Đạp xe cùng gia đình là một cách tuyệt vời để gắn kết gia đình và giúp cho chuyến dã ngoại vui vẻ hơn. Bài viết này sẽ chia sẻ những kinh nghiệm dã ngoại bằng xe đạp cùng gia đình, đặc biệt là sau khi con bạn đã học được cách đi xe đạp.
Mục tiêu chính của chuyến đi là giúp mọi người vui vẻ hơn. Khi bắt đầu, hãy giữ mục tiêu này trong tâm trí. Mục tiêu không phải là khoảng cách, tốc độ, sức bền hay kỹ thuật hoàn hảo. Mục tiêu chỉ là sự thú vị, ngay cả khi bạn phải dừng lại thường xuyên và ăn đồ ăn nhẹ, để chúng háo hức tham gia vào lần tiếp theo.
Vì vậy, các yếu tố chính để làm cho chuyến đi dã ngoại bằng xe đạp vui vẻ và giúp con bạn phát triển một thái độ tích cực đối với môn thể thao này là gì? Đối với nhiều đứa trẻ lớn hơn, chỉ cần đi xe đạp đã đủ khiến trẻ vui. Đối với trẻ nhỏ mới bắt đầu, chúng cần được chuẩn bị kĩ lưỡng trước chuyến đi.
Chuẩn bị cho chuyến đi
Chọn những địa hình phù hợp cho người mới bắt đầu: ví dụ như một con đường trải nhựa bằng phẳng và cách những nơi đông đúc một vài dặm. Về lâu dài, bạn có thể nâng độ khó của con đường lên, tăng quãng đường di chuyển, độ cao, độ dốc, mức độ giao thông, hay khám phá những con đường mòn.
Hãy bắt đầu ngày mới thật sảng khoáng: ngủ ngon vào đêm trước chuyến đi và ăn một bữa thật no nê và ngon miệng cách khoảng một giờ trước khi đi.
Mũ bảo hiểm vừa vặn: trong bất kỳ chuyến đi bằng xe đạp nào thì mũ bảo hiểm luôn là thứ không thế thiếu. Mũ nên vừa khít và không bị lệch hay lắc lư khi di chuyển, nằm ngang và thấp ở trên trán, cách từ 2 đến 4 cm so với lông mày. Dây đeo mũ phải tạo thành hình chữ V dưới mỗi bên tai và dây đeo cằm cần phải vừa vặn mà vẫn dư ra một khoảng trống có thể nhét từ 1 đến 2 ngón tay giữa cằm và dây đeo cằm.
Chiều cao yên xe: trẻ thường muốn có một chiếc yên xe thấp để dễ ngồi và leo lên, nhưng bạn nên đảm bảo rằng chân của trẻ có thể đứng vững trên đất khi đặt cả 2 chân xuống đất mà vẫn đang ngồi trên yên xe. Điều này giúp trẻ có thể dễ dàng đạp xe cũng như giữ thằng bằng tốt hơn.
Quần áo: mặc quần áo thành các lớp khác nhau để có thể dễ dàng cởi bỏ chúng nếu cảm thấy quá nóng hoặc mặc thêm áo mưa nếu trời bắt đầu mưa. Ngoài ra, hãy để ống quần nằm bên trong tất để tránh bị mắc vào trong bánh răng xe đạp.
Một số đồ dùng khác: ngoài mũ bảo hiểm, đảm bảo mang theo kem chống nắng, nhiều nước uống và đồ ăn nhẹ. Ngoài ra, nếu nơi bạn di chuyển có nhiều loài côn trùng gây hại thì bạn cũng nên mang theo các sản phẩm chống côn trùng.
Kiểm tra xe đạp: đảm bảo lốp xe đã được bơm đầy, hệ thống phanh xe hoạt động tốt, và xích xe cũng đã được bôi dầu trơn.
Đồ dùng an toàn: mang theo một bộ dụng cụ sơ cứu để chăm sóc các vết thương nhỏ cũng như một bộ dụng cụ sửa chữa xe đạp để có thể thay lốp xe và sửa xích xe đạp khi nó bị trượt.
Lời khuyên trước khi đi
Hướng dẫn ngắn gọn và dễ hiểu: khi hướng dẫn một điều gì đó, hãy để cho trẻ thực hiện điều đó nhiều lần vì như vậy trẻ sẽ tiếp thu nhanh và tốt hơn nhiều so với việc chỉ biết lắng nghe. Ngoài ra, những điều hướng dẫn hay những lời chia sẻ kinh nghiệm cho trẻ phải đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, và đi thẳng vào vấn đề cần nói.
Ôn lại những kỹ năng cơ bản khi đi xe đạp: nếu trẻ có vẻ vẫn còn chưa thoải mái và tự tin khi đi xe đạp, hãy để trẻ ôn lại những thứ căn bản như cách phanh xe, cách sử dụng các cử chỉ giao tiếp bằng tay, hoặc cách vượt qua những người tham gia giao thông khác trên đường, v.v.
Sử dụng khả năng quan sát: hướng dẫn trẻ cách sử dụng mắt và tai để “nhìn, lắng nghe, phát hiện, dừng lại, và tránh” đối với các mỗi nguy hiểm tiềm ẩn như các phương tiện tham gia giao thông, ổ gà và ổ voi, động vật, v.v. Một cách để giúp trẻ trau dồi và phát huy khả năng quan sát đó là nhờ trẻ chỉ những điều thú vị trên đường đi như biển báo, cây cối, hoa cỏ, núi, động vật, v.v.
Thưởng thức một món ăn: ví dụ như mua một món ăn đặc biệt trên chuyến đi hoặc mang theo một món nào đó thường dành cho những dịp đặc biệt hoặc thường không ăn.
Để mắt đến những dấu hiệu của trẻ: hãy chú ý đến những dấu hiệu của trẻ cho dù là nhỏ nhất. Nếu trẻ có dấu hiệu bị tụt lại phía sau, thường xuyên phàn nàn hoặc nóng nảy thì đó có lẽ lúc trẻ đang cần được nghỉ ngơi và ăn uống để nạp lại năng lượng.
Luôn suy nghĩ lạc quan: giữ cho suy nghĩ của bản thân được vui vẻ và tích cực vì tinh thần của trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi tinh thần của bạn. Ngoài ra, hãy tặng cho trẻ những lời khen ngợi dành cho những nỗ lực và hành động tốt của trẻ.
Những nguyên tắc an toàn giao thông
Theo Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA), trẻ em dưới 10 tuổi nên đi xe đạp trên vỉa hè (nếu được) vì trẻ ở độ tuổi này chưa đủ khả năng đưa ra những quyết định cần thiết để có thể đi xe đạp trên đường phố một cách an toàn.
Nếu bạn cảm thấy trẻ đã sẵn sàng để đi xe đạp trên đường phố, dưới đây là một số lời khuyên mà bạn có thể làm theo để đảm bảo an toàn cho cả gia đình:
- Xe đạp là một loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ: một khi đã đạp xe trên đường phố thì cả người lớn lẫn trẻ em đều bắt buộc phải tuân thủ luật giao thông, đèn và các biển báo giao thông, và những tín hiệu giao thông khác.
- Đề cao cảnh giác khi tham gia giao thông: luôn luôn quan sát cả 2 chiều và đưa ra những cử chỉ bằng mắt và tay để giao tiếp với những người tham gia giao thông khác mỗi khi băng qua đường hay rẽ trái (hoặc rẽ phải). Ngoài ra, hãy chủ ý và đề phòng những chiếc xe đang đậu vì cửa xe có thể mở bất thình lình.
- Cố gắng trở nên “nổi bật” khi di chuyển trên đường: mặc những bộ quần áo có tông màu sáng (hoặc quần áo phản quang), đảm bảo xe đạp của các thành viên đều có đèn phản quan ở phía trước và phía sau, và có chuông (hoặc còi) để có thể đưa ra các tín hiệu giao thông khi cần thiết.
- Di chuyển theo phân luồng giao thông: đi theo đúng tuyến đường giao thông đã quy định dành cho xe đạp, theo đúng hướng đi chung quy định ở tuyến đường đó, và không dàn hàng ngang.
- Hướng dẫn và cho trẻ làm quen với các quy tắc tham gia giao thông: bao gồm những điều như cách đưa ra những cử chỉ giao tiếp bằng mắt và tay, cách qua đường, cách rẽ trái (hay rẽ phải), tuân theo đèn và biển báo giao thông, cách di chuyển để băng qua các giao lộ hoặc đường sắt một cách an toàn, văn hóa nhường đường, v.v.
Nguồn: REI
Xem thêm >> Kinh nghiệm du lịch, dã ngoại cùng với trẻ nhỏ