Khi lựa chọn trang phục dã ngoại, có lẽ bạn đã từng nghe về cụm từ “phối đồ layer”. Việc biết cách phối các lớp quần áo với nhau có thể giúp bạn giữ ấm, khô và thoải mái trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau. Bên cạnh đó, cách phối đồ layer cho phép bạn mặc thêm hoặc cởi bớt các lớp khi bạn lạnh hoặc nóng quá.

Nhưng việc phối quần áo nhiều lớp này không phải chỉ đơn giản là mặc lên người càng nhiều áo sơ mi, áo len và áo khoác là tốt. Trong hướng dẫn này, Travelgear sẽ cung cấp cho bạn tất cả những lời khuyên bạn cần về cách phối các lớp quần áo chính xác khi bạn ở ngoài trời.

Cách phối quần áo layer đúng cách – để hiểu cách phối quần áo nhiều lớp cho các hoạt động ngoài trời, bạn cần biết chức năng của từng lớp:

  1. Lớp lót (base layer): hay còn được xem là lớp đồ lót, giúp cơ thể thông thoáng, không bị nóng bí mồ hôi.
  2. Lớp giữa (mid layer): giúp giữ nhiệt cơ thể để bảo vệ bạn khỏi cái lạnh
  3. Lớp ngoài (outer layer): bảo vệ và che chắn bạn khỏi gió và mưa

Ngay cả khi bạn không mặc cả ba lớp này ngay ban đầu, bạn vẫn nên mang tất cả các lớp trên mỗi chuyến đi chơi. Bạn có thể dễ dàng cởi bớt nếu thời tiết nóng lên, nhưng bạn không thể mặc những lớp quần áo mà bạn đã để ở nhà.

1. Cách chọn quần áo layer dựa theo thời tiết

Để biết cách mặc quần áo phù hợp với thời tiết, bạn cần cân nhắc đến mức độ gắng sức và sự trao đổi chất cá nhân thay vì chỉ chú tâm vào thời tiết. Các ví dụ dưới đây dành là cách chọn quần áo nhiều lớp cho một người không hay bị nóng hoặc lạnh và đang thực hiện một chuyến đi bộ nửa ngày ở cấp độ trung bình:

Thời tiết lạnh

Đồ lót dài trung bình bằng vải polyester cho phần trên và dưới cơ thể; một chiếc áo khoác có lớp cách nhiệt tổng hợp; quần lông cừu; áo mưa và quần không thấm nước / thoáng khí.

Thời tiết có mưa

Đồ lót polyester dài và nhẹ cho trên và dưới; áo khoác lông cừu nhẹ; quần đi bộ đường dài vải tổng hợp; áo mưa và quần chống thấm nước nhẹ / thoáng khí (có nhiều lỗ thông hơi).

Thời tiết nóng

Đồ lót polyester và áo ngắn tay bằng vải tổng hợp; quần đi bộ đường dài bằng vải nylon (có thể chuyển đổi từ quần dài sang ngắn); áo gió nhẹ.

Bạn có hàng tá lựa chọn thay thế và tùy chọn cho mỗi lớp này. Bí quyết là lựa chọn các tùy chọn phù hợp nhất với nơi mà bạn hướng tới, những gì bạn làm và những gì bạn có thể chi tiêu.

Một điều quan trọng khác là bạn cần dành thời gian cũng như linh hoạt điều chỉnh các lớp khi điều kiện thời tiết thay đổi. Nếu mưa và gió ngừng, hãy cởi bớt lớp ngoài của bạn. Nếu đi bộ không làm cơ thể ấm lên, hãy mặc thêm một lớp ở giữa. Và nhiều người thường mặc thêm một lớp giữa (trên cùng) và / hoặc lớp ngoài ở mỗi trạm dừng nghỉ, chỉ để tránh bị lạnh.

2. Lớp lót: kiểm soát độ ẩm trên cơ thể

Vì lớp quần áo này nằm gần da nhất, công việc chính của lớp lót là di chuyển mồ hôi ra khỏi làn da của bạn, hay còn gọi là thoát mồ hôi. Trong điều kiện mát mẻ hoặc lạnh, cần có các lớp lót dài (như legging) để giữ cho da bạn khô ráo. Điều đó rất cần thiết bởi vì nó giúp bạn không bị lạnh hoặc tệ hơn.

Vật liệu lớp lót

Bạn có nhiều lựa chọn cho vải, bao gồm vải tổng hợp như polyester và nylon, hoặc sợi tự nhiên như len merino và lụa. Mặc dù có nhiều sự khác biệt tinh tế trong việc thấm hút và sấy khô cho từng vật liệu, cũng như việc giữ mùi và độ bền, rất nhiều người chỉ đơn giản là chọn theo sở thích vải cá nhân của họ.

Trọng lượng của lớp lót

Các tùy chọn của bạn là đơn giản, trọng lượng nhẹ, trung bình và nặng, mặc dù bạn cũng có thể thấy các thuật ngữ như trọng lượng siêu nhẹ “ultralightweight” hoặc dành cho các chuyến thám hiểm, thời tiết khắc nghiệt “expedition weight”. Nói chung, các loại vải nặng hơn (dày hơn) giữ cho bạn ấm hơn, mặc dù đó không thực sự là mục đích chính của lớp lót.

Lựa chọn lớp lót trong thời tiết ấm áp

Đồ lót dài có thể không phải lựa chọn ưu tiên khi nhiệt độ tăng cao, nhưng việc có làn da khô thường giúp bạn thoải mái hơn trong mọi điều kiện. (Không ai thích có làn da ẩm ướt) Dưới đây là một số cân nhắc về lớp lót cho thời tiết ấm áp:

  • Bất kỳ chiếc áo mùa hè nào cũng phù hợp để làm một lớp lót, vì vậy hãy tìm những chiếc áo có khả năng thấm hút.
  • Một số áo được thiết kế cho thời tiết ấm áp giúp lan tỏa hơi ẩm qua vải, làm độ ẩm bốc hơi và giúp làm mát cơ thể. Những chiếc áo này không được quảng bá như một lớp lót, nhưng bạn có thể lựa chọn mặc như đồ lót. Vì chúng có thể làm tăng sự thoải mái của bạn trong điều kiện nóng bức.
  • Đồ lót như quần lót, quần boxer và áo ngực cũng nên thấm hút (tương tự như khi bạn mặc nó dưới đồ lót dài vào mùa đông).
  • Các lớp lót với chỉ số chống nắng UPF cung cấp cho bạn thêm khả năng chống nắng. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về quần áo chống nắng, bạn có thể đọc thêm tại đây.
  • Vải cotton, được coi là lựa chọn tệ trong mùa đông vì nó làm nước đọng lại bên trong và có thể làm bạn lạnh. Tuy nhiên vải cotton có thể là lựa chọn ổn nếu bạn ở ngoài trời vào một ngày hè siêu khô, nóng bức.
  • Các công nghệ vải mới nổi, như len thấm hút với các hạt li ti, sẽ giúp làm mát da bạn (theo nghĩa đen) để thoải mái hơn.

3. Lớp giữa: cách nhiệt

Lớp cách nhiệt giúp bạn giữ lượng nhiệt tỏa ra từ cơ thể. Lớp này càng giữ nhiệt tốt, thì bạn sẽ càng cảm thấy ấm áp hơn

Vật liệu lớp giữa

Cũng giống như với lớp lót, bạn sẽ có một loạt các tùy chọn, bao gồm cả vải tổng hợp và tự nhiên. Nói chung, chất vải dày hơn (hoặc phồng) sẽ mang lại sự ấm áp cao hơn, mặc dù vật liệu cách nhiệt là yếu tố quan trọng nhất. Dưới đây là một số vật liệu lớp giữa phổ biến:

Lông cừu polyeste: có sẵn trong các loại quần áo nhẹ, trung bình và nặng (thường được kí hiệu lần lượt là 100, 200, và 300). Lông cừu giữ ấm ngay cả khi bị ẩm và chúng khô rất nhanh. Lông cừu cũng cung cấp sự thoáng khí tốt, vì vậy bạn ít khi bị nóng khi mặc nó.

Tuy nhiên, điểm trừ của vật liệu nàu là khi gió thổi qua, hơi ấm có thể bị mất đi. Đó là lý do tại sao bạn cần phải có một lớp ngoài thêm nếu bạn lựa chọn lớp giữa là lông cừu. (Một lựa chọn khác là mặc áo lông cừu chống gió nếu bạn không muốn mặc thêm lớp ngoài.)

Áo khoác cách nhiệt lông vũ: có khả năng nén gọn để đóng gói dễ dàng. Lông vũ mang lại sự ấm áp hơn so với bất kỳ vật liệu cách nhiệt nào khác. Vì lông vũ luôn là một trong những vật liệu của lớp bên ngoài, áo khoác lông vũ cũng cung cấp một số khả năng chống nước và gió. Hạn chế duy nhất là nó mất hiệu quả cách nhiệt khi bị ẩm ướt.

Áo khoác cách nhiệt tổng hợp: chất liệu tổng hợp từ lâu đã cố gắng bắt chước hiệu quả của lông vũ, tiến gần hơn đến tiêu chuẩn đó mỗi năm. Tuy chất liệu tổng hợp không thể nén gọn như lông vũ, chúng là một lựa chọn phổ biến cho điều kiện trời mưa nhờ giữ được khả năng cách nhiệt khi chúng bị ẩm. Và, giống như lông vũ, chất liệu tổng hợp này luôn là một trong những vật liệu của lớp bên ngoài để tăng khả năng chống nước và gió.

4. Lớp ngoài: bảo vệ mưa và gió

Lớp ngoài (lớp ngoài cùng) bảo vệ bạn khỏi gió, mưa và tuyết. Bao gồm từ áo khoác leo núi đắt tiền đến áo khoác chống gió đơn giản. Hầu hết đều có khả năng thoát mồ hôi dù ít hay nhiều. Và hầu như tất cả đều được xử lý bằng lớp phủ chống thấm nước bền (DWR) để làm cho hạt nước không thấm vào trong và lăn ra khỏi vải.

Lớp ngoài của bạn rất quan trọng đặc biệt trong thời tiết mưa bão, bởi vì nếu gió và nước có thể xâm nhập vào các lớp bên trong, bạn có thể bị cảm lạnh dễ dàng.

Lớp ngoài cùng có thể được chia thành các loại sau:

Chống thấm nước / thoáng khí

Đa chức năng nhất (và đắt tiền), lớp ngoài này là lựa chọn tốt nhất của bạn cho mọi điều kiện thời tiết. Nói chung, lớp ngoài này càng đắt thì bạn sẽ khô ráo hơn, và mặc bền lâu hơn.

Kháng nước / thoáng khí

Phù hợp hơn với điều kiện mưa phùn, gió nhẹ và mức độ hoạt động cao. Loại lớp ngoài này có giá cả phải chăng hơn lớp ngoài chống thấm nước / thoáng khí, chúng thường được làm bằng vải nylon hoặc polyester dệt, cản gió nhẹ và mưa nhẹ.

Để biết thêm chi tiết, hãy đọc – Những điều cần biết khi lựa chọn áo khoác đi mưa, chống thấm.

Lớp ngoài mềm

Nhấn mạnh tính năng thoáng khí. Hầu hết các tính năng co dãn của vải giúp tăng thêm thoải mái cho các hoạt động đòi hỏi năng lượng cao. Nhiều người kết hợp áo chống mưa và gió nhẹ với lớp giữa cách nhiệt, để nâng cao khả năng chống chọi thời tiết và không gây bí hơi.

Chống thấm nước / không thoáng khí

Lớp ngoài này phù hợp cho những ngày mưa và không hề hoạt động hoặc hoạt động nhẹ (ví dụ: câu cá, ngắm cảnh). Chúng thường được làm bằng nylon, có khả năng chống nước và gió cao. Nhưng nếu bạn sử dụng nhiều sức trong khi mặc lớp ngoài này, cơ thể bạn có thể sẽ thấm đẫm lớp mồ hôi bên dưới.

Tóm lại, việc mặc quần áo phù hợp với điều kiện thời tiết sẽ giúp bạn thoải mái tham gia các hoạt động ngoài trời hơn. Bạn càng giữ cho cơ thể thoải mái và khô ráo, bạn sẽ càng vui vẻ hơn khi tham gia các hoạt động như chạy bộ, đi bộ đường dài hoặc làm bất cứ điều gì khác trong chuyến đi dã ngoại của bạn.

Nguồn: REI