Vũng Tàu không chỉ nổi tiếng với biển xanh, cát trắng trải dài mà nơi đây còn có nhiều ngọn núi đẹp với các di tích tâm linh gắn bó với đời sống tinh thần của người dân. Núi Thị Vải là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch như thế. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với các bạn về kinh nghiệm leo núi và cắm trại núi Thị Vải Vũng Tàu chi tiết nhất.
Nội dung
Núi Thị Vải ở đâu?
Có nhiều bạn vẫn chưa biết núi Thị Vải ở đâu thì mình sẽ giới thiệu cho các bạn. Núi Thị Vải thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, thành phố Vũng Tàu.
Về cái tên Thị Vải chắc hẳn khiến nhiều người băn khoăn. Núi này còn có cái tên khác đó là núi Thị Vãi. Trong dân gian lưu truyền và ngay cả sử sách ghi lại, ở đây có một ni cô tên Lê Thị Nữ, thuộc gia đình giàu có. Sau này, cô tu ở am trên núi thành chính quả.
Nhờ vào sự tích núi Ông Trịnh và núi Thị Vải này mà mới biết rằng tên gọi của núi đã có trên 200 năm. Tham quan núi Thị Vải, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng những cảnh quan tuyệt vời của núi rừng mà còn cảm thấy thanh tịnh, an yên khi đặt chân đến mảnh đất linh thiêng này.
Núi Thị Vải cao bao nhiêu mét? Câu trả lời là khoảng 700m so với mực nước biển. Tuy không phải là đỉnh núi cao nhất Nam Bộ nhưng núi Thị Vải Vũng Tàu vẫn là điểm đến của những người yêu thích chinh phục, mạo hiểm. Với 3km đường lên núi là bậc tam cấp bằng đá, dù không phải vượt đèo lội suối nhưng quãng đường đó cũng đủ làm thử thách sự kiên nhẫn và bền bỉ của người leo.
Cách di chuyển đến núi Thị Vải
Nếu muốn du lịch núi Thị Vải, bạn có thể chọn di chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau. Từ thành phố Vũng Tàu, bạn trải qua quãng đường khoảng 30km là có thể đến núi Thị Vải. Bạn cứ đi theo quốc lộ 51 rồi rẽ vào đường Lê Trọng Tấn, Bà Rịa – Châu Pha, Hắc Dịch – Tóc Tiên là đến.
Núi Thị Vải cũng là địa điểm lý tưởng cho những bạn muốn phượt núi Thị Vải từ thành phố Hồ Chí Minh. Có nhiều cung đường đến đến Bà Rịa Vũng Tàu nhưng tốt nhất vẫn là qua CT01 đến quốc lộ 51. Bạn cũng có thể tham khảo các loại xe đi Vũng Tàu để lựa chọn phương tiện hợp lý nhất.
Từ đầu đường Trường Chinh, bạn chạy thẳng thêm khoảng 4km nữa là đến chân núi Thị Vải ở Vũng Tàu. Đoạn đường này không quá khó khăn nên mình tin nếu bạn di chuyển bằng xe máy tự máy cũng rất thuận lợi.
Đến đây, bạn sẽ không phải lo lắng gửi xe ở đâu vì dưới chân núi có rất nhiều nhà nhận trông giữ xe với giá khá rẻ. Bạn sẽ gửi xe tại đó và bắt đầu tham quan các ngôi chùa trên núi hay trekking lên đỉnh núi.
Núi Thị Vải có gì?
Thiên nhiên trong lành với hệ thực vật phong phú
Điều đầu tiên khiến du khách thích thú khi đặt chân đến núi Thị Vải đó là không gian thiên nhiên trong lành, xanh mát, không có khói bụi, ồn ào thành phố. Bạn sẽ có cảm giác như lạc vào một khu rừng cổ tích hay vườn Ngự Uyển trên Thiên Đình.
Hai bên đường là những hàng cây xanh rợp bóng mát giúp cho con đường chinh phục đỉnh núi mát mẻ hơn, không sợ nắng nóng. Bạn sẽ chẳng thể biết tên của những cây cổ thụ núi Thị Vải giống như những vị thần đã đứng đó từ bao năm cai quản vùng đất linh thiêng này.
Bạn cũng có thể bắt gặp những cây tre, trúc xum xuê xanh tốt dù vào bất kỳ mùa nào. Hay những sắc hoa rừng rực rỡ của bằng lăng, mai lan càng khiến cho bức tranh núi rừng tràn đầy sức sống. Được bước đi trong không gian xanh mát của thiên nhiên hùng vĩ, chắc chắn bạn sẽ quên đi mọi mệt mỏi trên hành trình 3km chinh phục đỉnh núi.
Nhìn từ trên cao, núi Thị Vải Bà Rịa Vũng Tàu và núi Tóc Tiên bên cạnh có hình dạnh giống như lá phổi xanh. Quả thực vậy, hai ngọn núi này đã mang lại không khí trong lành cho cả một vùng đất. Người dân Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh đều muốn đến đây trải nghiệm thiên nhiên hoang sơ, đầy cuốn hút của núi Thị Vải.
Chiêm bái các địa điểm tâm linh
Chùa Linh Sơn Liên Trì
Núi Thị Vải nổi tiếng với những ngôi chùa Linh Sơn cổ tự mà mỗi ngôi chùa lại mang nét đẹp, dấu ấn riêng. Điều mà du khách chắc chắn sẽ làm khi đến đây đó chính là tham quan các chùa trên núi Thị Vải.
Ngôi chùa đầu tiên mà bạn bắt gặp ngay những bậc thang đầu tiên từ chân núi đó chính là chùa Liên Trì hay còn được gọi là chùa Hạ. Đây là nơi mọi người thường nghỉ ngơi trước và sau khi leo núi Thị Vải. Nếu muốn thưởng thức cơm chay của nhà chùa, bạn cũng có thể đặt bữa trước tại đây.
Chùa Linh Sơn Hồng Phúc
Linh Sơn Hồng Phúc là ngôi chùa cao thứ hai ở núi Thị Vải nên được gọi là chùa Trung. Đi khoảng 747 bậc thang là bạn có thể đặt chân lên chùa núi Thị Vải Linh Sơn Hồng Phúc.
Chùa Linh Sơn Bửu Thiền
Thời gian đi từ chân núi đến chùa Linh Sơn Bửu Thiền là khoảng 1 tiếng 30 phút. Cứ đi khoảng 300 bậc, bạn sẽ thấy một con số nhỏ màu xanh, chính là số bậc mà bạn đã trải qua. Bạn cũng sẽ bắt gặp những chỗ nghỉ chân cho những người muốn tạm nghỉ hay hóng gió.
Trải qua 1300 bậc thì bạn đã đặt chân đến chùa núi Thị Vãi (Linh Sơn Bửu Thiền) là ngôi chùa cao nhất, đẹp nhất ở núi Thị Vải. Cổng chùa được sơn son mang phong cách kiến trúc của Nhật Bản.
Linh Sơn Bửu Thiền hay chùa Thượng, là một ngôi chùa đẹp ở Vũng Tàu. Đứng từ điện chính nhìn ra bạn có thể thấy cổng chùa nguy nga tráng lệ, nhìn xa xa là những ngôi nhà và ruộng đồng nhỏ xíu dưới chân núi. Nếu đến đây vào mùa mưa, lúc sáng sớm, ở cổng chùa sẽ là nơi lý tưởng để bạn săn mây.
Bạn có thể tản bộ quanh chùa, ngắm nghía các hồ cá và tượng la hán. Bên phải chùa Linh Sơn Bửu Thiền là một hồ sen lớn có tượng Phật màu vàng chính giữa hồ. Nếu đến vào mùa mưa, bạn có thể ngắm nhìn hoa sen nở rộ trong hồ vô cùng đẹp. Ở hướng bên phải chùa là tượng Phật nằm.
Cổng trời núi Thị Vải
Cổng trời núi Thị Vải là một điểm dừng chân lý tưởng trên hành trình chinh phục đỉnh núi. Cổng trời gồm hai tảng đá dựng sát nhau, để lại một lối nhỏ chỉnh giữa. Hai tảng đã rêu phong phủ kín cộng với tiết trời trên cao mờ ảo sương càng khiến cổng trời thơ mộng như chốn thần tiên.
Vũng Tàu có gì chơi? Nơi đây có rất nhiều địa điểm du lịch, vui chơi giải trí hấp dẫn song những chuyến leo núi, dựng lều giữa núi rừng như thế này vẫn thu hút du khách. Trên hành trình chinh phục đỉnh núi Thị Vải, bạn hãy dừng chân chụp những tấm ảnh lưu lại khoảng khắc đáng nhớ với cổng trời núi Thị Vải nhé.
Lịch trình leo núi Thị Vải (2 ngày 1 đêm)
Theo kinh nghiệm leo núi Thị Vải thì đây không phải là một địa điểm khó nhằn với các bạn dù chưa có nhiều kinh nghiệm. Bởi lẽ bạn sẽ chẳng lo lạc đường vì chỉ cần đi theo các bậc thang là có thể đến các ngôi chùa và đỉnh núi. Dễ dàng hơn rất nhiều so với những địa điểm trekking khác.
Dưới đây, mình sẽ chia sẻ lịch trình leo núi Thị Vải và cắm trại qua đêm ở Vũng Tàu của mình.
Ngày 1: Tham quan các ngôi chùa – chinh phục đỉnh núi Thị Vải
Sau khi ăn trưa và nghỉ ngơi, khoảng 1h bọn mình xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh. Núi Thị Vải cách Sài Gòn hơn 60km nên quãng đường cũng không khó khăn khi đi bằng xe máy tự lái như chúng mình.
Khoảng 15h chiều, mình đến chân núi Thị Vải, gửi xe ở nhà dân và bắt đầu chuyến leo núi chinh phục Thị Vải. Đi được những bậc đầu tiên, chúng mình ghé thăm chùa Liên Trì tọa lạc ngay dưới chân núi.
15h30, nhóm mình tiếp tục leo tiếp đến điểm đến thứ hai là chùa Trung.
Khoảng 16h15p, bọn mình đặt chân đến chùa Hồng Phúc (chùa Trung). Sau đó đến 16h45 phút, mình tiếp tục leo lên chùa Thượng (Linh Sơn Bửu Thiền).
Nếu bạn không biết núi Thị Vải bao nhiêu bậc thì câu trả lời là khoảng 1300 bậc từ chân núi đến ngôi chùa cao nhất là Linh Sơn Bửu Thiền. Thông thường với những người vãn cảnh chùa thì sẽ dừng lại ở chùa núi Thị Vải. Nếu bạn muốn chinh phục đỉnh núi thì sẽ tiếp tục leo lên cao hơn.
Sau khi tham quan chùa Linh Sơn Bửu Thiền, chúng mình tiếp tục leo lên cao đến cổng trời núi Thị Vải. Có hai con đường từ chùa đến cổng trời bạn có thể tham khảo đó là sau lưng chùa và bên cạnh tượng Phật nằm.
Bọn mình chọn đường sau lưng chùa vì dễ đi hơn. Khi vòng ra lưng chùa bạn sẽ thấy một cây đa cổ thụ rễ chồi lên bám vào những phiến đá. Ngay gốc cây đa đó, bạn rẽ vào con đường mòn nhỏ, đi được một lúc, bạn sẽ bắt gặp một tảng đá lớn ngay ngã ba, quẹo phải đi thẳng là đến cổng trời.
Đường lên cổng trời hướng này khá dễ đi vì toàn là bậc tam cấp, trên đường đi cũng có chỉ dẫn nên bạn không sợ lạc. Ngoài ra, còn một con đường khác ngay chân tượng Phật nằm. Cung đường này sẽ đi qua rừng tre trúc rậm rạp, ẩm thấp, một điểm khá là hay cho những bạn thích khám phá thiên nhiên.
Bọn mình đến cổng trời lúc 17h30 phút chiều, chụp ảnh ngắm nghía rồi tìm đường lên đỉnh. Từ cổng trời, bạn tiếp tục leo núi Thị Vải thêm vài chục mét nữa để lên đỉnh núi. Núi Thị Vải không có một điểm cao nhất gọi là đỉnh mà sẽ là 2, 3 mỏm đá cao nhô ra. Bạn cũng có thể tìm thấy cột mốc ranh giới giao nhau của xã Tóc Tiên, xã Tân Phước và thị trấn Phú Mỹ.
Núi Thị Vải cũng là một trong những khu cắm trại Vũng Tàu khá lý tưởng vì sự dễ đi và an toàn. Tuy view không được đẹp nhưng sẽ là một trải nghiệm cho những bạn muốn hòa mình vào thiên nhiên. Trên đỉnh núi Thị Vải có rất nhiều tảng đá lớn, bằng phẳng, rộng rãi nên mình dựng lều tại đây.
Nếu không thì bạn cũng có thể dựng lều ở một điểm an toàn hơn đó là chiếc chòi ngay gần cổng trời. Như thế sẽ chẳng sợ mưa rơi nhưng lại không được ngắm nhìn cảnh vật tuyệt đẹp từ trên đỉnh núi.
Bọn mình dựng trại trên đỉnh núi lúc 18h30 phút thì phải, trời lúc này vẫn sáng tỏ. Sau đó, cả bọn tranh thủ nấu nướng đồ ăn đã chuẩn bị sẵn. Một buổi tối tại đỉnh núi Thị Vải với thật nhiều điều đặc biệt và trải nghiệm đáng nhớ.
Ngày 2: Trở về chân núi, tạm biệt Thị Vải
Sáng hôm sau, nhóm mình thức giấc lúc 5h30 phút sáng. Không gian trong lành với tiếng chim hót đánh thức mình. Trốn Sài Gòn một chút đến núi Thị Vải quả thật được cảm nhận bầu không khí mát mẻ, chẳng còn khói bụi xe cộ, ồn ào náo nhiệt.
Chúng mình ăn sáng xong lúc 6h, thu dọn đồ đạc và tranh thủ ngắm nghía một chút rồi quyết định xuống núi lúc gần 7h. Trên đường đi, bọn mình lại tranh thủ ghé lại chùa Linh Sơn Bửu Thiền vì còn nhiều thời gian mà. Thế nên mình xuống đến chân núi lúc gần 10h trưa, lấy xe và trở lại Sài Gòn, kết thúc chuyến đi khám phá núi Thị Vải Vũng Tàu.
Như vậy trên đây, mình đã chia sẻ cho các bạn kinh nghiệm leo núi Thị Vải của mình. Nếu bạn đang tìm một nơi cắm trại, hòa mình với thiên nhiên mà không quá khó khăn, hiểm trở thì núi Thị Vải là một lựa chọn lý tưởng.
Xem thêm: Leo núi Bà Đen Tây Ninh có khó không? Kinh nghiệm du lịch núi Bà Đen Tây Ninh 2020