Đối với bất kỳ hoạt động ngoài trời nào, một chiếc ba lô dã ngoại phù hợp với nhu cầu của bạn là rất cần thiết. Vì đây là thứ sẽ chứa những dụng cụ, thiết bị cũng như đồ dùng, quần áo cá nhân. Thoạt nhìn, những chiếc ba lô dã ngoại trông khá giống nhau, nhưng chúng thực sự có nhiều khác biệt về chức năng. Để tìm ra chiếc ba lô nào là phù hợp nhất dành cho bạn, hãy xem xét bốn yếu tố sau:

  • Những hoạt động mà bạn sẽ sử dụng ba lô. Cách bạn sử dụng ba lô du lịch có thể xác định những tính năng bạn cần.
  • Thể tích/ kích thước. Yếu tố này phụ thuộc vào số lượng thiết bị/ đồ dùng bạn dự định mang theo trong chuyến đi.
  • Các đặc điểm/ thiết kế của ba lô. Những đặc điểm nhhư loại khung và vị trí khóa kéo cũng ảnh hưởng đến khả năng đóng gói hành lý.
  • Sự vừa vặn. Chiều dài và kích thước hông là những yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn ba lô dã ngoại.

1. Lựa chọn ba lô phù hợp với mục đích sử dụng

Một cách nhanh chóng để thu hẹp sự lựa chọn của bạn là tìm kiếm một chiếc ba lô dã ngoại được thiết kế riêng cho hoạt động bạn muốn sử dụng.

Đi bộ đường dài (hiking)

  • Gần như tất cả ba lô hiking đều tương thích với các bình chứa nước hydrat hóa và có túi để đựng chai nước ở mỗi bên.
  • Rất nhiều tùy chọn độ dài ba lô và thiết kế vai đeo khác nhau giúp bạn dễ dàng chọn được ba lô phù hợp với cơ thể của bạn

Leo núi

  • Một chiếc balo leo núi nhỏ gọn cho phép bạn di chuyển tốt trong khi leo trèo cùng ba lô trên vai.
  • Hầu hết bao gồm một mặt sau có đệm hoặc một khung ba lô để giúp thoải mái khi mang hành lý nặng. Khung ba lô thường giúp nâng trọng tâm ở hông
  • Bao gồm các đặc điểm chuyên dụng như dây móc rìu, đế giày leo núi hoặc các loại thiết bị dã ngoại khác.
  • Được làm bằng các loại vải nặng, bền giúp giảm thiểu thiệt hại do mài mòn
  • Một số ba lô leo núi phù hợp cho cả nhu cầu trượt tuyết/ lướt ván tuyết.

Chạy bộ

  • Ba lô có đây deo thắt lưng/ túi đựng chai nước/ ba lô nước chạy bộ (vest running) đều là những lựa chọn tuyệt vời.
  • Loại ba lô dã ngoại này được thiết kế để hạn chế cản trở trong khi bạn chạy
  • Những chiếc túi được thiết kế ở vị trí dễ dàng lấy đồ ăn nhẹ/ thức uống
  • Hầu hết các ba lô nước chạy bộ đều tương thích với các loại túi chứa nước hydrat hóa.

Du lịch, đi học, đi làm

  • Nhiều loại có các đặc điểm giúp đóng gói hành lý gọn hàng, chẳng hạn như: ngăn cho máy tính xách tay, ngăn riêng cho các vật dụng, quần áo và ngăn để chứa các vật dụng nhỏ
  • Một số ba lô dã ngoại có khóa kéo kép, dễ dàng sử dụng kèm ổ khóa du lịch
  • Một số có thể nhét dây đai vào bên trong, để tránh bị kẹt trong băng chuyền tại sân bay hoặc ga tàu
  • Có nhiều lựa chọn kích thước để đáp ứng các nhu cầu hành lý xách tay
  • Được thiết kế để sử dụng khi đi du lịch, nhưng vẫn rất lý tưởng để sử dụng khi đi học hoặc đi làm

Xe đạp dã ngoại/ leo núi

  • Ba lô dã ngoại dành cho những người thích đi xe đạp đường có thiết kế nhỏ gọn, đơn giản. Vì vậy, chúng nhẹ và ổn định trên lưng của bạn mà không tạo ra nhiều lực cản gió
  • Ba lô dành cho xe đạp leo núi thường lớn hơn một chút để chứa thêm dụng cụ, quần áo và thiết bị xe đạp.
  • Một số được thiết kế cho nhu cầu công việc như ngăn chứa laptop, ngăn chứa vật dụng nhỏ.
  • Hầu hết đều có dây đai ở hông để không cản trở khi bạn đạp xe.
  • Nhiều loại cũng tương thích với các túi chứa nước.

Thể thao trên băng, tuyết

  • Nhiều loại ba lô thể thao được thiết kế nhỏ gọn để cho phép bạn di chuyển xung quanh không bị cản trở
  • Dây đeo ở xương ức và xương hông là rất cần thiết để giữ cho ba lô không bị lung lay
  • Tất cả kích thước trừ loại nhỏ nhất cho phép bạn gắn ván trượt tuyết, và / hoặc giày tuyết trên ba lô
  • Chất liệu vải cứng cáp được gia cố ở nơi sẽ tiếp xúc với tuyết và đế giày.
  • Hầu hết đều có một ngăn an toàn để giữ xẻng tuyết và thiết bị phát tín hiệu tiện dụng
  • Nhiều ba lô tương thích với bình chứa hydrat hóa và cung cấp vật liệu cách nhiệt để giúp ngăn nước đóng băng.

Phượt ba lô (backpacking)

Nếu bạn có xu hướng thích tối giản và thiết bị phù hợp, một ba lô dã ngoại dành cho dân phượt có thể phù hợp cho chuyến đi 1 đêm hoặc đi cắm trại.

  • Đệm ở lưng và hông giúp tăng sự thoải mái
  • Khung ba lô bên trong có một hoặc hai thanh nhôm để giúp chịu tải nặng hơn

 

2. Thể tích ba lô dã ngoại

Thể tích của mỗi chiếc ba lô dã ngoại rất khác nhau. Khi bạn cân nhắc về kích thước, hãy lướt qua một lượt các vật dụng, thiết bị bạn mang theo. Dưới đây là một số cân nhắc cho thể tích ba lô:

10 lít hoặc ít hơn

Hầu hết những chiếc ba lô dã ngoại nhỏ này được chế tạo cho các mục đích gọn nhẹ như chạy, đạp xe và đi bộ ngắn. Thiết kế nhỏ gọn của chúng chỉ cung cấp vừa đủ chỗ cho một vài nhu yếu phẩm, như áo khoác siêu nhẹ, một số kẹo, bánh cung cấp năng lượng và chìa khóa của bạn.

11 – 20 lít

Những chiếc ba lô nhỏ gọn này thường được sử dụng để đi bộ, xe đạp leo núi, chạy hoặc đi du lịch. Một số có thêm túi đựng để giúp ngăn nắp. Thể tích này cho phép bạn mang thêm một bộ đồ, thực phẩm và thiết bị cho các chuyến đi trong ngày.

21 – 35 lít

Đây là lựa chọn lý tưởng cho hầu hết các chuyến đi bộ đường dài và du lịch. Có đủ khả năng để chứa thực phẩm, quần áo và một số thiết bị bổ sung, như máy ảnh và sách.

 

36 – 50 lít

Những chiếc ba lô siêu lớn này rất lý tưởng cho những chuyến đi cần nhiều quần áo và dụng cụ, chẳng hạn như leo núi, đi phượt hoặc đi bộ đường dài. Thông thường, phụ huynh cần mang theo quần áo và dụng cụ cho con sẽ chọn một trong những chiếc ba lô này. Một số có thể được sử dụng cho những chuyến cắm trại qua đêm nếu bạn chỉ mang theo thiết bị siêu nhẹ, nhỏ gọn.

 

3. Đặc điểm và thiết kế của ba lô dã ngoại

Loại khung ba lô

Khung bên trong

Nhiều ba lô dã ngoại ngày nay có khung bên trong giúp hỗ trợ mức trọng lượng bạn mang theo. Một số bao gồm các khung nhựa để giúp ba lô không quá nặng. Những loại khác có thanh nhôm để hỗ trợ mức chịu tải trọng. Khung càng lớn thì chiếc ba lô của bạn có thể mang được nhiều trọng lượng hơn.

Không có khung

Ba lô không có khung thường nhẹ và nhỏ gọn, và chúng là lựa chọn tuyệt vời để dễ dàng thích nghi với hình dạng lưng của bạn. Tuy nhiên, những chiếc ba lô này thường không hỗ trợ trọng lượng cũng như khung đỡ. Do đó, ba lô không khung chỉ phù hợp cho những nhu cầu hành lý ít và gọn.

Vị trí khóa kéo

Ở đỉnh

Phần lớn ba lô dã ngoại có thiết kế khóa kéo ở đỉnh ba lô. Những món đồ mà bạn không cần gấp sẽ nằm ở đáy ba lô. Một số cũng cung cấp phần nắp cuốn có thể mở rộng, cho phép bạn mang nhiều thêm một chút

Ở mặt trước

Ba lô với khóa kéo ở mặt trước thường sử dụng khóa kéo đôi – khi mở ra hoàn toàn sẽ khá giống với vali. Điều này giúp bạn dễ dàng đóng gói và lục lọi khi bạn tìm kiếm thứ gì đó. Rất phù hợp cho chuyến đi bộ nhẹ và đi du lịch.

Ở dưới cùng

Một số ba lô bao gồm khóa kéo ở dưới cùng kết hợp chung với khóa kéo mặt trước hoặc đỉnh đầu. Điều này có thể thuận tiện cho việc lấy thiết bị hoặc quần áo ở dưới cùng mà không cần phải lấy mọi thứ ra trước.

Bên sườn

Vị trí bên sườn ba lô là một tùy chọn trên một số kiểu ba lô dã ngoại. Thường được kết hợp chung với khóa kéo mặt trước và ở đỉnh. Giống như khóa kéo dưới cùng, vị trí này giúp cho việc lấy thiết bị và quần áo bên trong ba lô của bạn dễ dàng hơn.

Túi đựng nước

Gần như tất cả các ba lô dã ngoại đều có một ngăn đựng nước riêng. Hoặc túi đựng nước bên trong – loại ba lô này thường được gọi là “ba lô đựng túi nước”

 

Các đặc điểm khác

Đệm thông thoáng phía sau

Một số loại có đệm thông thoáng phía sau được làm bằng lưới, được chế tạo để cách lưng bạn vài inch. Điều này cho phép luồng không khí ổn định thổi qua lưng, chống lại mồ hôi.

Túi trùm ba lô chống mưa

Nếu bạn nghĩ rằng sẽ có mưa trong chuyến đi của bạn, đây là một món đồ tốt để mang theo. Một số ba lô còn bao gồm túi trùm trong một túi nhỏ chuyên dụng.

Ngăn đựng túi ngủ

Một số ba lô có thể tích lớn sẽ có ngăn chứa túi ngủ ở dưới cùng. Dân đi phượt ba lô có thể lấp đầy chỗ này bằng một chiếc túi ngủ. Nhưng để sử dụng cho những chuyến đi trong ngày, bạn có thể nhét vài cái áo, hoặc vật dụng mà bạn muốn lấy nhanh và dễ dàng.

4. Sự vừa vặn khi đeo ba lô

Một chiếc ba lô dã ngoại phù hợp với bạn sẽ:

  • Có kích thước phù hợp với chiều dài lưng của bạn
  • Thoải mái trên hông của bạn

Nếu bạn mua ba lô ở một cửa hàng, bạn có thể thử đeo để kiểm tra độ thoải mái. Nếu bạn không thể ghé một cửa hàng, hãy nhờ một người bạn đo phần lưng và kích thước hông của bạn.

Chiều dài lưng

Một số ba lô có sẵn trong nhiều kích cỡ, từ nhỏ đến lớn, phù hợp với một phạm vi chiều dài của lưng. Phạm vi khác nhau tùy theo nhà sản xuất và theo giới tính. Kiểm tra phần thông số kỹ thuật sản phẩm để biết kích thước của một chiếc ba lô cụ thể.

Khi bạn đeo thử ba lô, đặt phần đai hông lên sao cho đai cách khoảng một ngón tay so với đỉnh hông của bạn, sau đó kiểm tra xem dây đeo vai có vừa với vai và lưng bạn không. Nếu đỉnh ba lô cách vai của quá rộng, ba lô này có thể quá dài so với lưng của bạn. Nếu phần dưới dây đai nằm ở gần sát nách bạn, ba lô này có thể quá ngắn. Một số ba lô có phần đai cho phép bạn điều chỉnh sao cho phù hợp.

Kích thước vòng eo

Đai hông trên ba lô dã ngoại thường có nhiều kích cỡ, từ giữa 20 inch đến giữa 40 inch. Khi mang thử, chỉ cần đảm bảo rằng bạn cảm thấy chúng vừa vặn và thoải mái quanh hông của bạn.

Ba lô dành riêng cho phụ nữ

Kích thước lưng của ba lô cho nữ thường ngắn hơn so với ba lô nam hay unisex. Thắt lưng và dây đeo vai có đường viền với thiết kế nữ tính, nhỏ hơn, vì ba lô nữ sẽ có kích thước khung nhỏ hơn. Chúng cũng thường phù hợp cho những người đi bộ trẻ tuổi.

Những đặc điểm ảnh hưởng đến sự vừa vặn

Dây trợ lực ở vai

Một số loại ba lô thể tích lớn thường đi kèm với dây đeo trợ lực. Chúng được khâu vào phía trên của dây đeo vai, và chúng kết nối với đầu của khung ba lô. Chúng sẽ tạo thành một góc 45 ° giữa dây đeo vai của bạn và ba lô. Khi đeo trên vai, chúng có thể giúp ngăn phần đỉnh của ba lô không bị chùng xuống vùng thắt lưng của bạn.

Dây đai ngực

Dây đai giữa ngực này được sử dụng trên hầu hết các loại ba lô cho phép bạn kết nối dây đeo vai, có thể tăng sự ổn định. Rất hữu ích khi đi trên địa hình không bằng phẳng, nơi có thể khiến ba lô của bạn bị xê dịch sang một bên và làm bạn mất cân bằng.

Nguồn: REI