Thuộc vùng núi Tây Bắc nổi tiếng với những cao nguyên trải dài thơ mộng, với những ngọn núi cao ngút ngàn, hùng vĩ. Từ lâu, Lào Cai đã trở thành điểm đến lý tưởng dành cho các bạn trẻ. Trong đó không thể không kể đến Nhìu Cồ San – một trong top 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam.
Nội dung
- Những điều cần biết về Nhìu Cồ San
- Trekking đỉnh Nhìu Cồ San có cần xin giấy phép không?
- Trekking đỉnh Nhìu Cồ San vào mùa nào?
- Cần chuẩn bị những gì?
- Chỉ dẫn đường đi đến Nhìu Cồ San
- Nơi nghỉ chân ăn uống tại Nhìu Cồ San
- 6 trải nghiệm đặc biệt tại Nhìu Cồ San
- Lịch trình leo núi Nhìu Cồ San 2 ngày 1 đêm
- Tổng kết chi phí
- Lời khuyên từ porter “thổ địa”
Những điều cần biết về Nhìu Cồ San
- Nhìu Cồ San ở đâu? Nhìu Cồ San là ngọn núi toạ lạc tại xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cách trung tâm thành phố Lào Cai khoảng
- Độ cao: 2.965m
- Mức độ khó: cao (phù hợp với người đã có kinh nghiệm leo núi)
- Thời gian leo núi: 2N1Đ hoặc 3N2Đ
- Địa hình chủ yếu: leo thác, núi, lội suối, băng rừng và đồi trọc.
- Những trải nghiệm đặc biệt: săn mây trên núi, ngắm thảo nguyên xanh, cắm trại, leo thác, đi đường rừng…
- Trekking Nhìu Cồ San có an toàn không? Chuyến trekking sẽ đảm bảo an toàn nếu bạn lựa chọn thời điểm di chuyển thuận lợi và tuân thủ các quy tắc an toàn khi leo núi để hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy đến trên đường đi
- Ngọn núi xếp thứ 8 trong top 10 đỉnh núi cao nhất tại Việt Nam gồm Pusilung, Tà Chì Nhù, Bạch Mộc Lương Tử, Fansipan
Trekking đỉnh Nhìu Cồ San có cần xin giấy phép không?
Có một điểm mà bạn cần lưu ý đó là trekking Nhìu Cồ San cần xin giấy phép để đảm bảo an toàn trong chuyến hành trình. Tại một số địa điểm trekking Sapa trong thời gian gần đây đã thắt chặt hoạt động leo núi. Chính vì vậy nếu có dự định đi leo núi ở những địa điểm này các bạn cần tham khảo nhé!
Việc xin giấy để trek Nhìu Cồ San cũng khá đơn giản, bạn chỉ cần mang theo giấy tờ tùy thân đến với đội biên phòng ở Sàng Ma Sáo, hoặc có thể nhờ những anh poster “thổ địa” ở đây xin cũng được nhé.
Sau khi xin giấy phép xong thì bạn có thể bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh núi Nhìu Cồ San tuyết, chinh phục mây mù bao phủ cao nguyên ngút ngàn này rồi.
Trekking đỉnh Nhìu Cồ San vào mùa nào?
Thời gian lý tưởng nhất: Từ tháng 1- tháng 5. Thời tiết mát mẻ, dễ chịu và không quá lạnh. Đây là mùa khô nên ít có mưa, rất thích hợp cho các hoạt động di chuyển, trekking và cắm trại.
Có thể cân nhắc: Tháng 11-tháng 12 mặc dù thời tiết khá lạnh và khắc nghiệt. Tuy nhiên nếu bạn muốn săn mây hay ngắm tuyến rơi đầu mùa thì có thể lựa chọn đi du lịch thời điểm này.
Không nên đi: Tháng 6 – tháng 10, thời tiết mưa nhiều, có sương mù dày đặc, đường đi lầy lội, dễ trơn trượt và không đảm bảo an toàn.
Cần chuẩn bị những gì?
Hành trình leo núi dài đòi hỏi bạn cần chuẩn bị nhiều thứ để chuyến đi được suôn sẻ và thuận lợi hơn. “Check list” những món đồ cần mang và những việc bạn cần làm trước chuyến đi dưới đây:
Các vật dụng cần mang:
- Giấy tờ cá nhân cần thiết, tiền mặt: thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh thư, mang theo bằng lái xe nếu di chuyển bằng xe máy. Chuẩn bị một lượng tiền mặt nhất định cho chuyến đi
- Trang phục: Áo khoác giữ ấm, áo thun, áo nỉ, quần dài, tất, mũ, khăn choàng và các trang phục đủ cho 2 ngày 3 đêm hoặc 3 ngày 2 đêm trekking, đồ lót. Tùy vào thời điểm trekking mà các bạn có thể chuẩn bị các trang phục phù hợp. Ưu tiên các trang phục có chất liệu chống nước.
- Đồ dùng cá nhân: Bàn chải đánh răng, kem đánh răng, nước xúc miệng, kem chống nắng, tuýp kem bôi chống muỗi, hộp đồ dùng y tế…
- Đồ ăn: bánh mì, lương khô, nước uống, bánh quy và các loại bánh snack thích hợp ăn dọc đường…
- Các vật dụng cần thiết khi leo núi: Balo, giày trekking, đèn pin, áo mưa, lều trại hoặc võng, túi ngủ, bản đồ, định vị, cao trăn (để chống vắt), có thể chuẩn bị thêm gậy leo núi cho chuyến đi.
Những việc cần làm:
+ Rèn luyện sức khỏe để có một thể lực và tinh thần tốt nhất. Trước chuyến đi các bạn có thể luyện tập một số bài khởi động “nho nhỏ” để có sức bền tốt hơn. Và để chuẩn bị tốt cho phần này thì bạn nên xem ngay các bí quyết luyện tập leo núi địa hình khó TẠI ĐÂY
+ Liên hệ với porter (người dẫn đường) trước chuyến đi. Khi đi trekking ở một địa điểm mới và nhiều thử thách, những người này đóng vai trò như một hướng dẫn viên giúp đảm bảo an toàn cho chuyến hành trình.
+ Tìm hiểu thêm về địa hình của Nhìu Cồ San cũng như các điểm dừng chân phù hợp để nghỉ ngơi và ăn uống trong chuyến đi.
Chỉ dẫn đường đi đến Nhìu Cồ San
Để đến được Nhìu Cồ San bạn có thể lựa chọn nhiều phương tiện di chuyển khác nhau, từ xe khách, tàu hỏa hay là xe máy cũng đều được.
+ Xe khách: Hiện nay có rất nhiều xe từ Hà Nội đi Lào Cai mà bạn có thể dễ dàng tham khảo tại các bến Giáp Bát, bến xe Mỹ Đình hay Nam Thăng Long. Để tiết kiệm thời gian di chuyển thì các bạn có thể đi buổi tối, để sáng hôm sau là đến với Lào Cai rồi.
Gợi ý các hãng xe đi Lào Cai: Sao Việt, Green Bus, Hải Vân express, Daily Limousine, Hoàng yến Express… Khi đến thành phố Lào Cai các bạn có thể bắt taxi hoặc thuê xe máy đi tầm 60km nữa là đến với Nhìu Cồ San.
+ Xe máy: Phương tiện dành cho các phượt thủ muốn khám phá, tận hưởng hành trình chuyến đi. Từ Hà Nội bạn đi vào đường Đ CT05 tại Thanh Xuân từ Âu Cơ, Cầu Nhật Tân/Võ Chí Công và Võ Nguyên Giáp.
Sau đó thì tiếp tục đi vào Đ CT05, đi theo Đ CT158 để đến với Y Tý, đến với núi Nhìu Cồ San. Đoạn đường sẽ mất khoảng 6 tiếng di chuyển, vì thế bạn cũng nên chuẩn bị đầy đủ hành trang nữa nhé.
+ Tàu hỏa: Ngoài ra, nếu bạn không muốn đi xe giường nằm hay xe máy thì có thể lựa chọn đi tàu hỏa. Có rất nhiều hãng xe từ Hà Nội đến ga Lào Cai như: King Express, Oriental Express, Chapa Express,… Sau đó từ ga Lào cai bắt taxi, hoặc đi chuyển xe máy đến chân núi Nhìu Cồ San.
Nơi nghỉ chân ăn uống tại Nhìu Cồ San
Trên thực tế nếu đi cùng các porter thổ địa dẫn đường các bạn sẽ không cần lo lắng quá nhiều trong việc lựa chọn điểm dừng chân dọc đường đi hoặc nơi nghỉ ngơi trong chuyến hành trình. Có 2 điểm hạ trại chính mà các bạn có thể lựa chọn khi đi trekking Nhìu Cồ San đó là tại lán nghỉ ở gần thác Ong Chúa và lán nghỉ gần bãi thả dê.
6 trải nghiệm đặc biệt tại Nhìu Cồ San
- Lạc bước trong khu rừng thủy tinh: là một khu rừng thảo quả, nhiệt độ trong rừng xuống thấp, đặc biệt là vào mùa đông khu rừng đóng băng như được làm từ thủy tinh. Nom hết sức đặc biệt
- Săn mây đón gió trong những ngày nhiều sương mù: Những ngày nhiều sương mù có lẽ là sự thuận lợi về mặt thời tiết để các bạn có thể săn mây và tận hưởng nét đẹp đặc trưng của vùng núi cao này.
- Chinh phục những con dốc thẳng đứng: Địa hình đa dạng là những mức độ thử thách khác nhau trong chuyến hành trình. Tuy nhiên với những con dốc thẳng đứng thì chỉ ở Nhìu Cồ San các bạn mới được trải nghiệm rõ rệt.
- Tham quan thác Ong Chúa hùng vĩ: Dọc đường di chuyển tại thác Ong Chúa là cung đường khó khăn nhưng cũng là nơi có phong cảnh đẹp nhất dọc đường chinh phục Nhìu Cồ San. Thác to, hùng vĩ, tung bọt trắng xóa với dòng chảy mạnh mẽ từ thượng nguồn.
- Cắm trại giữa thiên nhiên hoang sơ: Các bạn có thể lựa chọn các địa điểm cắm trại phù hợp dọc đường đi để dừng chân nghỉ ngơi. Kết hợp cắm trại đốt lửa sưởi ấm và nhâm nhi những món ăn ngon hấp dẫn.
- Đặt chân lên đỉnh Nhìu Cồ San nhiều nắng và gió: Đích đến cuối cùng là đỉnh Nhìu Cồ San, nơi tầm cao giúp bạn có thể bao quát khung cảnh đẹp và quên đi mọi khó nhọc dọc đường đi. Lên đến đỉnh là sự đền bù xứng đáng cho hành trình vất vả của đoạn đường băng rừng, vượt suốt và leo dốc…
Lịch trình leo núi Nhìu Cồ San 2 ngày 1 đêm
Đến với “thảo nguyên trên biển mây” Nhìu Cồ San, bạn sẽ được khám phá thảm thực vật hoang sơ mà đa dạng ở đây, cùng với đó là săn mây trên đỉnh núi, ngắm nhìn thảo nguyên Y Tý thu nhỏ tuyệt đẹp. Đến với hành trình trekking núi Nhìu Cồ San này, chắc chắn sẽ có rất nhiều trải nghiệm thú vị đấy.
Ngày 1: Sàng Ma Sáo – bản Nhìu Cồ San – Thác Ong Chúa – lán nghỉ
21:30 phút tối: Di chuyển từ bến xe Mỹ Đình đến trung tâm thành phố Lào Cai và khoảng hơn 5 giờ sáng hôm sau đã đặt chân đến với “thành phố trong sương” Lào Cai.
6h30 phút sáng: Có mặt tại bản Sàng Ma Sáo, nơi bọn mình đã hẹn những anh poster kiêm thổ địa tại đây để hướng dẫn đường đi. Ban đầu mình tưởng là có thể bắt đầu hành trình luôn nhưng phải mất khoảng 30 phút để xin giấy từ đội biên phòng nữa. Thế nên các bạn cũng nên lưu ý trước nhé.
7h30 phút sáng: Di chuyển đến bản Nhìu Cồ San, đường ở đây rất khó đi, toàn đất, đá to bên đường, còn cả ổ gà nữa. Vì thế mà đi một đoạn bọn mình lại phải xuống dắt xe, còn bạn nào mà đi vào mùa mưa thì dự là sẽ rất khó khăn.
Đến với bản Nhìu Cồ San, với những nét hoang sơ của những căn nhà vùng núi Tây Bắc, người dân thì thân thiện với nụ cười ấm áp. Đây chắc hẳn là điều vẫn còn ghi nhớ trong tiềm thức của mình nhất, sau khi xin gửi xe, đồ đạc ở đây thì bọn mình bắt đầu hành trình theo đường thác Ong Chúa.
9h00 sáng – 11h00: Là khoảng thời gian leo thác Ong Chúa. Đến thác Ong Chúa, bạn sẽ mất 20.000/người để đi vào cổng. Những bước chân đầu tiên với những vách đá ngày càng hiện rõ như muốn vắt kiệt sức của từng người vậy, lúc này nắng cũng bắt đầu lên cao.
Nhìn dòng nước từ trên cao đổ xuống trắng xóa, điểm thêm vào thảm thực vật xanh ngát ở đây, ngồi đây bạn có thể nghe được tiếng róc rách của thác chảy như một bản giao hưởng của rừng sâu vậy.
So với đoạn đầu thì cung đường tiếp theo lại càng trắc trở hơn rất nhiều, chỉ toàn là dốc nối dốc, khiến cho ai nấy cũng mệt lã người. Tuy nhiên, gần đến với lán nghỉ, bạn sẽ bắt gặp cả ngọn núi được điểm thêm màu đỏ rực của hoa đỗ quyên rừng, thơ mộng vô cùng.
Khoảng 17h00 chiều, bọn mình dừng tại lán nghỉ và chuẩn bị đồ ăn tối. Lúc này cũng đã được khá cao nên trời tối cũng khá nhanh, nhiệt độ cũng thấp hơn. Được anh poster đãi món nướng thơm ngon cùng những món đặc sản Lào Cai, đúng là không còn gì bằng.
Buổi tối từ 19h00 – 22h00 bọn mình cùng quây quần lại, ngồi kể nhau nghe những câu chuyện đời thường, cùng nhau đàn hát giữa đốm lửa hồng, giữa cái xe lạnh của núi Nhìu Cồ San, giữa cái âm u, huyền bí của rừng ranh. Đúng là một trải nghiệm khó quên đấy.
Ngày 2: Lán nghỉ – Đỉnh Nhìu Cồ San – thị trấn Sapa – Hà Nội
Sáng hôm sau bọn mình dậy rất sớm, chắc là do khí thế chinh phục một trong các đỉnh núi cao nhất Việt Nam thôi thúc bọn mình. 5h00 sáng bắt đầu đến với đỉnh núi để ngắm bình minh.
Sau khi vượt qua các khu rừng trúc âm u, khung cảnh hùng vĩ của ngọn núi bắt đầu hiện ra một cách rõ rệt hơn. Hơn 7h00, bọn mình đã đến được với đỉnh núi, từ đây bạn có thể nhìn thấy đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, đỉnh Lảo Thẩn hiên ngang giữa đất trời Tây Bắc.
Đứng trên đỉnh núi, vừa tận hưởng không khí trong lành, cái xe lạnh của buổi sáng và đặc biệt là mây phủ bao quanh lấy cả ngọn núi.
Lúc này, bạn sẽ thấy cả thảo nguyên Y Tý được bao phủ bởi mây mù, cái nắng sáng mai chưa đủ sức để chiếu rọi, xua tan đi sương mù. Mà chỉ đủ sức làm cho những đám mây, tán lá trở nên lấp lánh hơn, trở nên hấp dẫn hơn mà thôi.
Sau khi nghỉ ngơi, tận hưởng cảm giác chinh phục được đỉnh núi Nhìu Cồ San thì bọn mình bắt đầu xuống núi. Nếu như con đường lên núi có vẻ khó khăn và ít khung cảnh thú vị hơn thì con đường xuống bạn sẽ bắt gặp những cây phong đỏ rực, những chú dê đang thơ thẩn gặm cỏ.
Chẳng mấy chốc đã xuống đến chân núi, bản làng đã hiện ra trước mặt. Lúc này cũng còn khá sớm, Kì thế cả nhóm quyết định lên kế hoạch khám phá thị trấn Sapa rồi mới về Hà Nội.
Sau một hành trình dài, tận hưởng không khí nhộn nhịp của thị trấn, thưởng thức những món ăn đặc sản thơm ngon của Sapa, khiến cho cả nhóm lấy lại tinh thần ngay lập tức vậy.
Khoảng 19h00 tối, tạm biệt thị trấn Sapa, tạm biệt Nhìu Cồ San để trở về với thủ đô. Dù mệt, dù khó khăn là vậy, nhưng chinh phục thành công một trong 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, được nhìn ngắm mây trời hùng vĩ đã mang đến cho mình rất nhiều trải nghiệm thú vị và khó quên đấy.
Tổng kết chi phí
Tùy vào lịch trình chi phí trekking sẽ có sự khác biệt. Trung bình chi phí trekking Nhìu Cồ San trong 2 ngày 1 đêm là 700,000đ/người bao gồm phí xin giấy phép leo núi, chi phí di chuyển đến Lào Cai, giá vé thác Ong Chúa, chi phí ăn uống và thuê porter dẫn đường. Mức chi phí có thể cao hơn nếu bạn lựa chọn ăn tại các nhà dân bản.
Lời khuyên từ porter “thổ địa”
Trekking Nhìu Cồ San là một trong những trải nghiệm thú vị nhưng song hành với nhiều khó khăn. Các bạn có thể lưu lại một số tips nhỏ kinh nghiệm của “thổ địa” tại đây để có một chuyến đi suôn sẻ trọn vẹn hơn:
+ Địa hình phức tạp, nhiều sương mù là một trong những trở ngại lớn trong quá trình di chuyển, chính vì vậy hãy luôn theo sát đoàn và không tự ý rẽ lối mòn khác.
+ Nên đi ít nhất theo đoàn từ 5 -7 người để đảm bảo tính đồng đội và hỗ trợ lẫn nhau một cách tốt nhất
+ Dốc đứng là những địa hình bạn sẽ gặp phải rất nhiều trên đường trekking Nhìu Cồ San. Quan sát kĩ càng và tìm điểm lấy đà chậm rãi trước khi tiếp tục những bước chân tiếp theo.
Như vậy, phía trên là toàn bộ kinh nghiệm leo núi và lịch trình cụ thể mà các bạn có thể tham khảo. Hy vọng sẽ giúp các bạn có thêm hiểu biết và có chuyến trekking núi Nhìu Cồ San thật thú vị nhé.
Xem thêm >> Kinh nghiệm chinh phục Lảo Thần Y Tý – Địa điểm siêu gần núi Nhìu Cồ San