Tà Năng Phan Dũng – một trong những giấc mơ chinh phục thiên nhiên của người trẻ yêu thích mạo hiểm, trải nghiệm. Đây là một cung đường trekking có độ khó cao, thử thách sức khỏe, độ dẻo dai cũng như ý chí của con người rất nhiều. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với các bạn lịch trình và kinh nghiệm trekking Tà Năng Phan Dũng 2020 từ A-Z.
Nội dung
Tà Năng Phan Dũng ở đâu?
Chắc chẳn có nhiều người thắc mắc Tà Năng Phan Dũng ở đâu. Đây là một cung đường thuộc địa phận ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Ninh Thuận. Đúng như cái tên Tà Năng Phan Dũng được ghép từ hai danh từ và cũng là để chỉ điểm đầu và điểm cuối của cuộc hành trình.
Vậy Tà Năng ở đâu? Tà Năng thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng còn Phan Dũng nằm ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Cung đường này tuy thuộc nhiều tỉnh khác nhau nhưng đều nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Kalon sông Mao, là nơi có thảm thực vật vô cùng đa dạng.
Nếu bạn đang có ý định trekking cung đường này thì Tà Năng Phan Dũng bao nhiêu km chắc chắn là điều bạn quan tâm nhất. Với độ dài lên đến hơn 50km cùng với vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ của núi rừng, Tà Năng Phan Dũng là một trong những cung đường đẹp nhất Việt Nam.
Đi Tà Năng mùa nào đẹp nhất?
Khí hậu Tà Năng Phan Dũng có sự phân hóa và khác nhau khi trải dài trên các tỉnh thành khác nhau. Vậy thì trekking Tà Năng Phan Dũng mùa nào đẹp nhất, vừa có thể ngắm cảnh vừa dễ đi, hạn chế nguy hiểm từ thiên nhiên? Ở phía Tà Năng, thời tiết mát mẻ như Đà Lạt nhưng không lạnh bằng. Còn bên Phan Dũng, khí hậu có phần khô và nóng.
Theo bản đồ Tà Năng Phan Dũng, ở đây chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa cỏ xanh và mùa cỏ vàng. Mùa cỏ xanh bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11. Đây là thời điểm lý tưởng để du lịch Tà Năng bởi cảnh đẹp tạo nên từ muôn vàn đồng cỏ xanh mướt kéo dài đến vô tận. Dường như lúc này, Tà Năng Phan Dũng được phủ lên mình một màu xanh tươi tắn, tràn đầy sức sống, những đồi núi nhấp nhô phủ xanh kết hợp với con đường mòn nhìn từ xa như xương cột sống của khủng long.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm Tà Năng Phan Dũng đón những cơn mưa bất chợt, lúc nóng lúc mưa. Bởi vậy, đối với việc trekking Tà Năng, những cơn mưa chưa bao giờ là người bạn đồng hành lý tưởng. Đường đã dốc nay còn dễ trơn trượt nên rất nguy hiểm.
Còn mùa cỏ vàng bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau. Lúc này, thời tiết chuyển sang hanh khô và lạnh nhiều vào đầu năm, cuối năm. Những đồng cỏ đã chuyển sang màu vàng nhưng cũng mang đến nét đẹp riêng. Nếu sợ dịp đầu năm trời lạnh sẽ khó khăn cho việc cắm trại qua đêm thì tháng 4, tháng 5 là thời điểm lý tưởng. Địa hình khô ráo, trekking dài tuy có cảm giác nóng nực nhưng sẽ đỡ vất vả và nguy hiểm hơn.
Có nên trekking Tà Năng Phan Dũng?
Câu hỏi đặt ra là có nên trekking ở cung đường Tà Năng – Phan Dũng hay không? Trước hết, có thể thấy đây là một cung đường trekking sở hữu cảnh đẹp không thể chối từ. Địa hình trải dài giúp cho nơi đây có khí hậu và thảm thực vật phong phú, đa dạng. Những đồi núi trập trùng nối tiếp nhau càng thử thách sự kiên nhẫn của trekkers.
Bạn sẽ thấy địa hình nơi đây trải dài với các lớp núi và đồi ở độ cao 500 -1100m. Cung đường Tà Năng đẹp hơn, cỏ cây mọc hai bên đường, dốc không quá cao làm khó bạn. Trong khi đó cung Phan Dũng, đường nhiều dốc, ngoằn ngoèo, dễ trơn trượt, gây khó cho những người trekking. Bân cạnh đó, cung này cũng có nhiều lối khác nhau khiến bạn dễ dàng lạc ở Tà Năng Phan Dũng nếu không có người hướng dẫn.
Nói vậy để thấy, Tà Năng Phan Dũng trekking không phải là điều an toàn và dễ dàng như nhiều cung đường khác. Trên thang điểm 10 về độ khó, nhiều người đã từng chinh phục Tà Năng Phan Dũng cũng phải đánh giá 9,5 điểm. Không chỉ quãng đường dài, mất đến ba ngày để đi hết cung đường này mà địa hình còn ẩn chứa nhiều khó khăn, hiểm trở.
Do đó, lời khuyên dành cho bạn là không nên tự mình trekking, đi đoàn ít người hay không có người hướng dẫn chuyên nghiệp. Bạn có thể tham gia vào các tour Tà Năng Phan Dũng, khi đó sẽ có những porter dẫn đường chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm, được lên lịch trình cụ thể, đường đi an toàn và có thể ứng phó bất kỳ vấn đề xảy ra trong chuyến trekking, không sợ mất tích ở Tà Năng Phan Dũng.
Lịch trình trekking Tà Năng Pha Dũng từ A-Z
Phan Dũng Tà Năng đã trở thành một cung đường lý tưởng mà dân trekking khao khát chinh phục. Tất cả những khó khăn sẽ đổi lại trải nghiệm quý báu, những kinh nghiệm đúc kết khó có thể tìm thấy ở đâu khác. Có hai cung đường phổ biến mà mọi người thường chọn khi trek Tà Năng Pha Dũng đó là:
- Cung Đồi Lính (35km)
- Cung thác Yavly (55km)
Lịch trình trekking cung Đồi Lính 35km (2 ngày 1 đêm)
Đây là một cung đường không quá khó khăn và nguy hiểm nên được phần đông mọi người lựa chọn. Nếu trekking theo cung Đồi Lính bạn sẽ tham gia tour Tà Năng Phan Dũng 2 ngày 1 đêm, được check in tại Đồi Linh và cây Cô Đơn. Đặc biệt, cung đường này thích hợp đi hết các mùa trong năm.
21h tối hôm trước: bắt đầu xuất phát từ TPHCM đi Lâm Đồng, chuẩn bị cho chuyến hành trình. Đi xe đêm sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn.
Ngày 1: Chinh phục những đoạn đường đầu tiên của Tà Năng Phan Dũng
4h sáng: cả đoàn đã đặt chân đến mảnh đất Lâm Đồng, tiếp tục di chuyển để xã Đà Loan.
5h sáng: mọi người xuống xe, cùng ăn sáng và tập bài thể dục nhẹ khởi động chân tay, chuẩn bị cho đoạn đường trekking 35km. Bạn cũng cần kiểm tra kỹ càng balo cùng những vật dụng thiết yếu trước khi lên đường.
7h sáng: xuất phát. Đoạn đường này còn chưa quá khó, bạn sẽ phải băng qua những cánh đồng cỏ trải dài màu vàng, thậm chí là những ruộng lúa còn mơn mởn màu xanh. Khung cảnh thiên nhiên chắc chắn sẽ làm bất cứ ai phải ngắm nhìn mãi không thôi.
12h trưa: nghỉ ăn trưa dưới bóng râm trên đồi cỏ. Lúc này, bạn sẽ nghỉ trưa ở một nơi có khung cảnh khá lãng mạn trên đồi núi Tà Năng, dưới những tán thông xanh rờn. Trải thảm cỏ rồi cùng nhau ăn những món trưa nạp lại năng lượng, cảm nhận không khí mát mẻ của đất trời.
13h30 chiều: Cả nhóm tiếp tục cuộc hành trình băng qua rừng. Đó là những rừng thông ngút ngàn, có những chỗ dốc cao, mọi người phải cố gắng bám vào để bước qua. Bạn cũng sẽ phải vượt qua những ngọn đồi trập trùng, nhìn xa xa chỉ thấy con đường mòn nhỏ dài hun hút. Nhưng đôi chân vẫn cứ phải bước tiếp để chinh phục cung đường Tà Năng Phan Dũng.
17h chiều: đến điểm cắm trại đầu tiên. Cả đoàn dựng trại, chuẩn bị đồ ăn và tận hưởng một đêm đáng nhớ tại cung Tà Năng Phan Dũng.
Ngày 2: Nghỉ ngơi tại suối -> Làng Phan Dũng
5h30 sáng: các bạn hãy thức dậy sớm để đón bình minh tại cung đường đẹp nhất Việt Nam này, hít thở bầu không khí trong lành mát mẻ. Sau đó, ăn sáng đầy đủ, nạp năng lượng và tập thể dục nhẹ nhàng.
7h sáng: xuất phát tiếp tục hành trình Tà Năng Phan Dũng tour.
11h30 trưa: Bạn sẽ bắt gặp một con suối lớn, nơi cả đoàn sẽ nghỉ ngơi và ăn trưa. Khung cảnh của suối sẽ khiến mọi người quên đi cái mệt mỏi, nóng nực suốt chuyến trekking vừa rồi.
13h30 chiều: Sau khi nghỉ ngơi, cả nhóm sẽ tiếp tục di chuyển đến điểm tiếp theo là làng Phan Dũng.
16h chiều: Cả nhóm đến điểm tập kết, kết thúc chuyến trekking Tà Năng Phan Dũng dài 35km.
17h chiều: lên xe về TPHCM.
Lịch trình trekking cung thác Yavly 55km (3 ngày 2 đêm)
Đối với cung đường thứ 2 là qua thác Yavly, bạn sẽ được trải nghiệm 55km qua ba tỉnh thành Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận. Cung đường này không dễ dàng nên đòi hỏi bạn phải có một thể lực tốt, cùng với người dẫn đường có nhiều kinh nghiệm bởi sẽ phải vượt qua nhiều suối và thác. Nhưng bù lại, thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ rộng lớn tuyệt đẹp chính là điều thôi thúc nhiều người khám phá cung đường này.
21h tối hôm trước: cả đoàn lên xe xuất phát từ TPHCM đến Lâm Đồng. Quãng đường không phải là ngắn nên sẽ mất gần một đêm để đến được điểm trekking. Cung đường đi qua là Phạm Văn Đồng, Ngã tư Bình Triệu, Ngã tư Bình Phước, cầu vượt Sóng Thần, Suối Tiên, Biên Hòa.
Ngày 1: Cột mốc 3 tỉnh Lâm Đồng – Bình Thuận – Ninh Thuận
4h sáng: Xe đã đến Lâm Đồng và điểm dừng chân đầu tiên là chợ Đà Loan để mọi người có dịp ăn sáng và mua sắm đồ đạc thiết yếu nếu cần.
6h sáng: Bây giờ, mọi người xuất phát đến thôn Ma Bó, nơi sẽ bắt đầu chuyến trekking Tà Năng Phan Dũng 3 ngày 2 đêm. Nếu bạn đi theo tour sẽ có cả ngựa thồ một số đồ cho cả đoàn, đỡ được gánh nặng phần nào. Địa hình ban đầu khá bằng phẳng, thường là đồi thông và ruộng lúa nên không gặp nhiều khó khăn.
11h trưa: đến trưa khoảng 11h, bạn đã đặt chân điểm cắm trại, nghỉ ngơi đầu tiên của ngày. Nơi nghỉ trưa sẽ là trên một con dốc đồi thông, dưới những tán cây râm mát. Tại đây, cả đoàn trải thảm dã ngoại và ăn phần cơm đã chuẩn bị sẵn, nạp lại năng lượng. Sau khi ăn, bạn có thể tranh thủ chợp mắt một chút.
13h chiều: mọi người tiếp tục di chuyển lên những đồi trọc. Địa hình lúc này đã khó khăn hơn với những con dốc cao và dài, khiến một số bạn kiệt sức. Điểm đến tiếp theo sẽ là cột mốc 3 tỉnh Lâm Đồng – Bình Thuận – Ninh Thuận.
15h chiều: chúng mình đã có mặt tại cột mốc 3 tỉnh, tranh thủ chụp hình và ngắm cảnh. Sau đó, cả đoàn di chuyển xuống điểm hạ trại trước khi trời tối.
Tuy điểm hạ trại nằm ngay dưới cột mốc khoảng 3km thôi nhưng con đường đó khá dốc và hơi đáng sợ một chút. Cứ bình tĩnh nhé, bạn sắp được nghỉ chân sau chuyến hành trình ngày đầu tiên rồi, nên hãy cố gắng và kiên trì.
16h chiều: bạn đến đỉnh Đầu Lĩnh – nơi cả đoàn hạ trại và có cơ hội ngắm nhìn hoàng hôn đầy thơ mộng trên rừng Tà Năng Phan Dũng. Tại đây, mọi người hạ trại, chuẩn bị đồ ăn, toàn là những món dân dã nhưng ngon đến lạ. Do khá mệt rồi nên sau khi ăn xong, trò chuyện một chút, cả đoàn chui vào lều ngủ luôn.
Ngày 2: Từ điểm cắm trại -> thác Yavly
5h sáng: thức dậy ở một nơi thoáng đãng, trong lành, giữa núi rừng thơ mộng thế này quả thật là một trải nghiệm đặc biệt. Sau khi ăn sáng xong, cả nhóm lại sắp xếp đồ đạc để tiếp tục tour trekking Tà Năng với nhiều điều mới mẻ đang chờ đón.
6h30 sáng: mục tiêu tiếp theo là thác nước Yavly, lên đường thôi nào! Với kinh nghiệm du lịch phượt Bình Thuận thì đoạn đường này không quá khó đi, chỉ có một vài con dốc hơi cao một chút.
11h trưa: nghỉ chân và ăn trưa.
13h chiều: tiếp tục di chuyển về hướng thác Yavly.
14h30 chiều: bạn đã đặt chân đến thác Yavly trong xanh, hùng vĩ. Tại đây, mọi người thỏa sức tắm thác và chụp vô vàn bức ảnh làm kỉ niệm về chuyến đi có một không hai.
15h chiều: Sau một thời gian nghỉ ngơi, vui chơi bên thác thì bây giờ, cả đoàn tiếp tục trekking tiếp về điểm hạ trại cách không xa thác Yavly. Đường đi bằng phẳng hơn nên cũng không gặp quá nhiều trở ngại, nguy hiểm.
16h30 chiều: Bạn sẽ được hạ trại bên cạnh một con suối nhỏ vô cùng thơ mộng. Đến thời gian nghỉ ngơi rồi, bây giờ cả nhóm hạ trại, chuẩn bị đồ ăn và lại thêm một buổi tối ngủ giữa rừng già Tà Năng Phan Dũng.
Ngày 3: Xã Phan Dũng – nơi kết thúc hành trình
5h sáng: mọi người thức dậy, hít thở không khí trong lành của thiên nhiên để chuẩn bị trekking nốt ngày cuối cùng tại đây.
6h30 sáng: ăn sáng xong, cả đoàn bắt đầu thu dọn đồ đạc và lên đường. Đây là điểm cuối rồi nên ai nấy cũng hăm hở xen lẫn một chút tiếc nuối. Nếu đi vào mùa khô, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những rừng bằng lăng lá rụng, của những thảm lá dong xanh mát. Tuy vậy đến gần giữa trưa là thời tiết sẽ nóng lên, do khí hậu ở cung đường này nắng và nóng hơn nên mọi người cũng sẽ cảm thấy oải hơn.
11h30 trưa: Xã Phan Dũng chính là đích đến của chúng mình, kết thúc cung đường phượt Tà Năng Phan Dũng trong 3 ngày và 2 đêm đầy kỷ niệm. Tại đây, mình ăn trưa và trò chuyện cùng với các bạn về chuyến đi vừa rồi. Sau khi nghỉ ngơi sẽ có xe đưa bạn từ xã Phan Dũng về TPHCM.
Như vậy, trong bài viết này, mình đã chia sẻ với các bạn kinh nghiệm và lịch trình trekking cung đường đẹp nhất Việt Nam mang tên Tà Năng Phan Dũng. Tuy gặp nhiều khó khăn, hiểm trở nhưng vẻ đẹp thiên nhiên cũng như những trải nghiệm có được trong cả hành trình sẽ là điều bạn nhận lại sau chuyến đi.
Xem thêm: Kinh nghiệm leo núi Langbiang Đà Lạt và cắm trại từ A-Z