Nếu như Việt Nam có ngày tết Nguyên Đán thì Thái Lan có tết Songkran truyền thống. Songkran hay còn được biết đến với tên gọi là lễ hội té nước Thái Lan. Vào thời điểm này tại Thái thường diễn ra những hoạt động vô cùng hấp dẫn thu hút du khách quốc tế ghé tới. Nếu như bạn đang không biết lễ hội té nước 2020 ngày bao nhiêu, diễn ra ở đâu và có gì vui thì hãy tham khảo bài viết của Travelgear nhé!
Nội dung
Lễ hội té nước Thái Lan 2020 ngày bao nhiêu?
Songkran (สงกรานต์) được biết đến là ngày tết cổ truyền chào đón năm mới của Thái Lan. Vì ở Thái có đến 95% dân số theo đạo Phật chính vì vậy mà lễ hội té nước Thái Lan 2020 được diễn ra vào ngày đầu năm theo Phật lịch, bắt đầu từ ngày 13/4 đến ngày 15/4 Dương lịch. Sở dĩ diễn ra vào ngày 13/4 bởi đây là ngày có độ dài ngày và đêm bằng nhau.
Lễ hội Songkran được xem là biểu tượng của lòng hiếu khách, lòng biết ơn, tình cảm đối với gia đình và những người khác trong cộng đồng. Dịp lễ tết này người ta thường bày tỏ lòng kính trọng đối với những người lớn tuổi trong gia đình cũng như những người thân của mình bằng việc té nước vào người họ.
Vào thời điểm này ở Thái Lan thường diễn ra những hoạt động, sự kiện vô cùng hấp dẫn thu hút đông đảo người dân địa phương cũng như khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới ghé tới. Đặc biệt, trong các ngày Songkran diễn ra, người ta thường mang nước trong các xô để đổ vào người qua đường với ý nghĩa cầu phúc và ban tặng những điều tốt đẹp cho năm mới.
Bên cạnh đó, lễ hội té nước còn có ý nghĩa như một nghi thức rửa sạch những điều tiêu cực rủi ro của năm cũ. Mọi người ăn mừng Songkran bằng việc rót nước truyền thống tượng trưng cho việc rửa trôi vận hạn và tội lỗi khỏi cuộc sống của mỗi người người. Ở một số nơi tại Thái Lan người ta còn cho thêm tinh bột mì vào người để cầu chúc may mắn cho nhau.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Bangkok tự túc DƯỚI 5 TRIỆU: chơi gì, ăn gì, ở đâu…?
Lễ hội té nước ở Thái Lan diễn ra ở đâu?
Bên cạnh việc quan tâm xem lễ hội té nước Thái Lan ngày nào thì nhiều người thường không biết chúng diễn ra ở đâu? Chính vì vậy trong bài viết hôm nay Travelgear sẽ bật mí cho bạn những địa điểm diễn ra lễ hội té nước ở Thái Lan.
+ Các địa điểm tổ chức lễ hội té nước do nhà nước tổ chức
- Đường Khao San, Bangkok: từ 10h00 đến 23h00, ngày 13-15 tháng 4 năm 2020
- Đường Silom, Bangkok: từ 10h00 đến 24h00, ngày 13-15 tháng 4 năm 2020
- Phố Moat, Chiang Mai: từ 9h00 đến 22h00, ngày 11-16 tháng 4, năm 2020
- Pattaya (Bắc, Trung và Nam Beach), Công viên Lan Bodhi Na Kluea và Chon Buri: từ 9h00 đến 24h00, ngày 11-20 tháng 4, năm 2020
- Đường Khao Nieo, Khon Kaen: từ 10h00 đến 20h30, ngày 13-15 tháng 4 năm 2020.
- Bãi biển Patong, Phuket: từ 10h00 đến 22h00, ngày 12-13 tháng 4 năm 2020.
- Hat Yai Midnight Songkran tại Nipat Uthit 3 Road , Sanehanusorn Road và Wat Mahatta: từ 10h00 đến 23h00, ngày 11-15 tháng 4 năm 2020.
- Songkran Ko Samui (Bãi biển Chaweng) từ 8h00 đến 20h00, ngày 13 tháng 4 năm 2020
+ Các hoạt động thú vị khác dành cho khách du lịch
Thành phố Bangkok
- Songkran Wisutkasat: ngâm mình tại Wisutkasat (ngã tư Bang Khun Phrom), dưới cây cầu Rama 8, ngày 13-15 tháng 4.
- Banglamphu: thưởng thức các buổi trình diễn văn hóa tại Suan Santi Chaiprakarn, đường Phra Athit, diện trang phục truyền thống Thái Lan, ngày 13-15 tháng 4.
- Lan Khon Mueang: các hoạt động trao tặng trước tòa thị chính Bangkok, ngày 13-15 tháng 4.
Khu vực phía Bắc Thái Lan
- Songkran ‘Song Nam Oi Tan’ ở Sri Satchanalai, Sukhothai: Các cuộc thi sắc đẹp, cuộc diễu hành và hoạt động văn hóa sôi động tại Đài tưởng niệm Phraya Li Thai và Công viên lịch sử Si Satchanalai, 13-15 tháng 4.
Khu vực miền Tây, Trung và miền Đông Thái Lan
- Lễ hội Chùa Cát, Bang Saen, Chon Buri: cuộc thi điêu khắc cát dọc bãi biển Bang Saen, ngày 16-17 tháng 4.
- Songkran ở thủ đô cổ Ayutthaya: lễ hội truyền thống với sự góp mặt của những chú voi diễn ra trước văn còng TAT Ayutthaya, ngày 13-15 tháng 4.
- Songkran ở Sangkhlaburi, Kanchanaburi: lễ hội té nước Thái Lan Songkran theo phong cách Mon truyền thống, khác biệt rất nhiều so với những nơi khác, diễn ra tại Wat Wangwiwekaram, ngày 13-18 tháng 4.
- Songkran ở Phra Pradaeng, Samut Prakan: tham gia cuộc diễu hành, các hoạt động vui chơi và khám phá cuộc sống của người dân tộc Mon trong các bộ trang phục truyền thống, ngay 18-20 tháng 4.
- Songkran Splendours, Suphan Bur 2020: buổi trình diễn Songkran đầy màu sắc từ 10 quận khác nhau, diễn ra các cuộc thi sắc đẹp và các buổi hòa nhạc, trước trạm xe buýt Suphanburi, 13-15 tháng 4.
Khu vực phía Đông Bắc Thái Lan
- Nice Songkran, Nakhon Phanom: lễ hội truyền thống của Thái và Lào, giới thiệu văn hóa của 7 dân tộc sinh sống ở tỉnh Nakhon Phanom, công đức cho các nhà sư bằng gạo nếp, ngày 12-15 tháng 4.
- Songkran ở quận Renu, Nakhon Phanom: thưởng thức điệu nhảy truyền thống nổi tiếng có tên ‘Ram Phu Tai’, và một nghi lễ ‘Bai Sri’ – nơi người dân địa phương chào đón du khách bằng cách buộc một chuỗi nhỏ trên cổ tay của họ, 12-15 tháng 4
- Songkran hữu nghị Thái Lan-Lào, Nong Khai: Tìm hiểu về lịch sử tại cây cầu hữu nghị Thái-Lào đầu tiên, tưới nước cho Luông por Phra Sa, trải nghiệm một buổi lễ công đức tại Wat Phở Chai, đường Nong Prachak, 10-18 tháng 4.
Khu vực phía Nam Thái Lan
Songkran ‘Nang Dan’ Parade, Nakhon Sri Thammarat: rước Nàng Đan, tham gia tham gia cùng người dân địa phương để tỏ lòng tôn kính với ngài Phra Maha That Chadi Nakhon Si Thammarat và Đức Phật tại Suan Si Thammasokarat và Hor Phra Shiva, 12 -14 tháng 4.
Xem thêm: TOP 15 ngôi chùa Thái Lan nổi tiếng và linh thiêng nhất bạn nên đến khi đi du lịch tự túc
Lễ hội té nước Thái Lan có gì hấp dẫn?
Có thể bạn chưa biết nhưng từ “Songkran” trong tiếng Phạn có ý nghĩa là “khi thời gian dịch chuyển, mặt trời đi từ Hoàng Đạo sáng Kim Ngưu trong vũ trụ”. Như đã nói ở trên, trong dịp lễ hội này người dân thường té nước vào nhau để cầu chúc cho nhau những điều tốt lành cũng như bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn đối với cha mẹ và những người lớn tuổi.
Bên cạnh đó, vào dịp lễ Songkran người ta thường lên chùa để tự lễ tắm Đức Phật và mang theo trái cây cùng với những món ăn chay cúng các vị sư. Ngoài ra, hoạt động thả chim phóng sinh và cầu chúc bình yên, sức khỏe cho cha mẹ, ông bà bằng cách lấy nước thơm rót lên tay người lớn tuổi cũng là một hoạt động truyền thống của người dân nơi đây.
Nếu như bạn đang chuẩn bị có một chuyến đi du lịch tới Thái Lan trong khoảng thời gian này thì chắc chắn sẽ có một trải nghiệm vô cùng thú vị mà không phải bất lúc nào bạn cũng bắt gặp. Lễ hội té nước Thái Lan thường diễn ra trong 3 ngày chính từ 13 đến 15 tháng 4 và ngày 16/4 với những nội dung chính như sau:
- Ngày 13/4: ngày đầu tiên trong dịp lễ tết, người Thái thường ăn mặc đẹp và cùng gia đình, người thân của mình dùng bữa sáng rồi lên chùa. Sau khi thực hiện những nghi lễ ở chùa và nghe giảng đức Phật, họ mang nước thơm lên chùa để lau tượng Phật, bày tỏ lòng thành kính của mình cũng như cầu may mắn, phước bình an.
- Ngày 14/4: ngày thứ hai cũng gọi là ngày chuẩn bị (Wan Nao). Trong ngày này người Thái thường hạn chế những điều xui xẻo, không tốt. Đây là ngầy mọi người cùng bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa là bỏ đi những vật dụng không cần thiết.
- Ngày 15/4: ngày cuối cùng trong lễ hội Songkran thường được gọi là Wan Payawan. Đây là ngày Đản sinh của Đức Phật và là ngày đầu tiên của năm mới. Lễ tắm Phật được tổ chức ở hầu hết tất cả các ngôi chùa với sự tham gia của nhiều phật tử khắp nơi. Người dân Thái Lan chào đón năm mới bằng lễ hội truyền thống té nước. Nhiều nơi còn cho thêm tinh bột mì với ý nghĩa là xua đuổi những rắc rối và những điều không may.
- Ngày 16/4: thường gọi là ngày Wan Parg-bpee. Đây là ngày để cầu nguyện, tưởng nhớ người già và tổ tiên, những người đã mất và rắc nước thiêng.
Tuy nhiên, mỗi một vùng miền lại có những tập tục, hoạt động khác nhau. Thủ đô Bangkok được biết đến là nơi tổ chức các hoạt động té nước lớn nhất và thu hút đông đảo người dân địa phương cũng như những du khách nước ngoài. Ở Bangkok bạn có thể ghé tới những địa điểm tấp nập nhất như phố Khao San, đường Phra Athit, quảng trường Hoàng gia Rattanakosin, Santhichairakan và Krasa. Tạo đây vô cùng nhộn nhịp và sôi nổi, tất cả mọi người đều nhảy múa trong những làn điệu sôi động. Những người dân địa phương thì dùng xô, thau, chậu còn các vị khách du lịch thì dùng súng phun nước.
Tuy nhiên, nếu như bạn là một người yêu thích sự truyền thống và muốn tận hưởng trọn vẹn cái tết cổ truyền của người Thái Lan thì Chiang Mai sẽ là một điểm đến lý tưởng. Chiang Mai được xem là thủ đô của lễ hội té nước Thái Lan đầy màu sắc truyền thống bởi nơi đây hầu như vẫn giữ được nhiều phong tục của thời xa xưa. Vào ngày lễ Songkran người dân Chiang Mai thường bắt đầu sửa soạn đón tết từ trước 1 tháng. Họ sửa soạn, trang hoàng nhà cửa, chùa chiền sao cho lộng lẫy, nguy nga và uy nghiêm nhất.
Với những người dân Chiang Mai thì họ quan niệm tết Songkran phải càng ướt thì càng hạnh phúc, may mắn và vui vẻ. Chính vì vậy mà hầu hết tất cả mọi người đều chuẩn bị kĩ lưỡng những đồ dùng để té nước như thau, chậu, xô…. Sau khi tất cả các thành viên trong gia đình cầu chúc và chuẩn bị những bữa ăn thịnh soạn cúng tổ tiên thì họ mới bắt đầu té nước để cầu may mắn.
Đặc biệt, trong dịp lễ hội té nước Thái Lan này, người dân Chiang Mai cũng có rất nhiều hoạt động truyền thống khác chính là làm lễ buộc chỉ đỏ ở cổ tay để cầu chúc bình an và may mắn cho một năm mới, xây dựng các tháp hình cát, và ngắm nhìn những cô gái thiếu nữ Thái múa truyền thống Lana,…
Chiang Mai là một thành phố lớn thứ 5 tại Thái Lan, nơi đây được mệnh danh là “hóa hồng phương Bắc” của Thái với những ngôi đền với kiến trúc cực kì độc đáo, những lễ hội truyền thống và vô vàn những món ăn ngon hấp dẫn. Lưu lại ngay kinh nghiệm du lịch Chiang Mai để cùng khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, tìm hiểu nền văn hóa truyền thống của miền đồi núi cao này nhé!
Ngoài ra, lễ hội Songkran chào mừng năm mới còn rất sôi động ở vùng biển Pattaya và Phuket với những hoạt động nhộn nhịp như những cuộc diễu hành, nhộn nhịp hơn với các cuộc diễu hành, tiệc tùng cùng sự góp mặt của những chú voi tham gia. Đặc biệt, lễ rước Phật dọc bãi biển Patong luôn được người dân cũng như những du khách mong chờ trong dịp lễ đặc biệt này.
Nếu như bạn còn không biết lễ hội té nước Thái Lan 2020 có gì vui thì Travelgear bật mí cho bạn vào thời điểm này ở Thái còn diễn ra những sự kiện đặc biệt. Các minh tinh nổi tiếng của Thái Lan sẽ hóa thân thành nữ nần Songkran để tham gia lễ diễu hành trên những chiếc xe được trang trí lộng lẫy thành vật cưỡi tượng trưng.
Sở dĩ có màn hóa thân như vậy là bởi theo như truyền thuyết, vị thần Thao Kabinlaphrom cai quản tầng thiên đường cao nhất (theo đạo Hindu) có 7 người con gái đại diện cho 7 ngày trong 1 tuần. Nếu như ngày lễ tết Songkran rơi vào ngày nào trong tuần thì người con gái được lựa chọn sẽ hóa thân thành nàng Songkran của năm đó.
Pattaya được biết đến là một bãi biển xinh đẹp chỉ cách thủ đô Bangkok khoảng chừng 4-5 giờ đồng hồ chạy xa. Theo như kinh nghiệm du lịch Pattaya của nhiều người thì bạn có thể ghé tới đây vào khoảng tháng 4 sẽ được tận hưởng bầu không khí lễ hội vô cùng sôi động và hấp dẫn đó!
Một số lưu ý khi tham gia lễ hội té nước Thái Lan 2020
Những điều nên làm trong lễ hội té nước:
+ Trước khi tham gia vào lễ hội té nước, bạn nên làm công đức vào buổi sáng và lắng nghe những bài giảng trong đền thờ để nhận phước lành của họ. Vì là một lễ hội năm mới nên các hoạt động đền thờ thường quan trọng nhất trong dịp lễ tết truyền thống này.
+ Phong tục rót nước lên tay người lớn tuổi (trên 60 tuổi) là để thể hiện sự tôn trọng và tìm phước lành trong năm mới.
+ Nước dùng trong lễ hội té nước Thái Lan nên dùng nước sạch hoặc phải pha với nước hoa truyền thống của Thái. Không nên tạt nước quá mạnh hay sử dụng vòi nước có áp lực cao để làm tổn thương đến người xung quanh.
+ Có thể học nói câu “chúc mừng năm mới” bằng tiếng Thái là “Sawasdee Pee Mai!” để chúc những điều tốt đẹp với những người dân địa phương tại đây.
+ Nên sử dụng túi đựng chống nước để bảo vệ những thiết bị điện tử như máy ảnh, điện thoại không bị ướt. Chú ý bảo quản những đồ vật cá nhân để tránh bị móc trộm hay rơi. Những vật dụng có giá trị thì không nên mang theo.
+ Vào thời điểm diễn ra lễ hội té nước, đường phố Thái Lan thường rất đông đúc do vậy bạn nên sử dụng các phương tiện công cộng để di chuyển như tuk tuk, xe bus….
Những điều không nên làm trong lễ hội té nước Thái Lan:
+ Đối với phụ nữ, khi tham gia lễ hội té nước Thái Lan không nên mặc quần áo bó sát hay những bộ đồ quá mỏng, có màu sáng bởi khi ướt quần áo sẽ dính vào người và trở nên lộ liễu, phản cảm. Cần cẩn trọng nạn quấy rối tình dục ở những nơi đông người.
+ Khi làm lễ tắm cho Đức Phật hay những bức tượng khác, bạn không nên đổ nước trực tiếp từ trên đầu xuống mà thay vào đó nen đổ nước vào các phần khác của thân tượng.
+ Không nên tạt nước vào nhà sư, trẻ em và đặc biệt là những người tham gia giao thông bởi sẽ khiến họ dễ gặp tai nạn khi di chuyển. Trừ những nơi cho phép thì bắt buộc phải sử dụng nước hoa truyền thống Thái Lan.
+ Không nên dùng nước bẩn, tạt quá nhiều bột mì hay đá lạnh vào người khác.
Lễ hội Songkran ở Thái Lan quả thực là một trong những ngày lễ sôi dộng và độc đáo nhất mà bạn không nên bỏ qua. Tuy nhiên, đừng quên rằng lễ hội té nước Thái Lan là để chào mừng một năm mới gột rửa những sai trái, xui xẻo chứ không phải để đi “bắn nhau” đâu nhé!. Chúc các bạn có một trải nghiệm thật vui và an toàn! Ngoài ra, đừng quên tham khảo thêm những kinh nghiệm du lịch hữu ích khác để chuyến đi thêm phần trọn vẹn hơn!
>> Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Thái Lan tự túc 2019: lịch trình từ A-Z đi đâu, ăn gì, chơi gì, mua gì, ở đâu?