Tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời tuy thường rất vui, bổ ích, và sảng khoái nhưng nó cũng đi kèm với những rủi ro xảy ra, những tai nạn khiến cuộc chơi mất vui. Một trong số những tai nạn thường xảy ra khi ở ngoài trời đó là những vết bỏng da. Các vết bỏng da nghiêm trọng này có thể xảy ra từ nhiều nguyên nhân xảy ra khác nhau.

Bạn có thể bị bỏng do lửa trại, bỏng trong lúc nấu ăn bằng bếp lò, bỏng nước sôi, bỏng hóa chất (còn gọi là bỏng ăn mòn) khi da tiếp xúc với chất ăn mòn như axit hoặc bazơ mạnh (axit có trong pin, chất tẩy rửa, amoniac, sản phẩm làm trắng răng, hóa chất xử lý nước hồ bơi, v.v.), và trường hợp bỏng phổ biến nhất khi ở ngoài trời đó là da bị cháy nắng.

Vì vậy, việc bổ sung cho bản thân một nền tảng gồm những kiến thức liên quan đến những vết bỏng này như tác nhân và nguyên nhân gây bỏng cũng như thực hành các biện pháp phòng ngừa, đánh giá tình trạng, sơ cứu, điều trị, và chăm sóc vết bỏng là rất cần thiết cho bản thân mỗi người chúng ta.

Các bước sơ cứu vết bỏng

  • Phòng tránh bị bỏng: thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu khả năng bị bỏng.
  • Đánh giá tình trạng bỏng: đánh giá độ sâu của tổn thương mô gây ra bởi vết bỏng (cấp độ bỏng từ 1 đến 4) và mức độ bỏng (tỷ lệ phần trăm cơ thể bị bỏng). Nên kiểm tra xem đường hô hấp có bị bỏng hay không vì nó rất nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời.
  • Sơ cứu vết bỏng: làm nguội và làm sạch vết bỏng, sau đó dùng băng y tế để băng vết thương lại.
  • Sơ tán nạn nhân: tùy theo tình trạng bỏng (độ sâu, mức độ bỏng, v.v.) để quyết định có di chuyển nạn nhân đến trung tâm y tế hoặc phòng khám để được chuyên gia chăm sóc hay không.

Hãy nhớ rằng: an toàn là trách nhiệm của bạn. Không một bài viết hay video nào có thể thay thế những lời khuyên sức khỏe, kinh nghiệm, và các hướng dẫn của các chuyên gia y tế hay bác sĩ. Và hãy chắc chắn rằng bạn đã thuộc lòng và thực hành quen các kỹ thuật sơ cứu và yêu cầu an toàn trước khi sơ cứu.

1. Phòng tránh bị bỏng

Phòng tránh luôn luôn dễ dàng hơn hiều so với việc sơ cứu và điều trị. Vì nấu ăn và đốt lửa trại thường là những hoạt động cuối ngày cho nên bạn sẽ dễ bị mệt mỏi hơn thông thường. Do đó bạn cần phải tập trung hơn vào việc ban đang làm, nhất là khi bạn ở gần bếp hoặc lửa trại.

Hãy đảm bảo bếp lò của bạn được đặt ở một vị trí ổn định và bạn có thể tránh những nguy hiểm khi nấu ăn. Cẩn thận khi mồi/bật lửa bếp và khi di chuyển hay đổ nước nóng.

Phòng tránh bị cháy nắng

Việc ở ngoài trời trong nhiều giờ mỗi ngày sẽ làm tăng mức độ phơi nhiễm của bạn với nắng cũng như các tia UV độc hại. Ngoài ra, cường độ ánh sáng mặt trời rất mạnh trong khoảng từ 10 giờ sáng cho đến 2 giờ chiều, ở những nơi cao, khi xung quanh bạn là nước hoặc tuyết. Bạn vẫn có thể bị bỏng ngay cả khi bầu trời đang u ám hoặc có nhiều mây vì các tia bức xạ mặt trời có thể dễ dàng xuyên qua những đám mây đó.

Bạn có thể ngăn ngừa việc da bị cháy nắng bằng cách sử dụng những sản phẩm chống nắng và mặc quần áo chống nắng. Hãy lựa chọn chính xác những sản phẩm cũng như quần áo chống nắng phù hợp với bản thân để không có những phản ứng phụ không đáng có.

Phòng tránh bị mù tuyết

Một loại bỏng bức xạ ít phổ biến hơn và nguyên nhân gây ra thường do mắt bị phơi nhiễm với bức xạ ánh sáng quá nhiều (ánh sáng chói của tuyết hoặc nước). Nạn nhân không thực sự bị mù hoàn toàn mà chỉnh bị tạm thời, mắt bị đỏ hoe, rách, và bị đau mỗi lần mở/đóng mắt. Để phòng tránh mắt bị mù tuyết, bạn chỉ cần đeo một chiếc kính râm và hãy nhớ là mắt bạn vẫn có thể bị tổn thương kể cả khi vào những ngày nhiều mây vì ánh sáng mặt trời có thể xuyên qua mây dễ dàng.

2. Đánh giá tình trạng bỏng

Bất kể nguồn gốc nguyên nhân gây ra vết bỏng, chúng ta có thể phân loại mức độ nghiêm trọng của mọi vết bỏng theo độ sâu của tổn thương da cũng như mức độ bỏng. Mức độ nghiêm trọng của vết bỏng có thể khác nhau tùy theo từng yếu tố đánh giá. Ví dụ như một vết bỏng cấp độ 3 nhưng có thể ít nghiêm trọng và đau đớn hơn một vết bỏng cấp độ 2.

Cách đánh giá tịnh trạng bỏng

  1. Bỏng cấp độ 1: chỉ có lớp biểu bì da trên cùng bị tổn thương, da sẽ hơi đau và ửng đỏ nhưng không bị phồng rộp và sẽ chuyển sang màu trắng nếu bạn ấn vào nó.
  2. Bỏng cấp độ 2: cả lớp biểu bì và hạ bị da đều bị tổn thương, da bị đau, nổi đỏ, lốm đốm vằn, ẩm ướt, và bị phồng rộp.
  3. Bỏng cấp độ 3: lớp biểu bì, hạ bì, và mô dưới da (lớp nằm sâu nhất của da) bị tổn thương, da bị sạm, cháy đen, xám (grayish), và khô. Dây thần kinh ở vùng bỏng bị tổn thương nên bạn sẽ không cảm thấy đau.
  4. Sử dụng quy tắc “lòng bàn tay” để đánh giá tình trạng bỏng: diện tích kết hợp của lỏng bàn tay, ngón tay, và ngón tay cái của nạn nhân (cùng một bàn tay) là khoảng 1% tổng diện tích da của họ. Sử dụng 1% đó như một hướng dẫn trực quan để ước tính tỷ lệ phần trăm cơ thể bị bỏng. Chuyển nạn nhân đến các trung tâm y tế hoặc phòng khám nếu họ có bất kỳ vết bỏng cấp độ 2 (hoặc cấp độ 3) nào phủ hơn 10% cơ thể.

3. Sơ cứu vết bỏng

Mục tiêu chính của bạn là để phòng tránh những thương tích, nhiễm trùng khác sau khị bỏng và làm giảm đau.

Các bước sơ cứu vết bỏng

  1. Kiểm tra đường hô hấp: hít phải khí, bụi nóng có thể gây tổn thương màng nhầy và lông mao ở đường hô hấp và phổi. Sau đó gây phù nề phổi và đường thở dẫn tới suy hô hấp. Kiểm tra vết phỏng sưng, đỏ, hồ bóng trong khoang miệng, mũi, và cổ họng. Các biểu hiện khác như đau tức ngực, khàn giọng, khó thở, ho, nhức đầu buồn nôn, và nôn sẽ mất nhiều thời gian hơn để xuất hiện. Nếu nạn nhân bị bỏng đường hô hấp thì bạn cần sơ tán họ đến những nơi chăm sóc y tế ngay lập tức.
  2. Làm nguội vết bỏng: sử dụng nước mát (không dùng nước quá lạnh) để làm dịu phần da bị bỏng, tránh làm lạnh nạn nhân (không làm mát quá 10 phút), không sử dụng nước đá vì nó làm co mạch máu và làm mất dưỡng chất nuôi da.
  3. Làm sạch và băng vết bỏng: rửa sạch vết bỏng lại bằng nước sạch và mát, bôi thuốc mỡ hoặc gel kháng sinh. Sau đó phủ vết bỏng bằng một miếng băng khô (có thể dụng băng ước nếu vết bỏng chỉ chiếm ít hơn từ 1 đến 2% cơ thể). Thường xuyên kiểm tra và thay băng một lần mỗi ngày. Không làm vỡ các vết phồng rộp, nếu vết phồng rộp bị vỡ thì hãy làm sạch nó bằng xà phòng và phủ lại bằng băng khô.
  4. Giảm đau: sử dụng thuốc giảm đau không cần phải kê đơn như ibuprofen hoặc acetaminophen.
  5. Bổ sung nước: đảm bảo nạn nhân không bị thiếu nước.
  6. Sơ tán nạn nhân khi cần thiết: xem bên dưới.

Sơ cứu khi bị cháy nắng

Ngoài việc tăng nguy cơ bị ung thư da, nhưng ngay cả những vết cháy nắng cũng đủ nghiêm trọng để làm hỏng chuyến đi của bạn. Những viết bỏng cấp độ 2 trở lên cần được chăm sóc cẩn thận để giảm đau và sơ cứu. Nạn nhân bị bỏng cấp độ 1 với diện tích rộng cũng cần phải rút ngắn chuyến đi nếu cảm thấy không thể tiếp tục hạnh trình do cảm thấy quá khó chịu và đau đớn.

  1. Làm nguội vết bỏng: giảm đau vết cháy nắng bằng miếng gạc, băng mát và ướt.
  2. Giảm đau: sử dụng những loại thuốc giảm đau và chống viêm như ibuprofen. Không sử dụng thuốc mỡ gây mê hoặc thuốc xịt gây mê do các rủi ro xảy ra các phản ứng độc do ánh sáng khiến da dễ bị bỏng nặng hơn. Điều này cũng có thể xảy ra với những loại thuốc khác nên cần cẩn thận đọc kỹ các hướng dẫn sử dụng và cảnh báo an toàn về độ nhạy cảm của da với ánh sáng mặt trời (trên nhãn, bĩa sản phẩm) khi sử dụng.
  3. Bổ sung nước: các vết bỏng khiến cơ thể mất nhiều nước vì vậy cần đảm bảo cơ thể nạn nhân có đủ lượng nước cần thiết.
  4. Sơ tán nạn nhân khi cần thiết: xem bên dưới.

Sơ cứu khi bị mù tuyết

Quá trình sơ cứu bao gồm nén lạnh, giữ nạn nhân trong vùng tối, sử dụng thuốc giảm đau. Tránh sử dụng những loại thuốc gây tê khiến mắt bị tổn thương hơn. Bạn có thể sử dụng nước mắt nhân tạo hoặc nước muối. Khi bị mù tuyết thì mắt sẽ lành sau vài ngày.

Sơ cứu khi bị sốc

Bị bỏng nghiêm trọng có thể khiến nạn nhân bị sốc, cảm thấy lạnh, khó chịu, lo lắng, bối rối, có nhịp tim nhanh, và thở gấp. Khi đó hãy giữ cho cơ thể nạn nhân được ấm, bình tĩnh, nằm duỗi thẳng với hai chân nâng cao khoảng 30 cm hoặc ít hơn. Đảm bảo cơ thể nạn nhân có đủ lượng nước cần thiết.

4. Sơ tán nạn nhân

Những vết bỏng cấp độ 1, diện tích bỏng ít có thể được sơ cứu và lành lại dần dần mà không cần đến các trung tâm y tế hay phòng khám. Ngược lại, những viết bỏng nặng, nghiêm trọng hơn, diện tích bỏng nhiều hơn thì nạn nhân cần được di chuyển ngay lập tức đến trung tâm y tế hoặc phòng khám gần nhất để nhận được các chăm sóc y tế của bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế.

Trường hợp cần sơ tán nạn nhân

  1. Nạn nhân bị bỏng đường hô hấp.
  2. Nạn nhân bị bỏng cấp độ 3.
  3. Nạn nhân bị bỏng cấp độ 2 ở mặt, tay, chân, nách, hoặc háng.
  4. Các biện pháp sơ cứu cho thấy không có tác dụng, không giúp giảm đau, hoặc không thể giữ cho vết thương không bị nhiễm trùng.
  5. Nạn nhân bị bỏng từ cấp độ 2 trở lên với diện tích bỏng hơn 10% cơ thể.
  6. Nạn nhân bị sốc, tinh thần không ổn định, hoặc tình trạng của vết bỏng không được cải thiện.

Sử dụng điện thoại di động để liên lạc và tìm người hỗ trợ hoăc các đơn vị hỗ trợ y tế khẩn cấp. Hãy mang theo một chiếc điện thoại vệ tinh đề phòng khu vực bạn đang đứng nằm ngoài vùng phủ sóng.

Nguồn: REI