mới bắt đầu chống gậy lại để nhịp chống đều với nhịp bước. Chỉ cần bạn sử dụng gậy nhiều lần thì bạn sẽ dần quen với việc này và hình thành phản xạ mà không cần phải quá bận tâm đến vấn đề này nữa.

Chống gậy song song: thỉnh thoảng bạn có thể muốn chống cả hai chiếc gậy song song xuống đất cùng một lúc rồi bước tiếp và lặp lại động tác này. Điều này có thể rất có ích cho bạn khi bạn đang phải đi lên hoặc xuống dốc vì bạn sẽ giữ thăng bằng tốt hơn với 2 chiếc gậy.

Đi một cách tự nhiên: kể cả khi đang sử dụng gậy thì bạn vẫn nên bước đi và vung tay một cách tự nhiên và bình thường như khi bạn không sử dụng gậy. Mặc dù mũi gậy có thể hơi hướng về phía sau một chút, nhưng điều này sẽ giúp bạn có tư thế để chống gậy xuống đất và đẩy người về phía trước.

Vượt qua các chướng ngại vật: những chiếc gậy trekking và hiking rất hữu dụng khi bạn cần phải băng qua các địa hình khó khăn hoặc những chướng ngại vật xuất hiện trên chuyến đi.

Sông và suối: chiếc gậy của bạn sẽ giúp bạn ổn định và giữ thăng bằng tốt hơn khi bạn phải lội qua nước. Mỗi lần chống gậy xuống, hãy đảm bảo rằng đầu gậy của bạn đã cắm xuống thật chắc chắn trước khi bước tiếp.

Đá tảng: đầu tiên, hãy cắm cả hai đầu gậy xuống đất rồi sau đó cứ mỗi khi bạn thực hiện động tác bước chân này nhấc chân kia để đi lên đá thì bạn hãy chống mạnh gậy xuống đất để tạo lực đẩy người lên trên.

Khúc gỗ lớn: để bước qua một khúc gỗ thì bạn chỉ cần chống gậy xuống đất để giữ thăng bằng khi bước. Nếu bạn phải vượt qua sông bằng việc đi qua khúc gỗ này, bạn có thể cải thiện khả năng thăng bằng của mình bằng cách đưa gậy ra hai bên.

Sử dụng kết hợp gậy với lều: một số loại lều và tấm bạt cần phải được dựng và gia cố với những chiếc gậy trekking và hiking để quá trình này được dễ dàng và chắc chắn hơn. Nếu bạn đang sở hữu một trong những loại lều và tấm bạt này, hãy đảm bảo chắc chắn rằng những chiếc gậy của bạn phù hợp để làm việc này. Về cơ bản, những chiếc gậy có thể căn chỉnh chiều cao là lựa chọn lý tưởng nhất vì bạn có thể căn chỉnh chiều cao của chúng.

Xem thêm >> List những vật dụng cần thiết cho chuyến hiking trong ngày