Có rất nhiều loại ống nhòm trên thị trường hiện nay từ kích thước cho đến lăng kính ống nhòm. Nếu bạn phân vân không biết chọn ống nhòm sao cho phù hợp, bài viết này sẽ gợi ý cho bạn một số mẹo lựa chọn ống nhòm dã ngoại để giúp bạn chọn ống nhòm phù hợp nhất.
Nội dung
- 1. Kích thước của ống nhòm
- 2. Độ phóng đại của ống nhòm
- 3. Đường kính vật kính của ống nhòm
- 4. Vòng tròn thị kính của ống nhòm
- 5. Độ sáng tương đối của ống nhòm
- 6. Khoảng đặt mắt của ống nhòm
- 7. Trường ngắm của ống nhòm
- 8. Độ nét của ống nhòm
- 9. Lăng kính của ống nhòm
- 10. Lớp phủ thấu kính của ống nhòm
- 11. Ống nhòm chống nước và chống tác động của thời tiết
- 12. Ống nhòm chống bị mờ
1. Kích thước của ống nhòm
Tùy theo đường kính của vật kính mà ống nhòm có nhiều kích thước khác nhau phù hợp cho những loại hoạt động ngoài trời khác nhau.
Ống nhòm cỡ lớn (full-size, 8 x 42 mm, 10 x 50 mm)
Phù hợp nhất để quan sát thế giới động vật hoang dã và quan sát trên thuyền. Loại ống nhòm này thu được nhiều ánh sáng hơn và hoạt động trong điều kiện thiếu sáng tốt hơn so với các loại ống nhòm còn lại. Ngoài ra, ống nhòm cỡ lớn còn là lựa chọn tuyệt vời để quan sát các loài chim nhờ vào khả năng cung cấp hình ảnh rõ hơn, ổn đỉnh hơn, và có phạm vi quan sát rộng hơn. Nhược điểm của chúng là quá to và nặng để sử dụng khi đi phượt.
Ống nhòm cỡ vừa (mid-size, 7 x 35 mm, 10 x 32 mm)
Sử dụng tốt cho các hoạt động thể thao và quan sát thế giới động vật hoang dã. Tuy có thể hơi nặng để sử dung cho việc đi phượt, loại ống nhòm này có thiết kế cân bằng giữa kích thước vừa phải và khả năng truyền tải ánh sáng ở mức trên trung bình.
Ống nhòm cỡ nhỏ (compact, 8 x 25 mm, 10 x 25 mm)
Phù hợp nhất cho các hoạt động ngoài trời trong ngày. Là loại ống nhòm nhẹ và nhỏ nhất, rất thích hợp để sử dụng khi đi phượt; tuy nhiên, bạn có thể cảm thấy không thật sự thoải mái khi sử dụng trong một thời gian dài.
2. Độ phóng đại của ống nhòm
Ống nhòm được phân loại bằng 2 thông số và một trong số đó là độ phóng đại của ống nhòm.
Ví dụ một chiếc ống nhòm có kích thước 7 x 35 mm thì sẽ có độ phóng đại bằng 7. Điều này có nghĩa là khi quan sát vật thể bằng chiếc ống nhòm này, vật thể sẽ hiển thị gần hơn gấp 7 lần so với khi quan sát bằng mắt thường. Nói ngắn gọn thì nếu bạn quan sát một con hưu cách bạn 180 m qua chiếc ống nhòm này, bạn sẽ cảm thấy như nó chỉ còn cách bạn khoảng 25.7 m vậy (lấy 180m chia cho 7).
Lưu ý rằng những chiếc ống nhòm có độ phóng đại bằng 10 trở lên sẽ phóng đại sự chuyển động của tay khiến việc quan sát ổn định trở nên khó khăn hơn.
3. Đường kính vật kính của ống nhòm
Ngoài độ phóng đại, ống nhòm còn được phân loại bằng đường kính vật kính của ống nhòm (đơn vị đo là mm). Đây là phần thấu kính của ống nhòm cách xa mắt bạn nhất và gần với vật thể được quan sát nhất.
Ví dụ một chiếc ống nhòm có kích thước 7 x 35 mm thì sẽ có đường kính vật kính bằng 35 mm.
Đường kính vật kính của một chiếc ống nhòm ảnh hưởng đến khả năng thu được ánh sáng của chiếc ống nhòm đó. Đường kính vật kính của ống nhòm càng lớn thì ông nhòm càng thu được nhiều ánh sáng, tầm nhìn càng rõ, đồng nghĩa với việc khả năng quan sát trong điều kiện thiếu sáng cũng trở nên càng tốt.
4. Vòng tròn thị kính của ống nhòm
Khi quan sát vật thể qua ống nhòm trong điều kiện thiếu sáng, vòng tròn thị kính (đơn vị đo là mm) của ống nhòm đó yếu tố ảnh hưởng đến độ rõ của hình ảnh thu được (chỉ số càng lớn thì hình ảnh thu được càng rõ). Ngoài ra, khi tay bạn chuyển động hay bị run thì những loại ống nhòm có vòng tròn thị kính lớn sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc quan sát vật thể trọn vẹn và ổn định hơn.
Vòng tròn thị kính của ống nhòm có thể được tính bằng cách lấy đường kính vật kính của ống nhòm chia cho độ phóng đại của ống nhòm. Ví dụ với một chiếc ống nhòm có kích thước 7 x 35 mm thì sẽ có vòng tròn thị kính bằng 5 mm (lấy đường kính vật kính bằng 35 mm chia cho độ phóng đại bằng 7).
Trong điều kiện thiếu sáng, mắt người (hay chính xác hơn là đồng tử của mắt) có thể co giãn rộng ra hơn 7 mm. Do đó, những chiếc ống nhòm có vòng tròn thị kính thấp hơn 7 mm sẽ làm giảm lượng ánh sáng mà mắt có thể thu được khi nhìn qua ống nhòm. Vì vậy, bạn hãy dựa theo điều kiện ánh sáng để có thể chọn một chiếc ống nhòm cho bản thân:
Điền kiện thiếu sáng
Khi quan sát bằng ống nhòm trong những lúc bình minh, hoàng hôn, khi đứng dưới những tán cây dày đặc hay khi quan sát bầu trời lúc về đêm thì bạn nên chọn những chiếc ống nhòm có vòng tròn thị kính lớn (từ 5 mm trở lên).
Điệu kiện ánh sáng ban ngày
Lúc này thì vòng tròn thị kính sẽ trở nên ít quan trọng hơn. Ngoài ra, đồng tử của mắt người sẽ thu hẹp lại khoảng 2 mm khi hoạt động dưới điệu kiện ánh sáng ban ngày. Bạn có thể chọn bất kỳ loại ống nhòm vì tất cả chúng đều có vòng tròn thị kính tối thiểu 2mm.
5. Độ sáng tương đối của ống nhòm
Giống như vòng tròn thị kính, độ sáng tương đối của ống nhòm cũng ảnh hưởng đến độ rõ của hình ảnh thu được khi quan sát bằng ống nhòm (chỉ số càng lớn thì hình ảnh thu được càng rõ).
Độ sáng tương đối của ống nhòm có thể được tính bằng cách lấy bình phương của vòng tròn thị kính của chiếc ống nhòm đó. Ví dụ với một chiếc ống nhòm có kích thước 7 x 35 mm thì sẽ có vòng tròn thị kính bằng 5 mm và độ sáng tương đối bằng 25.
6. Khoảng đặt mắt của ống nhòm
Đây là khoảng cách giữa thị kính và mắt (eye relief) của bạn sao cho mắt có thể nhìn thấy toàn bộ phạm vi quan sát của ống nhòm (hay còn gọi là trường ngắm). Khoảng đặt mắt càng dài thì mắt của bạn khi nhìn qua ống nhòm sẽ càng được thoải mái và ít bị mỏi mắt hơn.
Nếu bạn đang đeo kính mắt, bạn cần phải chú ý đến thông số này. Trừ một số trường hợp ngoại lệ, phần lớn các nhà sản xuất khuyên những người đeo kính nên cuộn vòng đệm cao su của thị kính xuống trước khi sử dụng ống nhòm và nên chọn những loại ống nhòm có khoảng đặt mắt từ 11 mm trở lên.
7. Trường ngắm của ống nhòm
Thông số kỹ thuật này của ống nhòm sẽ cho bạn biết diện tích khu vực mà bạn có thể quan sát được qua ống nhòm cách nơi bạn đứng khoảng 900 m. Trường ngắm càng rộng thì càng nhìn được nhiều vật thể hơn và xác định được những vật thể như các loài chim hoặc bướm dễ dàng hơn. Thông thường thì ống nhòm có độ phóng đại càng lớn thì trường ngắm càng hẹp.
8. Độ nét của ống nhòm
Phần lớn những loại ống nhòm đều được trang bị một núm xoay chỉnh nét trung tâm nằm giữa hai ống nhòm để điều chỉnh độ nét của cả 2 bên ống nhòm. Ngoài ra, một số loại ống nhòm còn có một núm xoay riêng trên thị kính để điều chỉnh độ nét của từng bên ống nhòm. Điều này cho phép bạn phần nào
9. Lăng kính của ống nhòm
Tất cả mọi loại ống nhòm đều có phần lăng kính nằm bên trong của thân ống nhòm giúp đảo chiều vật thể về trạng thái bình thường. Nếu không có phần này, mọi thứ bạn nhìn thấy qua ống nhòm đều sẽ bị lộn ngược xuống dưới. Có hai kiểu bố trí của lăng kính bên trong ống nhòm:
Bố trí theo kiểu porro
Là kiểu bố trí sao cho 2 lăng kính được đặt lệch lên nhau (có nghĩa là 2 lăng kính này không nằm trên cùng một đường thằng). Điều này giúp tăng kích thước chiều ngang của ống nhòm và khả năng quan sát bằng ống nhòm, tuy nhiên nó cũng làm giảm chiều dài của ống nhòm và khiến ống nhòm trở nên cồng kềnh hơn. Ngoài ra, vì dễ sản xuất hơn nên những loại ống nhòm này thường có giá cả phải chăng hơn so với loại còn lại.
Bố trí theo kiểu roof
Là kiểu bố trí sao cho các lăng kính (thường là từ 2 trở lên và là số chẵn) nằm thằng hàng với nhau, với vật kính, và thị kính. Cách bố trí này giúp ống nhòm trở nên gọn gàng hơn, mỏng hơn, và là lựa chọn tốt hơn cho việc đi hiking cũng như các hoạt động ngoài trời khác. Mặc dù cách bố trí này không làm giảm chất lượng hình ảnh, nhưng giá thành thường cao hơn rất nhiều.
10. Lớp phủ thấu kính của ống nhòm
Khi xuyên qua phần thấu kính của ống nhòm, một phần của ánh sáng mặt trời sẽ bị phản chiếu và bị bật ra ngoài. Sự phản chiếu này làm giảm lượng ánh sáng đi qua thấu kính và khiến hình ảnh vật thể mà mắt quan sát được bị tối đi. Do đó, lớp phủ thấu kính của ống nhòm sẽ có tác dụng làm giảm sự phản chiếu và đảm bảo chất lượng hình ảnh được sắc nét và rõ ràng hơn. Tráng càng nhiều các lớp phủ này thì càng giảm được sự phản chiếu ánh sáng cũng như càng tăng chất lượng hình ảnh thu được qua ống nhòm.
11. Ống nhòm chống nước và chống tác động của thời tiết
Nếu bạn muốn sử dụng ống nhòm trên thuyền hoặc trên đất dưới trời mưa, bạn có thể sẽ muốn cân nhắc việc sử dụng những loại ống nhòm chống thấm hoặc chống tác động của thời tiết.
Ống nhòm chống nước thường sử dụng những vòng đệm tròn (O-rings) để tạo ra một vòng kín ngăn hơi ẩm, bụi bẩn hoặc những mảnh vụn nhỏ khác xâm nhập vào bên trong.
Ống nhòm chống tác động của thời tiết thì không có khả năng chống nước hoàn toàn mà chỉ được thiết kế để chống lại những con mưa nhỏ và nhẹ.
12. Ống nhòm chống bị mờ
Ống nhòm có thể bị mờ đi khi bạn di chuyển từ nơi này sang nơi khác do sự thay đổi của các mốc nhiệt độ khác nhau. Việc bị mờ không chỉ gây khó chịu mà còn có khả năng gây hư hỏng ống nhòm nếu hơi ẩm bị mắc kẹt ở bên trong.
Để chống lại điều này, các nhà sản xuất đã nghiên cứu và phát triển các phương pháp thay thế không khí bên trong ống kính quang học bằng khí trơ không có hàm lượng hơi ẩm (nên không thể ngưng tụ lại trên kính). Tuy nhiên, điều này chỉ giúp ống nhòm tránh bị mờ ở mặt bên trong của thấu kính chứ không phải ở bên ngoài.
Nguồn: REI
Xem thêm >> Cách chọn pin sạc dự phòng năng lượng mặt trời và di động