Vải chiffon là một loại vải mỏng, nhẹ, thường trong suốt, có độ rủ tôn lên nét nhẹ nhàng, thướt tha của bộ trang phục được làm từ chất liệu bao gồm cả tự nhiên và tổng hợp như lụa, nilon, tơ nhân tạo hoặc polyester,… được ứng dụng nhiều trong ngành thời trang, may mặc. Vậy vải chiffon là gì? Đặc điểm và giá các loại vải chiffon hiện nay.
Vải chiffon là gì?
Vải chiffon là một loại vải dệt thoi với kiểu dệt bán lưới có trọng lượng nhẹ, trơn, có độ trong suốt và độ bóng vừa phải được dệt từ nhiều chất liệu bao gồm cả tự nhiên và tổng hợp như lụa, tơ nhân tạo, nilon, polyester. Tùy thuộc vào các loại vải chiffon khác nhau, mà nó sẽ mang những đặc điểm về độ mềm mại, độ bền tương đối không giống nhau.
Chất liệu chiffon được coi là nét thanh lịch hàng đầu trong thế giới thời trang từ xưa đến nay. Người ta không ngừng sáng tạo vải chiffon với các họa tiết thêu may đặc biệt, cùng với các chất liệu khác để sản phẩm trở nên mềm mịn như nhung, có khả năng bắt sáng hoàn hảo,… Ở Việt Nam, nhiều người gọi vải chiffon là vải voan. Tuy nhiên, trên thực tế, vải voan chỉ là một trong số nhiều những biến tấu khác nhau của chất liệu này.
Nếu bạn băn khoăn Chiffon là gì thì câu trả lời là chiffon có nguồn gốc từ “chiffe” trong tiếng Pháp, có nghĩa là vải hay miếng vải. Ban đầu, vải chiffon được làm hoàn toàn từ lụa. Lụa chiffon từ những năm 1700 đã được sử dụng phổ biến trong giới quý tộc, thương lưu châu Âu. Do nó có giá thành đắt đỏ nên thường được dùng để may các thiết kế thời trang cao cấp, dành cho tầng lớp giàu có, địa vị cao trong xã hội.
Bởi lẽ chiffon thời đó giống như một thành phẩm xa xỉ nên nhiều người khoác lên mình những bộ trang phục làm từ chiffon để chứng tỏ địa vị và giá trị của bản thân. Đến thế kỷ 19, vải chiffon ứng dụng nhiều trong các loại đồ lót có trang trí công phu.
Vào năm 1938, vải chiffon được làm từ nilon ra đời. Người ta bắt đầu sản xuất vải chiffon giá rẻ với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng. 20 năm sau đó, năm 1958, vải chiffon có nguồn gốc từ chất liệu polyester (PE) được ra mắt. Sự xuất hiện đó khiến cho vài chiffon dần được phổ biến trong mọi tầng lớp của xã hội và phát triển trên diện rộng đến ngày nay.
Một bậc thầy đã tạo nên lịch sử cho thời trang chiffon là James Galanos. Những bộ trang phục từ chiffon được làm thủ công một cách tỉ mỉ và cầu kỳ đã khiến ông vang danh những năm 1950. Với vẻ tinh tế, sang trọng, đề cao vẻ đẹp phái nữ, những thiết kế đó đồng thời giúp vải chiffon được biết tới nhiều hơn tới công chúng.
Đặc điểm của vải chiffon
Trên đây, bạn đã hiểu vải chiffon là vải gì, vậy còn những đặc điểm của chất liệu này thì sao? Vải chiffon cũng có những ưu, nhược điểm của riêng nó mà bất cứ người sử dụng nào cũng nên biết.
Ưu điểm
+ Tính thẩm mỹ: Điều có thể nhận thấy ngay khi tiếp xúc với chất liệu vải chiffon đó là tính thẩm mỹ cao. Chẳng phải tự nhiên mà chiffon lại được đánh giá cao và được sử dụng nhiều trong thời trang cao cấp, tạo ra những bộ trang phục đẹp và đắt tiền. So với các loại vải lưới thì độ trong suốt của vải chiffon vừa phải hơn và cũng có thể ứng dụng để may nhiều trang phục khác nhau.
Độ trong suốt nhẹ đem lại cho người mặc một vẻ đẹp mỏng manh, nhẹ nhàng, nữ tính. Chính đặc điểm này đã giúp chất liệu có được sự linh hoạt cao, tạo cảm giác thoải mái cho người mặc. Độ rủ vừa phải giúp cho bộ quần áo không bị thô cứng, khi may đồ nhiều lớp rất đẹp, tạo hiệu ứng đan xen hút mắt.
Thêm vào đó, khả năng bắt sáng tốt cũng giúp những bộ đồ từ vải chiffon trở nên nổi bật, tạo ấn tượng. Dưới ánh sáng, vải chiffon có thể thay đổi theo từng góc độ để tạo nên những chuyển động sáng đặc biệt. Do đó, chúng ta thường thấy vải chiffon được nhiều nhà thiết kế ứng dụng trong việc tạo ra các bộ trang phục dạ hội, váy cưới,… bởi độ lấp lánh nhẹ nhàng của nó.
Ngày nay, vải chiffon không chỉ trơn màu mà còn đa dạng màu sắc cũng như họa tiết như vải chiffon hoa, vải chiffon kết hợp ren, vải chiffon lưới, vải chiffon thổ cẩm,…
+ Mềm mại, không kích ứng: Điểm đặc biệt của chất vải chiffon đó là sự mềm mại, nhẹ nhàng, rất thoải mái khi chạm vào, nhất là vải chiffon lụa. Kết cấu lưới cùng với trọng lượng siêu nhẹ giúp cho những bộ trang phục làm từ vải chiffon vô cùng được yêu thích. Ngay từ thế kỷ 19, vải chiffon đã được ứng dụng để may các loại quần áo lót, bởi độ mềm mại và không kích ứng mà chất liệu này đem lại.
Vải chiffon được sản xuất từ sợi tổng hợp hoặc sợi có nguồn gốc thực vật nên rất an toàn cho làn da, kể cả với những người mẫn cảm nhất. Chất liệu này giúp người mặc cảm thấy dễ chịu, thoải mái, thỏa sức hoạt động mà không gặp tình trạng đau rát, khó chịu. Bên cạnh đó, vải chiffon cũng không hề gây nên tình trạng dị ứng, mẩn ngứa nên bạn có thể yên tâm khi sử dụng chất liệu này.
+ Khó rách: Khi sản xuất vải chiffon, các sợi vải xoắn chặt vào nhau tạo nên một liên kết vững vàng, khó bị phá hỏng dưới tác động của ngoại lực, đặc biệt là vải voan chiffon. Đây được coi là đặc trưng của vải chiffon dù cao cấp hay bình dân. Khả năng chống rách đã giúp cho những sản phẩm làm từ chất liệu này có được độ bền lý tưởng.
So với lụa nguyên chất thì vải chiffon có tuổi thọ cao hơn hẳn. Vải bị sờn rách hay đứt chỉ cũng hoàn toàn ít gặp. Do đó, một chất liệu mềm mại gần như lụa nhưng có giá thành rẻ và độ bền cao hơn như chiffon được rất nhiều người ưa chuộng.
+ Mỏng nhẹ: Như đã nói, kết cấu của vải chiffon là từ những sợi vải xoắn chặt vào nhau nên không những khó rách mà còn tạo nên sự bồng bềnh, nhẹ nhàng cho bộ đầm chiffon. Ưu điểm này giúp người sử dụng cảm thấy dễ chịu, không gò bò khi mặc cũng như thoải mái hoạt động mà không gặp phải cản trở gì.
Cấu trúc vải cho phép không khí dễ dàng lưu thông, đảm bảo sự khô ráo cho đầm vải chiffon. Độ thoáng của sản phẩm thường dạo động từ 17-50g/ 1m2. Dù là trong những ngày nóng bức, người mặc vẫn cảm nhận được sự thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt. Do đó, không gây ra các tình trạng như vải bám dính lên cơ thể. Ngoài ra cũng nhờ cấu trúc này mà vải chiffon rất nhanh khô ngay cả những ngày không nắng, nồm ẩm.
+ Chống bám bụi: Các loại quần áo chiffon có khả năng chống bám bụi tốt. Nếu so với vải cotton hay vải da lộn, khi để trong tủ không sử dụng một thời gian thì những chất liệu này rất dễ bám bụi, hút bụi bẩn. Tuy nhiên, vải chiffon có độ bóng nhẹ cũng như kết cấu trong suốt mà hạn chế bụi bẩn rất tốt. Đặc biệt là chiffon được làm từ polyester được đánh giá là có khả năng chống thấm, chống bụi hiệu quả nhất.
Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội thì vải chiffon cũng có nhược điểm mà người sử dụng cần nắm rõ.
+ Khó cắt may: Vải chiffon có xu hướng trơn trượt và khó giữ vững trên một mặt phẳng, như vải chiffon cát. Do đó, trong quá trình cắt may chất liệu này cũng gặp phải không ít khó khăn. Vải trơn thường khó thiết kế, dễ trơn khi cắt hay không ăn chỉ. Đặc biệt những phần chưa qua xử lý của vải chiffon cũng rất dễ bị sờn.
Một cách phổ biến được sử dụng nhiều khi xử lý vấn đề trơn trượt của vải chiffon là sử dụng mặt phẳng nhám. Khi đó vải sẽ dễ dàng nằm yên để tạo hình và cắt may. Sau khi thực hiện xong, tấm vải cũng cần được rút ra một cách nhẹ nhàng để đảm bảo không hỏng hóc, rút chỉ hay xô lệch bề mặt vải.
+ Dễ bay màu: Vải chiffon ngày nay đã có được sự đa dạng trong màu sắc và họa tiết. Các nhà thiết kế thường phối hợp chiffon với nhiều chất liệu khác để tạo nên độ lấp lánh, độ bóng trong nhiều trang phục khác nhau. Tuy dễ nhuộm, dễ in ấn nhưng vải chiffon cũng rất dễ bay màu. Do đó, cần phải có cách vệ sinh, bảo quản vải đúng cách để không gây ra hiện tượng này.
Khi phơi vải chiffon, bạn hạn chế phơi bằng móc nhựa vì vải chiffon có thể dính màu, nhất là với vải chiffon trắng. Việc sử dụng móc treo gỗ hoặc kim loại sẽ tối ưu hơn. Bạn cũng nên lật mặt trái của vải khi phơi để bảo quản vải tốt hơn, tránh bạc màu nhanh. Đặc biệt cần tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời để giữ độ bền đẹp cho vải. Bạn chỉ nên phơi vải chiffon tại nơi thoáng mát, có gió.
+ Khó làm sạch: Vải chiffon cũng rất “khó tính” trong việc vệ sinh, làm sạch. Với chiffon làm từ lụa thì khâu giặt giũ tốn nhiều công sức và cũng có nhiều lưu ý bạn cần tránh để bảo quản vải. Do cấu tạo trơn trượt và độ bóng mà công đoạn vò giặt, loại bỏ vết bẩn cũng khá khó khăn. Bạn không nên dùng nước nóng khi giặt chất liệu này nếu không muốn bộ trang phục nhanh chóng bị hỏng.
Với vải chiffon từ nilon và polyester có thể giặt bằng máy ở chế độ nhẹ nhất. Khi giặt, bạn nên lộn mặt trong, gỡ các khuy áo để tránh vải bị rách. Bạn cũng không được sử dụng bột giặt hay các chất tẩy rửa mạnh cho vải chiffon, các chuyên gia khuyên rằng dùng dầu gội đầu là thích hợp nhất. Sau khi giặt, không vắt vải chiffon mà chỉ bóp nhẹ để không làm mất dáng vải.
Giá vải chiffon hiện nay
Hiện nay, vải chiffon có rất nhiều loại mà chúng ta có thể chẳng nhớ tên như: Silk crepe chiffon, Jacquard chiffon, Double faced chiffon, Silk satin chiffon, Chameleon chiffon, Chiffon with coating, Pearl chiffon, Chiffon with lurex,… Người sử dụng thường chỉ căn cứ vào đặc điểm nổi bật nhất của chất liệu đó để gọi tên.
Nhiều người muốn mua vải chiffon về tự cắt may hoặc sử dụng trong các mục đích khác như trang trí nội thất,… băn khoăn không biết: vải chiffon giá bao nhiêu? Giá vải voan chiffon hiện nay khá đa dạng, tùy thuộc vào chất liệu dệt vải cũng như độ dày vải. Vải chiffon làm từ lụa sẽ đắt hơn chiffon từ sợi tổng hợp. Hay vải có họa tiết cầu kỳ cũng sẽ đắt hơn vải chiffon trơn.
Vải chiffon được làm từ sợi nilon hoặc vải polyester như vải chiffon cát có giá thành rẻ hơn, dao động từ 50k đến 100k. Chất liệu này thường không sử dụng trực tiếp để may quần áo do độ trong suốt cao, bề mặt hơi thô. Người mua thường dùng để may phụ kiện thời trang như khăn voan, các lớp váy bồng bên ngoài hay làm rèm cửa, khăn để bàn,…
Nhiều người quan tâm đến vải chiffon bao nhiêu 1m để may áo dài bởi chất liệu này khá lý tưởng để tạo nên những bộ áo dài thướt tha, duyên dáng. Các loại vải voan chiffon may áo dài cao cấp thường có giá cao, đảm bảo tính thẩm mỹ cho bộ trang phục, độ bền lâu dài cũng như mềm mại, thân thiện với làn da. Thường vải áo dài chiffon có giá từ 90k đến 300k.
Những nơi bán vải voan chiffon bạn có thể tìm kiếm đó là ở các cửa hàng bán vải, may đo quần áo, các sạp chợ vải,… Hoặc cũng có nhiều trang bán hàng online bạn có thể đặt mua và ship tận nhà như Shopee, Lazada, Sendo,… Tuy nhiên, bạn nên đến tận nơi để có thể chọn cho mình chất liệu vải chiffon tốt nhất, ưng ý nhất.
Trên đây là những thông tin về vải chiffon là gì, đặc điểm và giá cả của các loại vải chiffon hiện nay. Hi vọng rằng với những chia sẻ trên, bạn sẽ tích lũy nhiều kinh nghiệm trong việc chọn lựa chất vải để có được bộ trang phục đẹp và phù hợp với mình.
Xem thêm: Vải Nylon là gì? Ưu, Nhược điểm và Ứng dụng vải Nylon trong đời sống