Bangkok Thái Lan là một trong những điểm đến được nhiều người yêu thích hiện nay bởi nơi đây sở hữu cho mình không chỉ những địa điểm du lịch hấp dẫn mà còn được biết đến là một thiên đường mua sắm. Với lợi thế chỉ cách Việt Nam khoảng 2 giờ bay, không cần phải làm visa, chi phí cực rẻ chỉ dưới 5 triệu đồng là bạn đã có thể khám phá thủ đô của Thái Lan rồi. Cùng tham khảo những kinh nghiệm du lịch Bangkok tự túc chi tiết từ A-Z dưới đây nhé! 

Nên đi du lịch Bangkok thời điểm nào? 

Thời tiết tại Bangkok cũng khá giống với Sài Gòn của Việt Nam khi quanh năm thường nắng nóng. Tuy nhiên, vào khoảng từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau là thời điểm lý đẹp để bạn có thể khám phá cũng như tham quan tại Bangkok bởi lúc này thời tiết khá mát mẻ, không nắng gay gắt.

Ngoài ra, trong bài viết Kinh nghiệm du lịch Bangkok tự túc Travelgear mách bạn có thể ghé tới vào khoảng tháng 12 âm lịch bởi lúc này ở Thái là ngày lễ tình nhân hoặc vào giữa tháng 4 là tết cổ truyền Songkran với lễ hội té nước vô cùng thú vị. Với những bạn là tín đồ của shopping thì đừng bỏ qua dịp cuối năm hoặc vào tháng 7 nhé! Đây chính là 2 dịp sale lớn nhất trong năm đó!

Xem thêm: Nên đi Thái Lan vào tháng mấy đẹp và giá rẻ nhất khi đi du lịch tự túc?

Phương tiện di chuyển, đi lại

1. Di chuyển từ Hà Nội/HCM đến Bangkok 

Để có thể di chuyển đến Bangkok bạn có thể lựa chọn các hãng máy bay của Việt Nam như Vietnam Airline, Jetstar, Bamboo Airway hay Vietjet Air… hoặc các hãng máy bay khác như AirAsia, Nok Air, Thai Airways,… Giá vé tùy từng thời điểm sẽ có mức giá khác nhau, thường dao động từ 2 triệu đến 5 triệu khứ hồi.

Một kinh nghiệm giúp bạn có thể tiết kiệm chi phí chính là săn vé rẻ đối với những hãng hàng không giá rẻ và nên đặt vé máy bay trước ít nhất 1 tháng. Tại Bangkok có 2 sân bay chính là sân bay Don Muang (sân bay cũ) và sân bay Suvarnabhumi (sân bay mới). Sau khi hạ cánh tại sân bay Thái Lan bạn có thể dễ dàng đi về thủ đô Bangkok với những cách di chuyển sau:

+ Cách di chuyển từ sân bay Don Muang về Bangkok

Taxi: sau khi nhập cảnh bạn di chuyển đến sảnh ga đến để bắt taxi về trung tâm thành phố. Bạn có thể bảo tài xế bật đồng hồ để tính tiền theo km hoặc có thể trao đổi với họ một mức giá cụ thể. Tuy nhiên, bạn cũng nên mặc cả xuống một chút nhé! Bạn cũng nên hỏi cụ thể về việc trả phí cầu đường là mình trả hay họ trả. Nếu bạn lựa chọn đi cao tốc (highway) thì sẽ phải trả thêm phí. Tiền đi taxi từ sân bay Don Muang về Bangkok khoảng 300 – 400baht.

Xe bus: ở sân bay Don Muang có hệ thống xe bus để bạn lựa chon di chuyển về trung tâm. Xe buýt sân bay thường có giá rẻ và sạch đẹp hơn rất nhiều so với xe buýt địa phương. Các tuyến xe bus ở sân bay Don Muang như sau:

  • Route 4: Airport – Silom Rd
  • Route 29: Airport – Victory Monument – Bangkok Railway Station (Hua Lamphong)
  • Route 10: Airport – Victory Monument – Southern Region Bus Terminal
  • Route 13: Airport – Sukhumvit Rd. – Eastern Region Bus Terminal

Xe bus kết hợp với tàu điện: theo như kinh nghiệm du lịch Bangkok tự túc của nhiều người thì việc kết hợp di chuyển xe bus với tàu điện trên cao sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian bởi giao thông ở Bangkok thường xuyên trong tình trạng kẹt xe.

Nếu lựa chọn theo cách di chuyển này bạn có thể di chuyển đến cửa Gate 7 ở nhà ga quốc tế sân bay để đón xe A1 di chuyển về Chatuchak Park (giá 30 baht). Từ đây bạn tìm BTS Mo Chit hoặc đi MRT Chatuchak Park. Hoặc lựa chọn Bus A2 để đến trạm BTS Victory Monument. Từ hai trạm Mochit hay Victory Monument bạn có thể lựa chọn di chuyển về trạm BST/MRT ở gần nơi bạn ở nhất. (Cách di chuyển bằng BST chúng mình sẽ hướng dẫn ở phía dưới nhé!)

Thuê xe riêng: nếu như bạn đi theo đoàn đông người thì có thể lựa chọn thuê xe riêng di chuyển trên các ứng dụng như Klook, KKday… Việc thuê xe riêng sẽ thuận tiện tuy nhiên chúng sẽ tốn nhiều tiền và chỉ thích hợp với những gia đình hay nhóm đông người vì khi chia ra sẽ rẻ hơn rất nhiều.

+ Cách di chuyển từ sân bay Suvarnabhumi về Bangkok

Taxi: sau khi nhập cảnh bạn di chuyển đến cổng Entry ở tầng 1 cửa 4 và 7 của sân bay để xếp hàng bắt taxi. Các nhân viên sẽ đưa cho bạn 1 tờ giấy để điền tên điểm đến và cung cấp các thông tin cho tài xế. Di chuyển bằng taxi về Bangkok sẽ mất khoảng 400 baht.

Airport Rail Link: đây là tuyến tàu điện di chuyển từ sân bay Suvarnabhumi về thủ đô Bangkok và ngược lại. Giá vé 45 bath/chiều và (nếu đi đến trạm cuối) hoặc giá 15 bath/trạm, đi qua các trạm BTS có đường màu xanh hoặc đỏ (trong sơ đồ BTS phía dưới). Thời gian di chuyển là 30 phút. Đây cũng là một phương án lý tưởng trong kinh nghiệm du lịch Bangkok tự túc giá rẻ đó!

Xe bus: có 2 tuyến xe bus để bạn lựa chọn di chuyển về trung tâm như tuyến 551 về Victory Monument hoặc tuyến 552 về trạm Skytrain On Nut BTS Station. Xe bus hoạt động từ khoảng 4h đến 22h.

Airport Express Bus: tuyến xe bus chạy thẳng về các trạm Silom Road, Sukhumvit Road, Khaosan Road, và trạm BTS Hualampong với thời gian 45 phút, giá vé 150 baht/lượt. Bạn có thể mua vé tại quầy dịch vụ ở tầng 1, Gate 8.

Thuê xe riêng: tương tự như ở trên, bạn có thể lựa chọn thuê xe riêng để đi về trung tâm nếu như bạn đi đông người nhé!

2. Các phương tiện đi lại ở Bangkok

Một số phương tiện đi lại trong trung tâm Bangkok có thể kể đến như sau:

+ Tuk tuk: đây là một phương tiện di chuyển thuận tiện ở Bangkok và thường được nhiều du khách nước ngoài lựa chọn. Ưu điểm việc đi Tuk tuk chính là nhanh chóng ngay cả khi giao thông ở Thái thường trong tình trạng kẹt xe. Tuy nhiên, nếu đi Tuk tuk thì bạn hãy mặc cả giá nhé bởi họ nó nói thách khá nhiều đó!

+ Taxi/grab…: phương tiện này sẽ thích hợp với gia đình có trẻ nhỏ hoặc những nhóm đông thành viên bởi đi lại bằng taxi tại Bangkok thường có giá khá cao. Hơn nữa, vì thường xuyên kẹt xe nên sẽ rất tốn thời gian đó!

+ Tàu điện trên cao BTS hoặc tàu điện ngầm MRT: đây có lẽ là hai phương tiện di chuyển bình dân thường được nhiều người lựa chọn nhất. Dưới đây mình sẽ hướng dẫn cách di chuyển bằng BTS/MRT ở Bangkok, note ngay lại trong kinh nghiệm đi Bangkok tự túc nhé!

Hướng dẫn cách di chuyển BTS/MRT ở Bangkok

Nhìn vào sơ đồ trên bạn sẽ thấy có 4 tuyến đường chính: BTS là tuyến Silom (xanh lá), BTS Sukhumvit (xanh lam), tuyến tàu điện ngầm MRT (xanh nước biển nhạt) và tuyến Airport Rail Link (đỏ và xanh than).

Cách di chuyển BTS ở Bangkok:

Tuyến BTS Silom sẽ xuất phát từ trạm National Stadium (W1), kết thúc tại trạm Bang Wa (S12) và ngược lại. Một số trạm gần những địa điểm nên đi ở Bangkok như:

  • Trạm National Stadium (W1): dừng tại sân vận động quốc gia, gần trung tâm mua sắm MBK, Trung tâm nghệ thuật văn hoá Bangkok (Bangkok Art and Culture Center), Jim Thompson’s House.
  • Trạm Siam (Central Station): nút giao của 2 tuyến BTS Silom và BTS Sukhumvit, gần các trung tâm mua sắm lớn Siam Paragon, Siam Center và Central World, bảo tàng sáp Madame Tussauds Bangkok, thuỷ cung Sea Life Ocean World.
  • Trạm Sala Daeng (S2): nút giao với tuyến tàu điện ngầm MRT, gần khu ăn chơi Silom Road, khu Patpong, khu phức hợp mua sắm Silom Complex.
  • Trạm Saphan Taksin (S6): gần cầu cảng Sathorn, từ đây có thể đi thuyền miễn phí đến khu mua sắm Asiatique, gần cầu cảng Si Phraya nơi có nhiều du thuyền ăn tối trên sông Chao Phraya.
  • Các tuyến còn lại thường có ít các địa điểm du lịch ở Bangkok.

Tuyến BTS Sukhumvit sẽ bắt đầu từ trạm Mo Chit (N8) và đến trạm E14 Bearing, đi qua một số trạm có nhiều địa điểm du lịch như:

  • Trạm Mo Chit (N8): gần sân bay Don Muang nhất, kết nối với sân bay bằng tuyến xe buýt A1, nằm cạnh công viên và khu chợ Chatuchak. Là điểm giao với tuyến tàu điện ngầm MRT, bến xe Mo Chit Bus Station…
  • Trạm Phaya Thai (N2): điểm giao với tuyến tàu điện Airport Rail Link (đi sân bay Suvarnabhumi),
  • Trạm Ratchathewi (N3): gần khu Pratunam, cách khu mua sắm Platinum, chợ Pratunam khoảng 1km.
  • Trạm Siam (Central Station): nút giao của 2 tuyến BTS Silom và BTS Sukhumvit, gần các trung tâm mua sắm lớn Siam Paragon, Siam Center và Central World, bảo tàng sáp Madame Tussauds Bangkok, thuỷ cung Sea Life Ocean World. Trạm này bạn cũng nên lưu ý trong kinh nghiệm du lịch Bangkok tự túc bởi chúng rất thuận tiện và gần nhiều địa điểm tham quan.
  • Trạm Nana (E3): nơi có nhiều các quán bar, pub….
  • Trạm Asok (E4): nút giao với trạm tàu điện ngầm MRT, gần trung tâm mua sắm Terminal 21, khu Soi Cowboy với các quán bar
  • Trạm Ekkamai (E7): gần bến xe Ekkamai, từ đây có thể bắt xe đi Pattaya
  • Trạm Udom Suk (E12): nơi gần nhất để đến trạm bắt shuttle bus đi Mega Bangna.

Tuyến BTS Airport Rail Link sẽ đi qua một số trạm để kết nối từ trung tâm Bangkok về sân bay Suvarnabhumi, trong đó có trạm Raychaprarop để đến toà nhà Baiyoke Sky Bangkok, gần khu phức hợp King Power.

Hướng dẫn cách mua vé tàu điện trên cao BTS: 

  • Bước 1: Đến quầy vé để đổi tiền giấy thành tiền xu
  • Bước 2: Mua vé tại các quầy bán vé tự động. Tại đây bạn xác định trạm muốn đến sau đó nhập tên số của trạm, lúc này ở trên bảng tự động sẽ hiện số tiền mà bạn phải trả. Nhét xu vào ô số 2 (số tiền phải lớn hơn hoặc bằng giá vé bạn cần trả). Nếu thanh toán đủ thì vé sẽ rút ra ở ô số 3. Nếu có tiền thừa thì sẽ được trả lại ở ô số 4.

  • Bước 3: Đưa thẻ vào khe sau đó nhận lại thẻ ở mặt trên, cửa sẽ mở để bạn đi vào. Bạn phải giữ thẻ trong suốt hành trình. Đến lúc ra bạn làm tương tự nhưng chỉ cần đưa thẻ vào, máy sẽ giữ lại thẻ.
  • Bước 4: Xác định hướng mình cần đi. Đứng xếp hàng sau vạch vàng, nép về hai bên, nhường đường cho người xuống rồi hãy lên tàu nhé!

Cách di chuyển bằng MRT ở Bangkok

MRT là tàu điện ngầm bắt đầu từ Bang Sue đến trạm Hua Lamphong. Một số trạm phổ biến như:

  • Trạm Chatuchak Park: ngay gần công viên và chợ cuối tuần Chatuchak, nơi đón xe buýt A1 ra sân bay Don Muang
  • Trạm Thailand Cultural Center: gần nhà hát xem Lan Siam Niramit, gần bảo tàng 3D Art in Paradise Bangkok
  • Trạm Phetchaburi: điểm giao với Airport Rail Link (trạm Makkasan) ra sân bay Suvarnabhumi
  • Trạm Sukhumvit: điểm giao với tuyến BTS Sukhumvit, gần trung tâm mua sắm Terminal 21
  • Trạm Silom: điểm giao với tuyến BTS Silom
  • Trạm Hua Lamphong: gần khu phố tàu Chinatown, phố ẩm thực Yaowarat.

Hướng dẫn cách mua vé tàu điện ngầm MRT 

  • Bước 1: Bạn có thể mua vé tại quầy hoặc mua tại những máy bán vé tự động. Đối với mua vé tại máy bán vé tự động bạn cần xác định trạm muốn đến sau đó bấm vào tên trạm hiện ở màn hình. Máy sẽ thông báo cho bạn số tiền cần phải trả. Sau đó nhét tiền xu hoặc tiền giấy vào khe ở ô số 2. Nhận lại tiền thừa và vé tại ô số 3.
  • Bước 2: Vé MRT được xuất dưới dạng hình xu nhựa. Bạn quét đồng xu này để mở cổng kiểm soát và giữ chúng trong suốt chuyến đi.
  • Bước 3: Tương tự như khi đi BTS. Xác định hướng mình cần đi. Đứng xếp hàng sau vạch vàng, nép về hai bên, nhường đường cho người xuống rồi hãy lên tàu nhé!
  • Bước 4: Khi ra khỏi trạm, bạn sẽ nhét đồng xu vào khe. Máy sẽ giữ lại thẻ.

Du lịch tự túc Bangkok nên ở đâu? 

Vì là một thành phố phát triển mạnh về du lịch chính vì vậy mà tại Bangkok có rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ bình dân hay resort nghỉ dưỡng cho các bạn lựac họn. Theo như kinh nghiệm du lịch Bangkok tự túc của nhiều người thì bạn nên lựa chọn đặt phòng khách sạn trên các trang web book phòng trực tuyến như Agoda, Traveloka, Booking.com…. để được mức giá tốt nhất nhé!

Khi đi du lịch tự túc Bangkok nhiều người thường băn khoăn không biết nên chọn khách sạn ở khu vực nào, chính vì vậy trong bài viết hôm nay, Travelgear sẽ giúp bạn tìm cho mình một nơi phù hợp với mục đích chuyến đi của bạn nhé!

Khu vực Pratunam

Đây được xem là một khu vực trung tâm ở Bangkok bởi chúng rất gần các địa điểm tham quan cũng như các trung tâm mua sắm lớn.

  • Ưu điểm: sôi động, náo nhiệt. Gần khu chợ bán quần áo Platinum, Central World, nhiều nhà hàng giá rẻ và nổi tiếng như Baiyoke. Có nhiều khách sạn, hostel giá rẻ thích hợp với những người thích du lịch bụi Thái Lan.
  • Nhược điểm: giao thông thường xuyên trong tình trạng đông đúc. Cách trạm BTS gần nhất khoảng 10 phút.

Khu vực Siam 

Khu Siam Bangkok được xem là một kinh đô của các trung tâm mua sắm và đông cư dân sinh sống. Hơn nữa, Siam cũng có trạm BTS thuận tiện để bạn di chuyển đến các địa điểm du lịch ở Bangkok.

  • Ưu điểm: gần trạm BTS trung tâm giúp việc di chuyển được dễ dàng. Xung quanh có nhiều trung tâm thương mại mua sắm lớn như MBK, Siam Paragon, Siam Center, Siam Discovery…
  • Nhược điểm: không có nhiều hoạt động về đêm. Giá phòng khách sạn cũng đắt hơn so với những nơi khác.

Khu vực Silom

Silom là khu vực tài chính lớn của Bangkok, là nơi có những trụ sở công ty lớn. Tuy nhiên vào ban đêm tại đây cũng rất sôi động và tấp nập với khu phố “đèn đỏ” nổi tiếng.

  • Ưu điểm: nhiều nhà hàng, khách sạn từ bình dân đến cao cấp. Gần khu phố “đèn đỏ” Patpong, gần nhiều trạm BTS, MRT
  • Nhược điểm: thường xuyên kẹt xe, không có nhiều nét đặc trưng của Thái Lan.

Khu vực Sukhumvit

Sukhumvit là trung tâm mua sắm, ăn uống và cuộc sống về đêm ở Bangkok. Tại đây là sự kết hợp giữa văn hóa bản địa trong những ngõ ngách khu phố với hiện đại, tiện nghi ở những tòa nhà cao tầng cũng như hệ thống nhà hàng phong phú, đa dạng.

  • Ưu điểm: nhiều nhà hàng, quán ăn. Có nhiều sự lựa chọn về khách sạn. Ban đêm sôi động, tấp nập.
  • Nhược điểm: các địa điểm tham quan, mua sắm thường cách xa nhau.

Khu vực China Town 

China Town không chỉ là một con phố người Tàu mang đậm phong cách văn hóa Trung Hoa mà nơi đây còn được xem là một thiên đường ẩm thực của Thái Lan cũng như có nhiều hoạt động hấp dẫn.

  • Ưu điểm: thiên đường ăn uống với những hàng quán vỉa hè bình dân nổi tiếng. Khung cảnh tấp nập và rất lung linh khi về đêm.
  • Nhược điểm: cách xa trung tâm, không có nhiều địa điểm tham quan.

Khu vực Riverside

Riverside tọa lạc ngay bên cạnh dòng sông Chao Phraya với khung cảnh tuyệt đẹp khi màn đêm buông xuống. Nơi đây được xem là một khu nghỉ dưỡng trong lòng thủ đô Bangkok.

  • Ưu điểm: không khí trong lành, cảnh đẹp. Nhiều nhà hàng, khách sạn sang trọng.
  • Nhược điểm: cách xa trung tâm. Giá phòng khách sạn thường khá đắt.

Đi Bangkok nên ăn gì? 

Ở Bangkok được xem là một thiên đường các món ăn đường phố chính vì vậy mà ở trên khắp các con phố bạn có thể lựa chọn cho mình một quán ăn vỉa hè để thưởng thức những món ăn đặc sản của Thái như Tom yum, mì vịt tiềm, vô vàn các món hải sản….và đừng quên trái cây ở Thái cũng ngon tuyệt vời nữa đó!

Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn ghé tới các Food Court bên trong các trung tâm thương mại để lựa chọn các món ăn. Tuy nhiên, nếu ăn tại Food Court bạn sẽ phải mua thẻ sau đó lựa chọn đồ ăn tại các gian hàng. Nếu không hết số tiền trong thẻ sẽ được hoàn lại bằng tiền mặt.

Chơi gì ở Bangkok? Các điểm du lịch ở Bangkok Thái Lan

Bản đồ du lịch Bangkok

1. Chùa Wat Arun

Thái Lan vốn nổi tiếng với nhất nhiều ngôi chùa cổ kính khác nhau, một trong những ngôi chùa được nhiều người yêu thích nhất có lẽ phải kể đến Wat Arun với tên gọi Tiếng Việt là chùa Bình Minh. Ghé tới đây bạn sẽ được chiêm ngưỡng lối kiến trúc độc đáo và không kém phần tinh tế của ngôi chùa cổ kính nhất tại Thái Lan này. Tuy nhiên, theo như kinh nghiệm du lịch Bangkok tự túc thì bạn nên cẩn thận khi mua sắm không sẽ bị lừa và nói thách đó!

Cách đi: đi BTS đến Saphan Taksin, tìm Exit 1 sau đó ra thẳng bến tàu rồi chọn tàu nhỏ di chuyển đến Wat Arun với giá chỉ khoảng 15 baht/người. 

2. Chùa Wat Pho 

Nằm ngay đối diện chùa Bình Minh là ngôi chùa không kém phần cổ kính mang tên Wat Pho hay còn gọi là chùa Phật Ngọc. Không chỉ nổi tiếng bởi công trình kiến trúc kì vĩ và hoành tráng mà nơi đây còn nổi tiếng với việc sở hữu pho tượng ngọc bích vô cùng ấn tượng và mang nhiều ý nghĩa đối với người dân Thái Lan. Đặc biệt, ngôi chùa này còn là nơi ra đời massage tại Thái đó!

Cách đi: đi BTS đến Saphan Taksin, tìm Exit 1 sau đó ra thẳng bến tàu rồi chọn tàu nhỏ di chuyển đến Wat Pho với giá chỉ khoảng 15 baht/người. 

Xem thêm: TOP 15 ngôi chùa Thái Lan nổi tiếng và linh thiêng nhất bạn nên đến khi đi du lịch tự túc

3. Hoàng Cung Thái Lan 

Một trong những điểm du lịch ở Bangkok nổi tiếng tiếp theo chính là Hoàng cung Thái Lan. Nơi đây được xem là một quần thể kiến trúc với nhiều công trình khác nhau được thiết kế mang đậm phong cách của nhiều nước như Thái, Hoa, Ấn… Mặc dù được xây dựng khá lâu song đây vẫn giữ được vẻ hoành tráng như thuở ban đầu. Ngoài việc phục vụ cho du khách tham quan thì Hoàng Cung còn là nơi thường tổ chức những sự kiện của hoàng gia Thái.

Một điều lưu ý nhỏ trong kinh nghiệm du lịch Bangkok Thái Lan chính là khi ghé tới các ngôi chùa hay khu cực Hoàng gia bạn không nên mặc đồ ngắn nhé!

Cách đi: đi BTS đến Saphan Taksin, tìm Exit 1 sau đó ra thẳng bến tàu rồi chọn tàu nhỏ di chuyển đến Hoàng Cung với giá chỉ khoảng 15 baht/người. 

4. China Town 

Nằm trong danh sách Bangkok các địa điểm ưa thích chắc chắn không thể bỏ qua khu phố tàu China Town. Bất kể ngày hay đêm thì nơi đây cũng đều tấp nập với những hàng quán ở dọc hai bên đường. Không những vậy, chính khung cảnh lộng lẫy với những công trình kiến trúc đậm phong cách Trung Hoa xưa chính là điều mà nhiều du khách yêu thích tại đây.

Cách đi: đi MRT đến bến Hua Lamphong rồi đi bộ khoảng 10 phút là tới trung tâm China Town. 

5. Phố tây Khao San Road

Ở Bangkok cũng có một khu phố Tây giống như ở Tạ Hiện hay Bùi Viện. Phố tây Khao San Road vào buổi tối thường rất đông đúc và nhộn nhịp, sầm uất với những quán bar hay quán pub. Không chỉ được cảm nhận một bầu không khí sôi động, đến với Khao San bạn còn có cơ hội thưởng thức những món ăn đường phố mang đậm nét của người Thái. Nếu còn đang không biết đi đâu ở Bangkok vui chơi về đêm thì Khao San Road chắc chắn là điểm dừng chân lý tưởng.

Cách đi: đi MRT đến bến Hua Lamphong rồi đi bộ khoảng 15 phút là tới Khao san. 

6. Công Viên Safari World

Công viên Safari World được biết đến là một vườn thú tự nhiên lớn nhất Châu Á. Đây chắc chắn là một trong các điểm du lịch Bangkok cực kì thú vị dành cho những gia đình có trẻ nhỏ. Ghé tới đây bạn sẽ được tìm hiểu cũng như tận mắt chứng kiến rất nhiều loài động vật khác nhau như khỉ, vượn, hươu nai, cá heo…vô cùng thân thiện. Ngoài ra tại đây cũng có rất nhiều trò chơi hấp dẫn nữa đó!

Cách đi: đi BTS đến Mo Chit Station, ra Exit 1 hoặc 3 rồi tiếp tục đi bus 26 hoặc 96, xuống tại trạm Fashion Island Shopping Mall, đi qua cầu vượt bắt taxi đi thêm đoạn để đến Safari World. 

Các địa điểm mua sắm ở Bangkok 

1. Khu chợ Platinum

Nơi đây được xem là một thiên đường mua sắm quần áo, phụ kiện bình dân với mức giá chỉ từ 200Baht là bạn có thể tha hồ shopping xả láng rồi. Mặc dù là một khu chợ thế nhưng chúng được thiết kế bên trong một tòa nhà rộng lớn với hàng trăm gian hàng khác nhau cho bạn lựa chọn. Khu chợ này gồm 2 tòa nhà chính, bên trong điều hòa mát rười rượi cho các bạn tha hồ đi ngắm đồ. Theo kinh nghiệm mua sắm ở Bangkok thì nếu mua với số lượng từ 3 cái trở lên bạn sẽ được tính giá sỉ đó!

Đặc biệt, bên trên tầng 4 của chợ Platinum còn có một khu Food Court với cực nhiều món ăn ngon tuyệt vời cho bạn thưởng thức nữa đó! Theo như kinh nghiệm du lịch Bangkok của nhiều người thì giá các món ăn tại đây cũng rẻ hơn so với nhiều trung tâm thương mại khác.

2. Khu trung tâm thương mại Central World

Nằm ngay kế bên chợ Pratunam là trung tâm thương mại Central World – đây cũng chính là một trong những điểm đến lý tưởng mà bạn không nên bỏ qua khi tới Bangkok đó! Vậy Central World Bangkok có gì mà lại thu hút đến vậy? Ngay từ bên ngoài phía sảnh của trung tâm bạn sẽ bắt gặp một không gian rộng lớn dành cho những hàng quán với vô vàn những món ăn nhìn thôi là đã thấy thòm thèm rồi.

Bên trong tòa trung tâm thương mại là nơi hội tụ của các nhãn hàng thời gian, phụ kiện nổi tiếng với mức giá bình dân cho bạn thoải mái shopping. Hơn nữa, vì tọa lạc ở ngay trung tâm nên việc di chuyển cũng rất thuận tiện.

Cách đi: đi BTS đến Chit Lom Station, Exit 1.

3. Siêu thị Big C Bangkok

Nằm ngay đối diện trung tâm thương mại Central World nổi tiếng là siêu thị Big C, đây cũng là siêu thị Big C lớn nhất ở Bangkok. Bên trong siêu thị này có rất nhiều mặt hàng khác nhau từ đồ ăn, thức uống cho đến những món đồ như dầu gội, sữa tắm, đồ gia dụng… Nếu như bạn không biết du lịch Bangok nên đi đâu mua quà cho người thân thì hãy ghé tới ngay siêu thị Big C Bangkok nhé!

Cách đi: đi BTS đến Chit Lom Station, Exit 1.

4. Chợ cuối tuần Chatuchak

Chatuchak là một khu chợ cuối tuần lớn nhất Đông Nam Á với diện tích hơn 1.3km2. Nơi đây tập trung hàng trăm gian hàng với nhiều khu vực khác nhau cho bạn khám phá từ quần áo, mỹ phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ, cây cảnh hay đồ thú cưng…Tuy nhiên, chợ Chatuchak Thái Lan chỉ hoạt động vào 2 ngày thứ 7, Chủ Nhật cuối tuần từ 10h sáng đến khoảng 19h thôi nhé!

Cách đi: đi BTS đến Mo Chit station, ra exit 1 rồi đi theo đoàn người

5. Chuỗi trung tâm mua sắm Siam Center – Siam Paragon – Siam Discovery

Nếu đã tới khu Siam thì nhất định bạn phải ghé thăm chuỗi trung tâm mua sắm Siam Center – Siam Paragon – Siam Discovery lớn nhất nhì thủ đô Bangkok. Siam Discovery vừa mới được xây cách đây vài năm bên trong bạt ngàn các thương hiệu mỹ phẩm khác nhau. Siam Center thường tập trung các nhãn hàng thời trang nổi tiếng còn khu Siam Paragon lại có nhiều thương hiệu thời trang cao cấp. Ba khu trung tâm này nối liền với nhau chính vì vậy mà bạn hãy kết hợp đi nhé!

Cách đi: Đi BTS đến Siam Station, ra exit 1, ra exit 3 để vào Siam Paragon. 

6. Trung tâm thương mại Icon Siam 

Là một khu trung tâm thương mại  mới mở ở Bangkok, ngay từ khi đặt chân tới đây bạn sẽ phải choáng ngợp trước vẻ đẹp hoành tráng, hiện đại và sang trọng, chính vì vậy mà còn chần chờ gì mà không bổ sung ngay Icon Siam vào danh sách những nơi nên đến ở Bangkok nhé!

Cách đi: đi BTS đến Saphan Taksin, tìm Exit 1 sau đó ra thẳng bến tàu và chọn tàu Icon Siam miễn phí di chuyển. 

Xem thêm: Bản đồ du lịch Thái Lan 2019 bằng tiếng Việt cho du khách khi đi tự túc

7. Chợ đêm Ratchada 

Chợ Ratchada thường mở cửa vào những ngày cuối tuần từ 5h chiều cho tới 1 giờ đêm. Đây là một khu chợ đêm nổi tiếng nhất ở Bangkok. Theo như kinh nghiệm du lịch Bangkok tự túc của nhiều người thì bạn nên ghé tới đây từ khoảng 6h chiều lúc này thời tiết cũng khá mát mẻ và các gian hàng cũng bắt đầu mở nhiều. Không chỉ có những quầy bán quần áo, phụ kiện, đồ mỹ nghệ mà nơi đây còn là thiên đường ăn uống với những món cực ngon mà giá rẻ bèo đó!

Cách đi: đi BTS đến Ga Asok sau đó chuyển sang MRT đến Thailand Cultural MRT Station ra exit 3. 

Ngoài các địa điểm mà chúng mình giới thiệu trong bài viết trên, ở Bangkok còn có rất nhiều khu trung tâm thương mại mua sắm nổi tiếng khác như MBK, Terminal 21, khu phức hợp Asiatique hay rất nhiều khu chợ ăn uống, mua sắm như Artbox Bangkok, chợ đêm Patpong…không cần phải suy nghĩ Bangkok có gì chơi nữa nhé!

Chi phí du lịch Bangkok tự túc

Để giúp bạn có thể sắp xếp cũng như tính toán được chi phí trong chuyến đi của mình, dưới đây là chi phí du lịch Bangkok tự túc 4 ngày 3 đêm để bạn tham khảo. (Chi phí dưới đây chỉ bao gồm tiền vé máy bay, đi lại, ăn ở và không bao gồm tiền mua sắm nhé!)

  • Tiền vé máy bay: 2.200.000đ/khứ hồi/người (book trước 3 tháng và săn giá vé 0 đồng của AirAsia hoặc VietjetAir)
  • Tiền phòng khách sạn: 600.000đ/người/3 đêm (lựa chọn hostel với giá 200.000đ/người/ngày)
  • Tiền đi lại từ sân bay về Bangkok và di chuyển ở Bangkok: 600.000đ/người
  • Tiền tham quan, ăn uống: 1.500.000đ/người

>> Tổng chi phí: 4.900.000đ/người

Như vậy chỉ với 5 triệu đồng trong tay là bạn đã có thể khám phá trọn vẹn thủ đô của Thái Lan với kinh nghiệm du lịch Bangkok tự túc mà Travelgear đã gợi ý. Hy vọng với những thông tin mà chúng mình đã cung cấp sẽ giúp bạn có thêm những kinh nghiệm thú vị cho chuyến hành trình sắp tới! Nếu thay bài viết có ích, hãy chia sẻ để mọi người cùng biết nhé!

>> Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Thái Lan tự túc 2019: lịch trình từ A-Z đi đâu, ăn gì, chơi gì, mua gì, ở đâu….